Giáo sư Sử học phân tích: Vì sao Lịch sử nên là môn học bắt buộc? | Báo Dân trí

Giáo sư Sử học phân tích: Vì sao Lịch sử nên là môn học bắt buộc?

Nguyễn Liên

(Dân trí) - GS.TS Sử học Đỗ Thanh Bình, trường ĐH Sư phạm Hà Nội: "Không ai bỏ được lịch sử dân tộc, không nước nào bỏ được lịch sử dân tộc. Cho nên theo tôi, Lịch sử nên là môn học bắt buộc".

Ngày 23/5, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đưa ra đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho rằng, môn Lịch sử có vị trí đặc biệt, ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông. Học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này, vì vậy cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp nhân dân theo hướng quy định Lịch sử là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp.

Trước đó, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc đưa Lịch sử là môn học lựa chọn ở bậc THPT. 

Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Sử học Đỗ Thanh Bình, trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với đề nghị quy định Lịch sử là môn bắt buộc ở cấp THPT của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục.

Giáo sư Sử học phân tích: Vì sao Lịch sử nên là môn học bắt buộc? - 1

GS.TS Sử học Đỗ Thanh Bình, trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: Công Luân).

Hệ lụy sẽ âm thầm tới nhiều năm sau

Theo GS Đỗ Thanh Bình, môn Lịch sử có những đặc trưng đặc biệt, gắn liền với đất nước, gắn liền với mọi người dân, đặc biệt là những người từng chiến đấu bảo vệ đất nước, là nền tảng của dân tộc. Môn học này có chức năng rất rõ ràng là giáo dục lòng yêu nước, mà nước ta lại rất đặc biệt, trong bối cảnh cần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. "Không ai bỏ được lịch sử dân tộc, không nước nào bỏ được lịch sử dân tộc. Cho nên theo tôi, Lịch sử nên là môn học bắt buộc", GS cho hay.

GS Bình nêu quan điểm, nếu đưa Lịch sử là môn lựa chọn, hệ lụy trước mắt có thể không rõ, nhưng sẽ âm thầm tới nhiều năm sau. Hàn Quốc, Nhật Bản đều đã rút ra bài học về vấn đề này. Năm 2005, Hàn Quốc có chính sách đưa Lịch sử là môn tự chọn, tuy nhiên đến năm 2017 đã phải quay lại để Lịch sử là môn học bắt buộc. "Hậu quả của nó không thể đo đếm cụ thể như là một cộng một bằng hai, mà có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đối với sự phát triển tư tưởng, phát triển đạo đức, phát triển nhận thức về tính dân tộc, lòng yêu nước của người dân", GS nói.

Ông cũng đưa ra dẫn chứng, ở đất nước Israel, có 3 môn học bắt buộc là Lịch sử, Tôn giáo và tiếng dân tộc của họ, tất cả các môn khác đều là tự chọn. Rất nhiều nước trên giới cũng đưa Lịch sử là môn bắt buộc, khẳng định tầm quan trọng của môn học này.

Với một số ý kiến cho rằng việc bắt buộc học Lịch sử sẽ khiến học sinh không yêu thích, hứng thú với môn này, GS Bình chia sẻ, nếu đặt vấn đề như trên, cần nhìn nhận tại sao môn Toán, Ngữ văn là môn bắt buộc? Với các em đã lựa chọn theo học khối khoa học xã hội nhân văn, phải chăng việc bắt buộc học Toán là không nên? Rõ ràng, Toán, Ngữ văn hay Lịch sử đều là môn quan trọng, trong đó học sinh cần học Lịch sử để biết lịch sử nước nhà, vì "dân ta phải biết sử ta".

GS Bình cho hay, trong chương trình 2006, ở cấp một, cấp hai, học sinh chỉ học những nét chính của Lịch sử. Lên THPT cũng học nội dung đó, chủ đề đó nhưng sẽ được nâng cao, mở rộng lên. Nếu quan điểm "ở tiểu học và THCS đã học Sử hết rồi nên THPT có thể đưa Lịch sử trở thành môn lựa chọn" và để toàn bộ nội dung chương trình vào cho học sinh tiểu học, THCS, các em sẽ khó "tải" được khối lượng kiến thức rất lớn.

Hơn nữa, với các cháu ở tiểu học, THCS, nhất là khối tiểu học, sự cảm nhận, nhận thức còn chưa sâu, non nớt. Khi lên THPT, ở lứa tuổi 16-17, nhận thức của học sinh mới sâu sắc, mới có thể phân tích, đánh giá được sự kiện lịch sử, nếu lúc này lại cắt môn Lịch sử đi sẽ rất đáng tiếc.

Chưa nói đến lên THPT sẽ có những nội dung mới mà ở tiểu học, THCS các cháu chưa được học. Như vậy nếu lên THPT lại không lựa chọn môn Sử thì có nghĩa nội dung ấy sẽ bị bỏ đi, không được học nữa.

GS Bình cho biết thêm, một số người đặt vấn đề về việc nhiều học sinh học xong lớp 9 vào học các trường nghề, như vậy cũng không được học môn Lịch sử sau khi kết thúc chương trình THCS. Tuy nhiên, đây là phân tích chưa đúng vì học sinh các trường nghề cũng phải học 450 tiết Lịch sử trên 3 năm, mỗi năm 150 tiết.

Giáo sư Sử học phân tích: Vì sao Lịch sử nên là môn học bắt buộc? - 2

Học sinh cần học Lịch sử để biết lịch sử nước nhà, vì "dân ta phải biết sử ta".

Các thầy cô phải thay đổi

Theo GS Bình, nếu quy định Lịch sử là môn bắt buộc ở cấp THPT, có thể để học sinh chỉ cần học 70 tiết của chủ đề, còn 35 tiết của chuyên đề sẽ dành cho các cháu đi theo ngành xã hội nhân văn. Để môn học hấp dẫn hơn, học sinh dễ tiếp thu hơn lại là vấn đề của sách giáo khoa và vấn đề giảng dạy, GS Bình cho rằng các thầy cô buộc phải thay đổi, không thể dạy theo cách đọc- chép như xưa, mà cần đổi mới phương pháp giảng dạy, lôi kéo học sinh tham gia học tập, đóng góp trong bài học đó.

Một chuyên gia giáo dục khác thì cho rằng, khi làm chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nghiên cứu rất kỹ. Bởi vậy, để đưa ra quyết định điều chỉnh ở thời điểm hiện tại phải rất thận trọng. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, dù điều chỉnh theo hướng nào, điều quan trọng nhất vẫn là phải làm sao cho học sinh thích học môn Lịch sử, tránh việc bắt buộc nhưng học sinh vẫn không chịu học, không hứng thú với việc học.

Trong chương trình phổ thông mới, Bộ GD-ĐT sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho môn Lịch sử như sau:

Ở cấp học THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung Chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (từ lớp 6 đến lớp 9). Nội dung Chương trình phổ thông phân môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.

Cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS.

Giai đoạn này, học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn Lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn). 

Bên cạnh đó, trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn dành 20% thời lượng cho Chương trình địa phương - do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung Lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến lớp 12.