GS Nguyễn Thiện Nhân: "Phải xây dựng hệ sinh thái Toán học Việt Nam"

Lệ Thu

(Dân trí) - Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải xây dựng "hệ sinh thái" Toán học Việt Nam để không ngừng tăng cường mở rộng mạng lưới người làm toán, ứng dụng kết quả toán vào mọi lĩnh vực cuộc sống.

Phát biểu tại chương trình Tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học và Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán diễn ra tại Hà Nội ngày 23/12, GS Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại những ngày đầu thành lập chương trình cách đây 10 năm.

GS Nguyễn Thiện Nhân: Phải xây dựng hệ sinh thái Toán học Việt Nam - 1
GS Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học và Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.

"Trong quá trình bàn bạc tổ chức cuộc thi Toán quốc tế năm 2007, lúc đó tôi là Phó Thủ tướng, từ tình cảm và trách nhiệm với nền Toán học Việt Nam có hỏi các thầy trong hội đồng chấm thi: "Toán học Việt Nam đứng thứ bao nhiêu?".

Khi ấy đánh giá sơ bộ Toán học Việt Nam xếp chừng thứ 70 thế giới, tôi giật mình. Chúng tôi bàn với nhau nên có một chương trình để đưa Toán học Việt Nam "xuống", ít nhất 50 và nếu được khoảng 40-35 thì tốt. Lúc đó, các giáo sư ở nước ngoài và trong nước vẫn quyết tâm làm việc đó.

Thời điểm ký chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học là chạy đua thời gian, chiến đấu từng ngày. Vì biết ngày 19/8/ 2010 GS Ngô Bảo Châu nhận giải Fields tại Ấn Độ, chúng tôi phải chạy đua thời gian để ký vào ngày 17/8 để khi GS Châu công bố đạt giải Fields thì biết Việt Nam có chương trình Toán học để có chỗ đi về và gắn bó nhiều hơn nữa", GS Nguyễn Thiện Nhân nhớ lại.

GS Nguyễn Thiện Nhân cho hay "chạy chương trình Toán học 10 năm chúng tôi không sợ thiếu người làm nhưng lo nhất là không có kinh phí". Cuối cùng, chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng cho 10 năm.

Theo GS Nguyễn Thiện Nhân, khi quyết định thành lập Viện cao cấp về Toán thì phải xây dựng quy chế, lúc đó xác định việc này phải mời các chuyên gia ở nước ngoài đến, phải tổ chức các khóa bồi dưỡng, mà cũng phải có kinh phí cho người đi học. Vậy kinh phí là bao nhiêu? Và lúc đó phải làm biện pháp đặc biệt là không có định mức của Chính phủ.

Cụ thể, thực hiện thí điểm cơ chế để GS Ngô Bảo Châu là người tham mưu cho giáo sư phụ trách tài chính được chi linh động theo nhu cầu. Sau này tổ chức từ Hàn Quốc có đến nghiên cứu mô hình này mới bất ngờ về điều này.

"Lúc đó Chính phủ và Thủ tướng rất quyết tâm. Nhắc lại để thấy, chương trình 10 năm là sự đồng lòng hợp sức của Nhà nước, Bộ GD-ĐT và rất nhiều nhà khoa học", GS Nhân nhấn mạnh.

Đánh giá cao kết quả của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học, GS Nguyễn Thiện Nhân khẳng định kết quả này rất có ý nghĩa vì khi chúng ta muốn thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) thì câu hỏi nhân lực là câu hỏi hàng đầu.

20 năm qua, CNTT đã phát triển vượt bậc mang đến đột phá, đặc biệt ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, vốn là hai điểm đi trước. Cách đây 20 năm CNTT chiếm 0,5% GDP Việt Nam thì nay chiếm 14,3% và là ngành kinh tế cấp 2 lớn nhất cả nước.

Sau 20 năm, doanh số ngành CNTT tăng 400 lần, số lao động tăng 20 lần, năng suất lao động gấp 76 lần cả nước. Theo GS Nguyễn Thiện Nhân, đột phá của ngành này bắt nguồn từ nhân lực. Và muốn ngành Toán học Việt Nam phát triển hơn nữa cũng cần chú trọng đến nhân lực Toán học.

"Nhân lực Việt Nam vốn tự nhiên có năng khiếu về Toán nhưng nếu không được bồi dưỡng trở thành một lực lượng có tổ chức thì sẽ thiệt hại cho đất nước. Phát triển nhân lực về Toán chính là nòng cốt đi vào CNTT, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa…", GS chỉ rõ.

Ông kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tổ chức khen thưởng cho những cá nhân 10 năm qua đóng góp cho chương trình trọng điểm về Toán 10 năm qua, thấp nhất là bằng khen của Bộ, nhiều hơn là huân chương lao động. Bởi 10 năm đóng góp cho chương trình lớn là một hành trình kiên trì bền bỉ, hao mòn tâm sức của rất nhiều cá nhân tài năng và tâm huyết.

GS Nguyễn Thiện Nhân: Phải xây dựng hệ sinh thái Toán học Việt Nam - 2

GS Nguyễn Thiện Nhân cũng kiến nghị thúc đẩy mạnh nội dung Toán ứng dụng.

GS Nguyễn Thiện Nhân cũng kiến nghị thúc đẩy mạnh nội dung Toán ứng dụng bởi đây là một điểm yếu của Toán học Việt Nam.

Và đặc biệt, chúng ta phải xây dựng "hệ sinh thái" Toán học Việt Nam để không ngừng tăng cường mở rộng mạng lưới người làm toán, ứng dụng kết quả làm Toán vào mọi lĩnh vực cuộc sống.

Với Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học, nên xác định những chỉ số thực hiện để giám sát. Với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, nên có chương trình hợp tác với hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM để UBND thành phố và lực lượng nhà khoa học thực hiện bồi dưỡng, lan tỏa về Toán học.

"Nếu hai thành phố này sống động về Toán, về khoa học thì cả nước sẽ sống động về Toán, về khoa học", GS Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.