GS. TSKH Trần Duy Quý: Nói “Tiến sĩ giấy” cũng không oan!

“Làm tiến sĩ nông nghiệp mà khi kiểm tra ở ngoài ruộng tiến sĩ không phân biệt được cây cỏ lồng vực với cây lúa; còn tiến sĩ kinh tế nhưng ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vẫn bị hớ và bị lừa nhập máy cũ, công nghệ lỗi thời rồi thua lỗ…”.

GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, Tư vấn Chương trình KC-06 của Bộ Khoa học Công nghệ đã cắt nghĩa về tình trạng “Tiến sĩ giấy” hiện nay. Theo GS Quý: “Dư luận có nói ‘Tiến sĩ giấy’ cũng không oan bởi số người học thật, nghiên cứu thật để có học hàm, học vị không nhiều”.

Thực tiễn sản xuất sẽ lộ ra ngay ai là người học thật, ai là tiến sĩ giấy.

Thực tiễn sản xuất sẽ lộ ra ngay ai là người học thật, ai là tiến sĩ giấy.

Tiến sĩ không phân biệt được cỏ với lúa

Lý giải về tình trạng ngày càng nhiều tiến sĩ không làm được việc, GS.TSKH Trần Duy Quý cho rằng có trào lưu này là vì phụ thuộc vào chính sách vĩ mô của nhà nước. Khi nhà nước muốn đề bạt lãnh đạo, từ cấp trưởng phòng, bắt buộc chuyên môn là phải có bằng tiến sĩ.

“Làm lãnh đạo lại có bổng lộc nên chính vì thế họ chạy đua làm. Xã hội có nhu cầu thì ắt sẽ có nguồn cung. Bằng thì bằng thật nhưng học giả, hoặc học không đến nơi đến chốn nên khi đụng phải những vấn đề cần phải giải quyết bằng chuyên môn và nhất là khi thực tiễn sản xuất sẽ lộ ra ngay”, GS Quý nói.

Minh chứng cho nhận định của mình, GS Trần Duy Quý nêu chính từ thực tế khi ông còn là Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, ông đã giới thiệu người để bổ nhiệm trưởng Bộ môn chọn tạo giống lúa của Viện cũng chọn một kỹ sư.

Sở dĩ GS Quý chọn kỹ sư thay vì các tiến sĩ đang có sẵn trong Viện là vì: “vị kỹ sư này giỏi hơn nhiều vị tiến sĩ khác chuyên môn không vững. Khi thử tay nghề thấy không ổn thì tiến sĩ cũng chỉ làm nhân viên thôi”.

Sau đó Viện đã tổ chức bầu công khai và vị kỹ sư đã được trúng cử, còn tiến sĩ vẫn chỉ là nhân viên.

“Dù bổ nhiệm như vậy nhưng không ai có ý kiến gì được. Bởi khi kiểm tra ở ngoài ruộng tiến sĩ không phân biệt được cây cỏ lồng vực với cây lúa thì làm sao đảm nhiệm Trưởng Bộ môn chọn tạo giống lúa được?”, GS Quý cho biết.

Lý giải tình trạng tiến sĩ nhưng không phân biệt được cỏ với lúa, TS Quý cho rằng: chính là vì sự học không đến nơi đến chốn và cũng không ít người học giả, bằng thật nên chuyên môn không nắm vững.

Và ông đã phải đau đớn viết bài thơ gửi Bộ Giáo dục và đào tạo, rằng:

“ Ngày xưa các cụ đi thi
Trạng nguyên bảng nhãn vinh quy về làng
Bây giờ lắm trạng nghênh ngang
Ăn tục nói phét nghênh ngang với đời
Nhưng mà thực chất bạn ơi
Bằng mua, bằng bán, tiền cười là xong
Có bằng lên chức mới nhanh
Không bằng đợi đấy ông hành mày cho
Mới hay các cụ dặn dò
Qua sông phải lụy con đò sang ngang
Hay gì mua tước bán quan
Hay gì chạy chọt để sang hơn người
Phải nhanh dẹp loạn đi thôi
Kẻo sau con cháu nó cười tiền nhân”.

Dư luận nói tiến sĩ giấy cũng không oan!

Khi bàn về nhận định của dư luận cho rằng, đất nước bị tụt hậu cũng là bởi có quá nhiều tiến sĩ giấy GS Quý bày tỏ nỗi đau. Ông nói: “Tôi đau lắm chứ. Hiện tượng đua nhau bằng cấp không thể chấp nhận được”.

Theo ông, sở dĩ chất lượng giảm là vì đề tài copy paste rất nhiều. “Công nghệ thông tin hỗ trợ nhiều quá, nhanh quá mà không phải hội đồng nào cũng đọc kỹ đề tài của các tiến sĩ”, GS Quý nói.

Từng là người ngồi nhiều hội đồng ông cũng biết rõ, để đọc một đề tài tiến sĩ rất mệt, ví dụ tác giả tham khảo tới 180 tài liệu thì trách nhiệm người đọc duyệt thì phải kiểm tra đúng xem có phải như thế không. Như thế lại đòi hỏi người đọc đề tài có tâm.

“Trong khi quy định thù lao chỉ có 1 triệu đồng, còn trước kia là 500.000 đồng thì nói thật là không ít người đọc cho qua”, ông cho biết.

Với loại công trình cắt dán, nhặt nhạnh thì khi “sinh ra” đề tài đó chẳng thể giúp ích gì được cho thực tiễn bởi nó là “đứa con” dị dạng. Chỉ có đề tài xuất phát từ thực tiễn, doanh nghiệp đặt hàng là đánh giá thiết thực nhất.

“Cho nên hiện nay nhiều nhà khoa học mải đi làm việc khác không chú tâm nghiên cứu, hay nhà khoa học trẻ được đào tạo không đến nơi đến chốn không dám nhận đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Bởi đặt hàng của doanh nghiệp sẽ đụng dến danh dự, kinh tế thì sòng phẳng, nhưng được việc thì thưởng vô cùng lớn. Cho nên chỉ có tập thể khoa học mạnh, nhà khoa học có tài thực sự mới dám kết nối với doanh nghiệp”, GS Quý khẳng định.

Trả giá đắt

Từviệc học giả, bằng thật khi bước vào thực tế không ít vị tiến sĩ đã phải khiến cho người dân điêu đứng, tổ chức thiệt hại.

Bằng chứng là có vị tiến sĩ kinh tế, bằng quản trị kinh doanh nhưng học lơ mơ, chạy chọt là chính nên khi ra làm ký hợp đồng với nước ngoài là bị hớ, thất bại. Bị họ đưa cho những máy móc mới 100% nhưng đời máy thì đã lạc hậu. “Do chuyên môn không vững nên hợp đồng kinh tế làm không chặt, đến khi bị lừa, thua lỗ cũng không biết kêu ai”, GS Quý kể.

Ông cũng nhắc tới trường hợp khi làm giống cây trồng, nhiều tiến sĩ nhưng không hiểu được cấu trúc đặc tính của từng loại để xây dựng chọn tạo giống nên đã đưa ra giống không có tính mới, không có hiệu quả kinh tế. Thế nhưng khi trình đề tài, dự án lên thì rất hay. Khi đó lại gặp những anh quản lý non tay không chịu đi sâu để hổng và ký duyệt là thất bại.

“Đề tài thì vẫn thành công đến lúc nghiệm thu nhưng không có sức sống trong thực tiễn. Đề tài hoàn thành nhưng giống không trụ lại được trong thực tiễn. Cho nên thực tiễn là quan tòa vĩ đại nhất để định ra giá trị của bất cứ một công trình nào, hay thiên tài nào”, ông Quý nói.

Nhớ lại khi chọn tạo giống lúa BC 15, ông cho biết khi đó nhóm nghiên cứu ra đưa lên quá nhiều ưu điểm là năng suất cao, gạo ngon, đậm…, nhưng lại quên mất 3 nhược điểm cực kỳ nguy hiểm là chịu rét kém, bị bệnh đạo ôn khi sương mù và dài ngày nên hay bị lỡ thời vụ.

Vì thế đã có nơi bị mất mùa trắng khi cấy giống BC 15 do gặp phải thời tiết rét. Lúc đó đổ lỗi cho nhau, doanh nghiệp đổ cho nhà quản lý chỉ đạo không đúng, nhưng thực tế là doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu của nhà khoa học nhưng chưa kỹ.

“ Dù cá nhân tôi và các nhà khoa học đi trước đã cảnh báo nhưng không ai nghe, vì chạy được hội đồng của bộ, được công nhận là giống tốt. Nhưng rốt cuộc là phải đền cho dân vài trăm tỉ đồng. Những thất bại này vô cùng đau đớn”, GS Quý nhớ lại.

Hoặc giống ngô khi đưa ở nước ngoài về. Khi khảo nghiệm chưa kỹ càng, có những biến động của vùng sinh thái gọi là mức phản ứng của vùng sinh thái. Tức là mức phản ứng có thể trồng được ở miền Bắc đến Tây Nguyên nhưng khi đưa vào Tây Nguyên phải chuyển dịch mùa vụ. Ví dụ ở miền Bắc có thể trồng tháng giêng nhưng vào Tây Nguyên phải trồng tháng 3. Nhưng lại cứ rập khuôn gieo vào tháng giêng đến lúc trỗ lên gặp nóng, ngô không kết hạt. Lúc đó là chết người nông dân.

Theo GS Quý, đó chính là kết quả của việc không hiểu thấu đáo là do học không đến nơi đến chốn, không nắm được mức phản ứng khi môi trường biến đổi. Nếu khảo nghiệm thấu đáo, trình diễn kỹ chắc ăn thì mới chuyển giao cho dân. “Chỉ những người có chuyên môn thực sự. Dám ký với dân nếu không được nhà khoa học chịu100%, được thì chia đôi. Còn nếu hứa không thì ai cũng làm được nhưng rốt cục thì không biết sẽ như thế nào”.

Ông cũng thừa nhận nhiều bạn trẻ nhanh nhạy không thua kém các vị khoa học tiền bối, nhưng làm khoa học ít tiền, vất vả, không phải ai cũng muốn lội ruộng nghiên cứu làm gì. Nhiều bạn trẻ có tài năng thực sự thì ra nước ngoài và ở lại đó, hoặc trong nước thì làm cho doanh nghiệp. Số còn lại, nhiều bạnchạy chọt để leo vào một vị trí nào đó. Như thế thì làm sao tìm được những cán bộ xuất sắc.

“Nếu nhà nước không chấn chỉnh lại, có chế độ cải thiện tài năng trẻ, thì sẽ ngày càng có nhiều tiến sĩ giấy. Do vậy dư luận có gọi tiến sĩ giấy không oan vì nhiều trường hợp đào tạo không bài bản, không có được cái mới, ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đến khi gặp sự cố phát sinh là chịu không giải quyết được. Và rồi tất cả sẽ lại là cái thùng rỗng mà thôi!’, GS.TSKH Trần Duy Quý lo ngại.

Theo Bích Ngọc
Đất Việt

________________________________________

*Mọi liên hệ về viết bài tin cho Chuyên mục Khoa học xin gửi đến E.mail: thaolam@dantri.com.vn