Hiệu trưởng ĐH Giao thông trần tình vụ luận văn, đồ án bị bán phế liệu

(Dân trí) - Sau khi báo chí phản ánh về các luận văn, đồ án của sinh viên trường ĐH Giao thông vận tải bị đem bán với giá giấy loại, tập kết ở bãi phế liệu, trao đổi với PV Dân trí, Hiệu trưởng Trần Đắc Sử cho biết: “Luận văn, đồ án này thuộc diện bị hủy theo quy định”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cho biết: “Clip mà báo chí phản ánh là đúng nhưng ở đây có phần hiểu nhầm vấn đề. Chúng tôi đã kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc thì luận văn, đồ án này thuộc diện bị hủy theo quy định”.

Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải lên tiếng về việc luận văn, đồ án bán phế liệu

Cuốn Luận văn thạc sĩ và Đồ án tốt nghiệp mà trường ĐH Giao thông vận tải tìm thấy trong đống giấy vụn

Theo ông Sử, mỗi học viên khi làm luận văn thì phải có 2 cuốn nộp cho nhà trường để lưu trữ trên thư viện, 5 cuốn nộp cho hội đồng chấm (trong đó có 2 phản biện).

Theo quy định, mỗi luận văn hay đồ án của sinh viên đã được bảo vệ trước hội đồng và có chữ ký của người hướng dẫn được nhà trường lưu giữ trên thư viện theo đúng quy định để mọi người tham khảo. Với các luận văn, đồ án mà sinh viên nộp cho các thành viên hội đồng và phản biện, các thầy chỉ lưu giữ trong vòng 2 - 3 năm là được quyền hủy bởi các thầy không có trách nhiệm phải lưu giữ lâu.

Nếu luận văn, đồ án mà đang trong thời gian lưu trữ của nhà trường mà lọt ra ngoài là nhà trường phải chịu trách nhiệm còn với các cuốn khác sẽ là tài liệu tham khảo hoặc thuộc quyền sử dụng của các thành viên hội đồng nên trường không quản lý.

Do đó, vấn đề mà báo chí phản ánh, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra trong đống giấy vụn mà cô thu mua giấy vụn ở kho của phòng sau đại học đó gom lại, chúng tôi lục ra có 2 cuốn, 1 cuốn đồ án tốt nghiệp và 1 cuốn luận văn thạc sĩ thì thấy, cả 2 cuốn đã bị mất bìa, nhàu nát.

Cuốn luận văn Thạc sĩ làm từ năm 2006, tuy có chữ ký của người hướng dẫn nhưng đã quá thời hạn cho phép các giảng viên lưu ( từ 2 năm trở lên) thì được quyền hủy. Đồng thời, nhà trường kiểm tra trên thư viện cuốn luận văn thạc sĩ này có bìa và chữ ký của người hướng dẫn vẫn được lưu giữ. Như vậy, cuốn luận văn Thạc sĩ mà cô mua giấy vụn kia thu gom được là của thầy hướng dẫn và cũng hết thời gian lưu giữ với thầy theo quy định và được hủy.

Đối với cuốn đồ án tốt nghiệp năm 2012, trong cuốn này không có chữ ký của người hướng dẫn đồng nghĩa với đồ án chưa được nghiệm thu và không có giá trị.

Trả lời câu hỏi, vì sao người mua giấy vụn lại có chìa khóa của kho chứa tài liệu của Khoa sau đại học?

Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cho biết: Trong năm qua nhà trường có đợt điều chỉnh lại phòng làm việc của các đơn vị, nên phòng này thuộc khoa Điện-Điện tử quản lý, gần đây mới ban giao cho Phòng sau Đại học để làm kho quản lý các tài liêu liên quan. Trong quá trình tiếp nhận kho, thấy giấy tờ trong kho ngổn ngang, cán bộ khoa sau đại học nhờ cô bán giấy vụn (đồng thời cũng là người thường xuyên quét dọn văn phòng của đơn vị) dọn dẹp giúp và có thanh lý 1 số giấy vụn và cô mua giấy vụn này thu gom lại cho vào bao bì.

Trước ngày cô này mở cửa bán giấy vụn, có 1 người gọi điện hỏi mua giấy vụn với mức giá 5000đ/kg với loại giấy 1 mặt với giá hời so với thị trường (giá bình thường là 3.500 đ/kg), cô này đã đồng ý. Hôm sau, người mua đến gặp cô bán giấy vụn tại trường để thỏa thuận.

Do trong kho không có tài sản giá trị nào, toàn là tài liệu giấy thi, quy chế thi, công văn giấy tờ đã hết hạn nên chìa khóa của kho để ở văn phòng khoa để mọi người cần xuống kho cho tiện. Cũng do là người thường xuyên quét dọn trong đơn vị nên cô bán giấy vụn cũng được cầm chìa khóa.

Khi người mua giấy đến thì cô này đã lấy chìa khóa ở khoa và dẫn người mua xuống kho để lấy giấy vụn. Tuy nhiên, người gạ mua giấy vụn lại sau khi xem xong đống giấy vụn lại không mua nữa và bỏ đi.

Chúng tôi đã kiểm tra toàn bộ đống giấy vụn đó và tìm được 2 cuốn như đã nói ở trên. Hiện trong kho của khoa sau đại học cũng có tủ lưu giữ luận văn, đồ án năm 2012 của sinh viên mà các thầy gửi nhờ vì phòng làm việc quá chật. Các cuốn này vẫn còn nguyên trong tủ. Tuy nhiên, các cuốn này các thầy cũng có thể hủy được vì đã quá thời hạn 2 năm lưu giữ theo quy định.

Ông Trần Đắc Sử cũng thừa nhận rằng: “nhà trường sơ suất trong vấn đề quản lý kho giao cho phòng sau đại học. Rất may kho không phải là nơi chứa luận văn mà chỉ là nơi để tài liệu thừa và 1 ít luận văn các thầy gửi vào đó. Đồng thời, qua sự việc trên, nhà trường cũng rút kinh nghiệm công tác an ninh trong nhà trường chưa được chặt chẽ để người lạ vào trường”.

Hồng Hạnh