Học chung với lũ

Đốt củi, bán than, cày thuê cuốc mướn, nhiều gia đình ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh luôn sống trong điều kiện kinh tế bấp bênh, đắp đổi qua ngày...

Mẹ cha lam lũ, điều kiện đến trường của các em học sinh nơi đây cũng nhọc nhằn không kém. Thế nhưng, trong nỗi cơ cực ấy, những khát vọng nhỏ nhoi mà chân thực, vẫn cứ bay lên…
Học chung với lũ - 1
Mưu sinh sau giờ học.

Trang sách chan màu nắng

Đến với miền đất Lộc Yên vào những ngày đầu hè oi ả, hành trình Đèn Đom Đóm (ĐĐĐ) của nhãn hàng sữa Cô Gái Hà Lan mới cảm giác được cái nắng gió Lào oi ả, khác nghiệt đến thế nào. Ruộng đồng khát cháy, cây cối cằn khô... Ấy vậy mà, giữa cái nắng chói chang ngoài đồng, vừa tưới rau giúp mẹ vừa trông em, cô bé Phạm Thị Xuân, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Hương Lộc, huyện Hương Khê vẫn miệt mài bên trang sách. Bố mất từ khi Xuân mới chập chững biết đi, gánh nặng của gia đình 6 nhân khẩu đều chồng chất lên đôi vai gầy của mẹ. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng với thu nhập chỉ khoảng 100.000 đồng mỗi tháng của mẹ, có những lúc cái ăn, cái mặc của cả gia đình trở nên túng bấn vô cùng... Thương mẹ vất vả, 10 tuổi, Xuân thức khuya, dậy sớm nấu cơm, giặt giũ, phụ mẹ lo cho hai em nhỏ và ông bà nội tuổi cao sức yếu.

Có lẽ những giọt mồ hôi thấm đẫm lưng áo mẹ, cái cảnh đàn em nheo nhóc, đói khát…đã hình thành nên trong cô học trò với thân hình bé nhỏ ấy một ý chí mạnh mẽ và kiên cường đến lạ. Khi được hỏi về tương lai xa hơn, ánh mắt của cô bé sáng lên: “Em sẽ quyết tâm giành giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện sắp tới, mai này em ước mong trở thành cô giáo, dạy ở gần để phụ giúp mẹ và dạy dỗ cho các em”.

Động viên Xuân bằng những chia sẻ, cổ vũ em bằng suất học bổng ĐĐĐ nhưng chúng tôi biết con đường trở thành cô giáo của em vẫn còn lắm gập ghềnh, gian nan... Dáng nhỏ căm cụi bên ruộng ngô, tay cầm quyển sách ê a con chữ làm bừng sáng cả một góc cánh đồng chiều miền Trung.

Liếp tranh ấp ủ giấc mơ

Lộc Yên nằm ở miền núi phía tây nam tỉnh Hà Tĩnh, với địa hình trũng thấp, là nơi hội tụ của ba con sông lớn. Do vậy, cứ mỗi mùa mưa lũ, cả vùng lại chìm trong biển nước. Cô Thái Thị Thanh Xuân, hiệu trưởng Trường tiểu học Hương Lộc cho biết, mùa lũ, trường học ngập sâu đến 3 - 4m. Bàn ghế, sách vở, dụng cụ học tập cũng bị cuốn trôi đến 3 - 4 km. Trường ngập, học trò phải nghỉ học vài ngày hoặc cả tuần chờ nước rút. Gặp lúc lũ lâu, để khỏi gián đoạn chương trình, thầy trò phải bì bõm đến lớp khi nước còn mấp mé đầu gối.

Lũ lụt thường xuyên nên người dân nghèo Lộc Yên dựng nhà, dựng trường bằng các tấm phên trát phân bò. Mùa lũ dâng, những vách tường “dã chiến” ấy được nhấc ra, cất lên gác cao. Và rồi gió, mưa cứ thế mà xối xả vào nhà. Song, hoàn cảnh khó khăn ấy dường như càng làm tăng thêm khát khao tìm chữ và không bao giờ thôi mơ ước của những học trò nơi đây.

Rời Lộc Yên, chúng tôi không sao quên được nụ cười rạng rỡ đón nhận học bổng, ánh mắt lưu luyến khi phải chia tay đoàn của các em học sinh và thầy cô nơi đây. Dường như, âm vang bài hát Đèn Đom Đóm hoà cùng buổi Lễ trao học bổng đã để lại trong các em những dấu ấn và kỷ niệm sâu sắc. Làm sao để màu ngói vẫn đỏ tươi trên ngôi trường tiểu học Hương Lộc, làm sao để niềm hạnh phúc học tập không bao giờ dập tắt trong các em? Hãy cùng chia sẻ với chúng tôi những trăn trở ấy, cảm nhận nỗi khó khăn trên con đường đến trường và lắng nghe những ước mơ của các học trò nhỏ Trường tiểu học Hương Lộc, Hà Tĩnh qua chương trình truyền hình thực tế Đèn Đom Đóm được phát sóng vào lúc 8h trên VTV3 ngày 16/5/2010.

Bùi Toàn

 

Bạn đọc có thể tham gia và đóng góp cho chương trình bằng nhiều hình thức khác nhau:

 

- Đề cử những tấm gương hiếu học vượt khó, những ngôi trường cần được giúp đỡ mà bạn biết, gởi về địa chỉ: dendomdom@dutchlady.com.vn

 

- Bình chọn & đóng góp cho ngôi trường cần được xây dựng sớm nhất bằng cách nhắn tin về tổng đài 8704 với cú pháp:

DDD Mã số trường để bình chọn và đóng góp hoặc DDD chỉ để đóng góp cho chương trình.

- Truy cập vào địa chỉ website: http://www.dendomdom.com.vn/ hoặc http://www.toiyeucogaihalan.com/