Hà Nội: Học sinh tiểu học "hô biến" rác thải thành sản phẩm trưng bày

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Từ vỏ nhựa, lon bia, vỏ bưởi, giấy, thậm chí cả xốp bọc hoa quả..., cũng được học sinh phổ thông Hà Nội "hô biến" thành sản phẩm đẹp long lanh mang đến "Triển lãm và mô hình trường học không rác".

Triển lãm nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Liên minh không rác Việt Nam 2021, do trường Genesis School phối hợp tổ chức ngày 19/12 tại Hà Nội.

Hà Nội: Học sinh tiểu học hô biến rác thải thành sản phẩm trưng bày - 1

Các sản phẩm tái chế rác thải nhựa do học sinh Trường Tiểu học Trung Yên làm được trưng bày tại triển lãm. 

Hà Nội: Học sinh tiểu học hô biến rác thải thành sản phẩm trưng bày - 2

Hoa và lọ hoa được làm từ vỏ nhựa. 

Hà Nội: Học sinh tiểu học hô biến rác thải thành sản phẩm trưng bày - 3

Những bông hoa màu sắc được cắt tỉa công phu từ vỏ chai nước ngọt. 

Mo hinh

Mô hình máy bay trực thăng được học sinh lớp 5 làm từ các sản phẩm rác thải nhựa. 

"Cây dâu tây" được học sinh Trường Tiểu học Trung Yên làm từ vỏ xốp bọc hoa quả. 

Hà Nội: Học sinh tiểu học hô biến rác thải thành sản phẩm trưng bày - 6

Ý tưởng về cây treo đồ, giỏ đựng đồ từ thiên nhiên. 

Các điểm trường trên địa bàn Hà Nội đã và đang sử dụng thùng thu gom phân loại rác, tích rác đổi quà. 

Triển lãm báo cáo các dự án, các mô hình, đơn vị có nhiều đóng góp cho hành trình giảm thiểu rác thải tại Việt Nam trong năm 2021 vừa qua. 

Các đại biểu tham quan mô hình trồng rau, nhà thủy canh, thùng ủ phân từ rác hữu cơ, thùng nuôi giun...

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Anh, Giám đốc hệ thống giáo dục nhà trường cho biết, nhà trường đã chính thức ký kết hợp tác với Liên minh không rác Việt Nam (VZWA) vào tháng 9/2021.

Theo đó, thay vì hô hào khẩu hiệu "hãy bỏ rác đúng chỗ" hay "hãy phân loại rác", nhà trường lồng ghép các kiến thức này vào bài học hàng ngày, hàng tuần cho các em, nhằm thay đổi thói quen của học sinh theo từng cấp học.

Cụ thể, thay vì những lý thuyết khá khó nhằn, khó cảm như hạn chế dùng đồ nhựa (anti-plastic), quy tắc 3R: Reduce (Giảm thiểu) - Reuse (Tái sử dụng) - Recycle (Tái chế)…, nhà trường để các em tiếp xúc với thiên nhiên, phát triển tình yêu với cây cỏ hoa lá, học cách bảo vệ người bạn thiên nhiên, từ đó hình thành phản xạ sống xanh.

Trong khi các bé mầm non được giới thiệu về rác thải, thùng rác, cách tái chế đồ vật thì học sinh lớp 1 lại tìm hiểu về sự đa dạng sinh học, quá trình di cư, nguyên nhân suy giảm số lượng các loài.

Đến lớp 5 - bậc cuối cấp, học sinh còn được tiến hành kiểm toán năng lượng tiêu thụ, nước, chất thải hay thực hiện các dự án khoa học.

Triết lý giáo dục xanh cũng được lồng ghép trong các chương trình giáo dục khoa học theo mô hình Green STEM.

Mô hình này sẽ giúp trẻ hiểu và xâu chuỗi kiến thức khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học, từ đó hình thành kỹ năng ứng dụng kiến thức vào xử lý các tình huống trong cuộc sống.