DMagazine

Học nghề giúp giảm tệ nạn xã hội, ổn định cuộc sống trong thanh thiếu niên

(Dân trí) - Những đứa trẻ vừa tốt nghiệp THCS đã nghỉ học, lêu lổng ngoài đường rất dễ bị cám dỗ, sa vào các tệ nạn xã hội. Trường nghề giúp giữ chân các em trong môi trường học đường.

Hỗ trợ học nghề giúp giảm tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên

Những đứa trẻ vừa tốt nghiệp THCS đã nghỉ học, lêu lổng ngoài đường rất dễ bị cám dỗ, sa vào các tệ nạn xã hội. Trường nghề giúp giữ chân các em trong môi trường học đường.

Giữ học sinh nghèo trong môi trường học đường

Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Tây Ninh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2022 tại huyện Gò Dầu thu hút hơn 800 học sinh lớp 9 và lớp 12, 2 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và 5 doanh nghiệp tham gia.

Con số còn khá khiêm tốn nhưng ông Dương Quốc Sinh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh vẫn rất vui. Vì theo ông, mỗi ngày hội tư vấn tuyển sinh là một cơ hội để các trường nghề giới thiệu đến các em học sinh, khuyến khích các em đến với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Ông nói: "Chỉ cần mỗi gian hàng, mỗi trường tham gia ngày hội tuyển thêm được một số học sinh là thành công rồi!".

Học nghề giúp giảm tệ nạn xã hội, ổn định cuộc sống trong thanh thiếu niên - 1

Theo ông Dương Quốc Sinh, chính sách hỗ trợ học phí, khuyến khích học nghề theo Luật GDNN là hết sức nhân văn vì đã tạo được một đường ra cho những học sinh nghèo hay có học lực kém.

Trước đây, những em học sinh kém mà nhà nghèo thường nghỉ học sau lớp 9. Tuổi còn nhỏ, nhiều thời gian rảnh nên các em hay tụ tập chơi bời lêu lổng, dễ bị cám dỗ, sa vào các tệ nạn cờ bạc, nghiện ngập…

Học nghề giúp giảm tệ nạn xã hội, ổn định cuộc sống trong thanh thiếu niên - 2

Ông Dương Quốc Sinh từng quản lý mảng tệ nạn xã hội nên ông rất trăn trở trước thực trạng này. Ông ám ảnh nhất là vấn nạn thanh thiếu niên nghiện ma túy đá, bởi đây là loại ma túy gây tác động cực kỳ nguy hiểm đến người dùng, hủy hoại biết bao nhiêu gia đình.

Theo ông, chính nhờ chính sách miễn giảm học phí học nghề, những em học lực yếu kém mà gia đình không có điều kiện cho đi học trường tư, vào đại học thì có thể bước vào trường nghề, tìm kiếm tương lai phù hợp cho mình.

Ít ra, khi đi học nghề thì các em được giữ lại trong môi trường giáo dục thêm vài năm. Khi các em ra trường thì đã đủ trưởng thành, có thêm năng lực ứng phó với những cám dỗ của cuộc đời, góp phần giảm bớt tệ nạn xã hội trong lứa tuổi thanh thiếu niên.

Phân luồng còn khó khăn nhưng tốt hơn qua từng năm

Tuy rất tâm đắc với chính sách hỗ trợ học phí khuyến khích học nghề nhưng ông Dương Quốc Sinh vẫn thừa nhận là công tác phát triển GDNN, phân luồng học sinh trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hạn chế, tỷ lệ học sinh theo con đường học nghề vẫn ở mức thấp.

Học nghề giúp giảm tệ nạn xã hội, ổn định cuộc sống trong thanh thiếu niên - 3

Ẩm thực là nghề nhiều em học sinh yêu thích tìm hiểu tại ngày hội (Ảnh: Ẩm thực TPA).

Theo đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học nghề trình độ sơ cấp, trung cấp; 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học nghề trình độ cao đẳng.

Nhưng tại Tây Ninh, trong năm học 2020-2021, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học nghề là 14%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học trung cấp, cao đẳng là 21%.

Năm 2021, học sinh đăng ký vào cao đẳng nghề là 436 em, trung cấp là 1.609 em. Trong khi đó, nhu cầu lao động có tay nghề của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 20.000 người.

Tuy nhiên, ông Dương Quốc Sinh lạc quan, tin tưởng vào sự chuyển biến tích cực trong tương lai, khi mà hoạt động của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đang ngày càng tốt hơn, số lượng học sinh đăng ký xét tuyển vào các trường nghề năm sau luôn cao hơn năm trước.

Học nghề giúp giảm tệ nạn xã hội, ổn định cuộc sống trong thanh thiếu niên - 4

Theo ông Hồ Duy Xuyên, Chủ tịch HĐQT trường Trung cấp Á Châu (tỉnh Tây Ninh), mấy năm qua số lượng tuyển sinh của trường đều tăng gấp đôi qua từng năm nhờ kết quả học viên ra trường dễ tìm được việc làm có thu nhập tốt.

Ông đánh giá, sự phát triển của các trường nghề thời gian qua có sự hỗ trợ lớn từ chính sách miễn giảm học phí của Chính phủ, sự giúp đỡ của cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh thông qua các ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh tại các trường…

Tuy nhiên, ông Xuyên cho rằng, các trường nghề cũng phải chủ động đẩy mạnh hoạt động truyền thông tuyển sinh, thường xuyên đến các trường phổ thông giới thiệu thế mạnh của học nghề, ưu điểm của trường mình… để lôi kéo học sinh về với GDNN.

Mỗi người đều cần có một nghề trong tay

Chia sẻ với hàng trăm em học sinh tại ngày hội, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm phát triển nhân lực, khẳng định trong thời buổi công nghệ hiện nay, học là con đường duy nhất để có việc làm, ổn định cuộc sống, mỗi người đều phải có một nghề trong tay.

Học nghề giúp giảm tệ nạn xã hội, ổn định cuộc sống trong thanh thiếu niên - 5

Mỗi người đều cần có một nghề trong tay khi gia nhập thị trường lao động.

Ông nói: "Em nào thích học thì học, mà không thích học cũng phải học. Em nào giỏi tư duy thì học văn hóa, vào đại học; không giỏi tư duy thì học nghề mới có thể tìm được công việc ổn định khi ra đời".

Bởi theo ông Tuấn, tỷ lệ lao động không có tay nghề ngày càng thấp và sẽ bị đào thải trong thời gian tới. Người lao động tay chân ngày càng khó tìm việc làm, nếu có việc thì thu nhập cũng không cao, cuộc đời khó thành công.

Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh các bạn trẻ phải biết tự đánh giá năng lực và sở thích của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình để lựa chọn ngành nghề, cấp bậc học, trường học phù hợp, đừng quá ảo tưởng về bản thân.

Theo ông Tuấn, những bạn học không giỏi hay điều kiện kinh tế gia đình không tốt để theo đuổi con đường đại học thì nên tìm kiếm một nghề phù hợp với bản thân để học, sớm ra trường lo kinh tế. Việc Chính phủ hỗ trợ học nghề là một lợi thế lớn, học nghề dễ kiếm việc cũng là lợi thế giúp các bạn trẻ sớm ổn định cuộc sống. Mỗi người có con đường thành đạt riêng, không ai giống ai, quan trọng nhất là tìm được con đường phù hợp với bản thân mình.

Bài và ảnh: Tùng Nguyên