Cần "ngăn luồng khói độc" trên không gian mạng đối với con trẻ!
(Dân trí) - Bọn trẻ đang làm gì trên mạng? - Có bao giờ chúng ta đặt ra câu hỏi đầy trăn trở ấy để rồi dõi theo bước chân con trẻ mon men vào mạng xã hội?
Càng ngày chúng ta lại chứng kiến càng nhiều hơn những biểu hiện lệch lạc của người trẻ trên không gian mạng. Có cậu thiếu niên 16 tuổi vừa bị xử phạt vì tham gia tấn công mạng đối với trang báo điện tử. Có mấy đứa trẻ cấp hai vừa bị cảnh cáo vì dùng ID và mật khẩu xâm nhập lớp học ảo xúc phạm thầy cô, học sinh. Có nhóm bạn trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới" đã học đòi vác đao kiếm đi ẩu đả sau những xích mích từ mạng ảo.
Hẳn là mọi người vẫn chưa quên về bảng xếp hạng buồn rười rượi về văn hóa ứng xử của người Việt trên mạng xã hội: Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia kém văn minh nhất trên Internet công bố hồi tháng 2 năm ngoái.
Kết quả ấy khiến người Việt sững sờ nhưng không bất ngờ bởi không ít lần chúng ta ngỡ ngàng, sửng sốt, thảng thốt cực độ về cách ứng xử "chợ búa" cùng mớ ngôn từ dữ dằn, độc địa, sâu cay mà vô số "anh hùng bàn phím" ném tía lia về phía người khác, dù chẳng tường tận đúng sai, phải trái, tốt xấu gì cả.
Ai đang ném "đá" đều tăm tắp trên mạng khiến người Việt chịu chung tiếng xấu? Tôi chắc rằng đa phần là người trẻ, rất trẻ. Tất nhiên trong số đó cũng len lỏi vào vài cá nhân qua tuổi trưởng thành, đầy đủ học thức và có địa vị xã hội hẳn hoi.
Họ vẫn nói tục chửi thề, dèm pha, mạt sát người khác và bao biện rằng đó là "cá tính", "thẳng thắn", "thô nhưng thật". Tiếc thay, chính họ lại có cả một đội ngũ "fan" theo dõi, ủng hộ lắng nghe đống từ phản cảm ấy và a dua học đòi văng tục từ mạng ảo đến đời thực.
Dân số trên mạng xã hội ngày càng tăng với phần lớn dân cư là các bạn trẻ. Điều đó là lẽ hiển nhiên bởi người trẻ tìm được vô vàn "món ăn" yêu thích từ các trang mạng. Sẽ chẳng có gì tuyệt vời hơn khi chỉ ngồi một chỗ với chiếc điện thoại thông minh đã có thể kết nối với bạn bè, thậm chí là quan sát mọi biến động của thế giới.
Chỉ có điều song song với tiện ích không giới hạn đó, mạng xã hội cũng đang bị người dùng lợi dụng để biến thành môi trường dung dưỡng cho biết bao cái xấu có cơ hội nảy sinh. Những thước phim đậm tính bạo lực, những ngôn từ chợ búa cứ thế ngang nhiên sống sót trong thế giới ảo. Thói hư tật xấu của con cháu chúng ta hôm nay có một phần không nhỏ nhiễm từ không gian mạng.
Ai cũng biết mặt trái của không gian mạng và luôn muốn con trẻ sử dụng mạng xã hội một cách thông minh. Vậy nhưng, để ngăn ngừa "luồng khói độc" tiêm nhiễm vào bọn trẻ, chính người lớn phải tự xây dựng một hàng rào bảo vệ chính mình và người thân. Vậy nhưng, chúng ta có phải là người dùng mạng thông minh hay chưa?
Chúng ta vẫn đăng tải lên trang cá nhân vô số hình ảnh đẹp đẽ lẫn xấu xí của bản thân và con trẻ, nhiều người có thói quen để ở chế độ công khai. Khung hình bọn trẻ dù lung linh thế nào đi chăng nữa cũng vô tình lộ ra những khoảnh khắc chưa đẹp, chưa tốt, chưa tích cực. Vậy nên không có gì lạ khi người dưng nhảy vào bình luận, "ném đá" ngay dưới clip, hình ảnh. Và câu từ viết vội của người dưng biết đâu sẽ làm con trẻ cảm thấy bức bối, nhức nhối nỗi tủi hổ, chua xót?
Chúng ta vì lười biếng, thiếu kiên nhẫn và luôn bận rộn với cuộc sống riêng mà hay ném cho con điện thoại thông minh để ăn nhanh, nín khóc, khỏi mè nheo. Lớn hơn tí xíu, chúng ta sắm sửa cho con thiết bị điện tử này kia để phục vụ việc học nhưng đâu tường tận rằng bọn trẻ sớm sa đà vào các thú vui trên không gian mạng. Để rồi con trẻ sống hai mặt, vừa hiền ngoan hết mực trong đời thực vừa có thể quậy tưng trong thế giới ảo.
Chúng ta vì muốn "câu like", "câu view" mà sẵn sàng làm các kênh Youtube chạy dòng tít cực sốc để níu chân người xem. Ngôn từ bạo lực, chợ búa, tục tĩu, phản cảm đều tải lên tuốt tuồn tuột mà thiếu hẳn sự giám sát của cơ quan chức năng và các bộ lọc cần thiết. Bọn trẻ với sự tò mò khó cưỡng lại việc kích chuột ghé vào và "luồng khói độc" vô tình xâm nhập vào tâm trí, choáng ngợp lấy tâm hồn rồi dần dà điều khiển ý thức, hành động, thói quen của trẻ. Điều ấy thật sự nguy hại.
Muốn bảo vệ trẻ trên không gian mạng, chúng ta phải ngăn "luồng khói độc" có thể tiêm nhiễm thói hư tật xấu cho trẻ và lập hàng rào bảo vệ con trước các nguy cơ bị lợi dụng, xâm hại.