Không gian mạng là môi trường dễ bị thế lực thù địch lợi dụng chống phá
(Dân trí) - Bên cạnh những mặt tích cực mang lại, mà không gian mạng hiện cũng là môi trường dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá với quy mô, mức độ, đối tượng rộng và khó kiểm soát.
Đó là một trong những ý kiến phát biểu của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra tại hội thảo khoa học cấp quốc gia "Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng". Hội thảo do Bộ Công an phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ngày 8/12 theo hình thức trực tuyến từ Bộ Công an đến 63 điểm cầu công an các địa phương.
"Không gian chiến lược mới", "vùng lãnh thổ đặc biệt"
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc là chủ trương chiến lược, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong mọi thời kỳ.
Ông Nghĩa khái quát, thực tiễn đã chứng minh, chỉ khi độc lập, chủ quyền của Tổ quốc được toàn vẹn, lợi ích quốc gia - dân tộc được bảo vệ, hòa bình đất nước được giữ vững, thì nhân dân mới được hưởng tự do, hạnh phúc thực sự. Từ đó, đất nước mới có điều kiện, môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chỉ rõ, hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một không gian chiến lược mới - "không gian mạng". Không gian mạng đã trở thành môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược, quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá với quy mô, mức độ, đối tượng rộng và khó kiểm soát.
Qua đó, Nghĩa nhấn mạnh, mạng Internet giờ đây đã trở thành "không gian chiến lược mới", "vùng lãnh thổ đặc biệt" gắn chặt với chủ quyền về đất liền, biển, đảo, trên không và vũ trụ. Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Thời gian qua, cùng với cả hệ thống chính trị, lực lượng Công an nhân dân luôn là một trong những lực lượng nòng cốt, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, giữ vai trò trọng yếu trong bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đặc biệt, từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35, ngày 22/10/2018 "Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" gắn với Kết luận số 53, ngày 4/6/2019 của Ban Bí thư "Về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, mạng xã hội" đã tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các cơ quan làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, hoạt động này là bước tiếp theo của quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học ở tầm quốc gia nhằm mục đích nghiên cứu một cách cơ bản và toàn diện; làm rõ hơn những khía cạnh của vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn ở Việt Nam, trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ hơn nội hàm của khái niệm "chủ quyền quốc gia trên không gian mạng", mối liên hệ biện chứng giữa "không gian mạng" và "chủ quyền quốc gia"; vấn đề an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng; đánh giá từ nhiều góc độ thực trạng hoạt động của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ở nước ta trong những năm qua.
Những kết quả, kinh nghiệm cũng như hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong hoạt động này. Những yêu cầu mới đặt ra về quản lý, bảo vệ lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các văn kiện khác của Đảng. Yêu cầu, định hướng và các giải pháp tổng thể và các giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ vững chắc và hiệu quả chủ quyền quốc gia trên không gian mạng...
Phát biểu bế mạc hội thảo, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng thời gian tới, đề nghị lực lượng Công an cần tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Bộ Công an về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Công an cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng. Yêu cầu khác là hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm luật An toàn thông tin mạng, luật An ninh mạng, luật Bảo vệ Bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông...
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin và an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng. Hoàn thiện các chính sách nhằm khuyến khích, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Ngành trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và an ninh mạng.