Học sinh lớp 4 lập chơi facebook và hỗn tạp từ văn hóa không gian mạng
(Dân trí) - Người lên mạng không ít người đã khai tin giả về bản thân, hay việc sử dụng nick, avatar hoặc lý lịch cá nhân có mục tiêu tô vẽ chân dung bản thân bằng cách nói quá, nói dối là một thực tế...
Hỗn tạp văn hóa không gian mạng
Nói về văn hóa không gian mạng, theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM đó là tất cả những biểu hiện của con người tham gia vào cộng đồng mạng Internet và văn hóa được thể hiện trên mạng Internet.
Văn hóa mạng là hệ thống những sự thể hiện, tương tác và cách thức ứng xử của con người trong không gian của Internet.
Văn hóa học đường chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác động trong đó có văn hóa của Internet và văn hóa mạng. Bối cảnh chuyển đổi số cho thấy văn hóa số có những tác động rất sâu sắc đến văn hóa học đường bởi văn hóa học đường được tạo nên bởi bối cảnh.
Chủ thể chính của văn hóa học đường là giáo viên, học sinh trong khi hai chủ thể này lại khai thác, sử dụng Internet hay mạng xã hội rất phổ biến nên sự tác động lại càng trực tiếp và sâu sắc. Song song đó, là chủ thể của hoạt động dạy học với nhiều ngữ liệu cập nhật hiện đại được "chứa đựng" trên cổng thông tin internet; công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ trong đó có mạng xã hội, các phần mềm trở thành các công cụ thực thi dạy học càng làm cho dấu ấn của văn hóa học đường bị tác động thêm nhiều và nhiều hơn nữa.
Xu hướng gia tăng sử dụng internet, mạng xã hội thể hiện rõ ở học sinh, giáo viên và nhiều nghề nghiệp khác nhau cũng như người dân nói riêng. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu này lại tăng nhiều hơn bởi con người làm bạn với máy tính khá nhiều khi phải giãn cách xã hội. Việc một số người dân khai thác, sử dụng internet nhưng lại chưa được hướng dẫn hay trang bị những kỹ năng cần thiết là một thực tế. Đó là chưa kể Internet và mạng xã hội với tính năng phân tích độ tuổi, nhu cầu dựa trên hành vi sử dụng có thể quảng cáo và dẫn dắt liên tiếp người dùng thậm chí là lôi vào các trang mạng "có vấn đề" về tư tưởng.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho hay, hiện nay, người dùng internet có biểu hiện trẻ hóa khi thực tiễn sử dụng cho thấy chính học sinh tiểu học đã đến với internet, facbook từ nhiều nhu cầu khác nhau. Nghiên cứu của chúng tôi vào năm 2020 trên trẻ em tiểu học cho thấy từ 10% đến 20% học sinh lớp 3 đã tiếp xúc với Internet và thực hiện thao tác truy cập, tìm kiếm trên các cổng thông tin, các trang khác nhau. Cũng ở tuổi này và dần sang học sinh lớp 4, trên 15% học sinh bắt đầu chơi facebook cá nhân và trong số đó, các em tự tạo facebook cho mình lên quá nửa.
Bên cạnh đó, người lên mạng không ít người đã khai tin giả về bản thân, hay việc sử dụng nick, avatar hoặc lý lịch cá nhân có mục tiêu tô vẽ chân dung bản thân bằng cách nói quá, nói dối là một thực tế.
Ngay với học sinh, việc dùng các tên ảo, dùng các tên "định danh, định vị" bản thân như: hoangtucodondeptrai; changtraidatinhlanhlung, cogaisangtrong… trở thành lựa chọn. Hay một số học sinh thể hiện cá tính bằng cách dùng các màu sắc tang tóc, các hình ảnh đầy bí ẩn, ma quái… mô tả về mình. Sự phức tạp về văn hóa hình ảnh, ngôn từ đã lôi kéo không ít học sinh, sinh viên lựa chọn và làm bạn…
GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, sự hỗn tạp văn hóa được mô tả rõ khi tuổi tác, vai giao tiếp chức năng, sự tương tác giao tiếp không có nền tảng, cơ sở. Các thông tin phóng đại đa cấp, liên cấp; các thông tin được nhân lên nhiều lần hay tin liên tục cập nhật, thiếu kiểm soát, thiếu nguồn dẫn làm cho người nhận tin đuối dần trong nguồn tin ngồn ngộn.
Hay các biểu hiện văn hóa trên không gian mạng với các biểu hiện "chặt chém", "tẩy chay hội đồng", "bạo lực tinh thần nhóm", kỳ thị và không chấp nhận, tạo áp lực đám đông… làm cho người tham gia bối rối, chới với hay thậm chí căng thẳng khi tiếp nhận chủ động hay bị động… Rõ ràng, sự hỗn tạp về văn hóa đã làm cho người tham gia mạng xã hội bị tác động dù ít dù nhiều trong thực tiễn.
Môi trường mạng - chuyển đổi toàn bộ cách thức sinh hoạt, học tập, làm việc
GS.TS Huỳnh Văn Sơn phân tích, một thực tế đang diễn ra là mạng xã hội đang trở thành "kênh được quan tâm mỗi ngày như một nhu cầu thiết yếu với nhiều người". Hay cũng có thể thấy mạng xã hội trở thành kênh truyền thông nhiều kiểu, đa dạng, cập nhật, sáng tạo… có thể bất tận.
Bất kể sự việc gì "hot" đều được phát sóng trực tiếp một cách nhanh chóng mà không cần xem xét đến nội dung hay tính nhân văn của nó. Các "sự kiện", các vấn đề hay tình huống xã hội đã thu hút nhiều người trong đó cả nhiều học sinh tham gia ở các "vai" khác nhau. Ngày vui thì chia sẻ với đủ câu từ nhạy cảm, các hành vi thiếu kiểm soát.
Ngày buồn thì cũng live stream để hút người xem nhằm để gia tăng lượt view, share… Thế nhưng ẩn hay lộ ra trong lời chia buồn mong người xấu số yên nghỉ đó là các hành động "khuấy động nội tại", "kích thích nội tâm" bằng cách livestream thì sao có thể yên hay nghỉ?... Có thể nhận thấy mạng xã hội chuyển đổi toàn bộ cách thức sinh hoạt, học tập, làm việc, giao tiếp, vui chơi, giải trí khi bản thân nó đã thu hút, đáp ứng, lôi cuốn và định vị kiểu làm việc, giao tiếp, tương tác rất đặc thù.
Phổ biến nhất của việc livestream hiện nay là bán hàng online. Gần như mặt hàng nào cũng có thể bán qua mạng nhưng chất lượng thì không ai kiểm soát. Kem trộn, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu đều có thể bán qua livestream để thu lợi nhuận, có ngày livestream chốt được hàng trăm đơn hàng.
Không chỉ mặt hàng dành cho người trưởng thành mà đối tượng trẻ cũng là tiêu điểm được chú ý khai thác. Thế là lý do này hay khác, nhiều người bán hàng bất chấp tất cả để thu hút khách hàng trong đó có cả đối tượng sinh viên, học sinh.
Thực tế còn cho thấy học sinh tham gia cùng cha mẹ hay chứng kiến cha mẹ của mình mua bán một cách thụ động - chủ động và sự tập nhiễm xét về hành vi, ngôn ngữ là điều dễ thấy… Hay chính sinh viên, học sinh cũng bắt đầu bán hàng bằng nhiều hình thức bằng cách này hay cách khác để cải thiện doanh thu, doanh số nên văn hóa bán hàng trở thành lựa chọn của chính các em đôi lúc không thể "xả vai".
Nguy hiểm hơn đó là những kẻ sử dụng livestream để chửi bới, thách thức nhau trở thành "thần tượng mới" của nhiều người. "Nhà của tôi, tôi quản lý, thích thì nói. Ai thích nghe thì ở lại, ai không thích thì biến, đó là câu nói trở thành face quy hay fan luật".
Khởi điểm của làn sóng văng tục, chửi bậy, bóc phốt đã như một loại virus mới, không tạo ra "cúm mới" mà tạo ra kiểu lây lan mới làm những ai lo lắng về cách bắt chước, định hướng giá trị của giới trẻ đều "cảm lạnh", "nóng sốt" và thấy "đắng lạ" khi quan sát, suy ngẫm những gì đang xảy ra trên mạng xã hội.
Tất cả dần tạo nên sự tự do ngôn luận, bình đẳng thông tin một cách quá tự do thậm chí thiếu kiểm soát.
Chuyển đổi số trong giáo dục là nhu cầu tất yếu của giáo dục Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc xây dựng văn hóa học đường trên không gian mạng là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh học tập trực tuyến kéo dài, cũng như xu thế số hóa của một số trường đại học, cao đẳng hiện nay, từ thực trạng trên, GS.TS Huỳnh Văn Sơn đề xuất đề xuất một số định hướng xây dựng văn hóa học đường đúng nghĩa không thể thiếu việc quản lý và xây dựng văn hóa mạng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, cụ thể: Phổ biến bằng nhiều hình thức và đánh giá hiệu quả phổ biến này để đảm bảo việc tuân thủ Luật An ninh mạng (2018), Bộ qui tắc ứng xử trên mạng xã hội (2021) hiệu quả;
Chú ý việc bồi dưỡng cho giáo viên một cách căn bản, có tầm nhìn về việc sử dụng Internet, nhất là kỹ năng chuyển đổi số và phát triển các giá trị văn hóa học đường trên không gian mạng; Hỗ trợ học sinh làm quen, khai thác và sử dụng internet một cách chủ động;
Tăng cường chức năng giám sát của Bộ ngành có liên quan, nhất là các biện pháp quản lý hệ thống, toàn cục; Xây dựng các chương trình hành động cụ thể gắn với các đề án hoặc đầu tư một đề án cụ thể, bài bản do Thủ tướng ra quyết định với sự tham gia và thực hiện của các Bộ ngành là vấn đề cần quan tâm.