Giáo dục Việt Nam đứng tương đương các nước Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, giáo dục đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Thông tin trên được đưa ra từ cuộc Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trao đổi tại phiên họp nghe Báo cáo quốc gia năm 2020 về tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đánh giá khả năng hoàn thành của Việt Nam đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng chủ trì, chiều 4/1.

Giáo dục Việt Nam đứng tương đương các nước Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh chủ trì phiên họp

Theo đó, đối với các mục tiêu phát triển bền vững, mục tiêu quốc gia và quốc tế khá tương đồng. Việt Nam về cơ bản sẽ đáp ứng được các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản theo lộ trình.

Tuy nhiên, trong các mục tiêu cụ thể của các mục tiêu phát biển bền vững SDG4, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu về chất lượng lao động có kỹ năng phù hợp với thị trường lao động (do Bộ LĐTBXH đảm nhiệm) và mục tiêu về tiếp cận bình đẳng về giáo dục và đào tạo cho những người dễ bị tổn thương.

Đây là những vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Những chỉ số ấn tượng về kết quả phát triển giáo dục

Về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0.69, đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Nhiều chỉ số về Giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như:  Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào Lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore); Tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành Chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN.

Giáo dục Việt Nam đứng tương đương các nước Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển - 2

Học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học

Kết quả Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học (Có 6 nước tham gia đánh giá năm 2019 gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipine.)

Trong kỳ đánh giá PISA 2018 (công bố vào năm 2019), Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả cao. Đứng thứ 4/79 về Khoa học tăng 4 bậc so với năm 2015, thứ 13/79 về Đọc hiểu tăng 19 bậc so với năm 2015, và 24/79 về Toán giảm 2 bậc so với năm 2015.

So với các nước trong khu vực, Indonesia là nước có mức đầu tư tương đương, hay Thái Lan là nước có mức đầu tư gấp đôi Việt Nam,  vẫn có sự chênh lệch hơn 90 điểm, tương đương với khoảng 2-3 năm học.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn được đánh giá cao. Kết quả thi Olympic của Việt Nam có bước tiến vượt bậc với 49 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2020 so với 27 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015.

Giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia 

Đối với bậc đại học, tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học. Đào tạo đại học đã gắn kết hơn với nhu cầu lao động của địa phương, với các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động. Nghiên cứu khoa học của các trường có nhiều chuyển biến rõ rệt, số công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh, cụ thể:

Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín là 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới (so với 2015 tăng 2,7 lần và tăng 9 bậc), trong đó các trường đại học đóng góp trên 90% số bài.

Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng Châu Á và thế giới: Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018.

Lần đầu tiên, Việt Nam có 04 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu Châu Á.

Giáo dục Việt Nam đứng tương đương các nước Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển - 3

Trong những năm gần đây Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế.

Năm 2020, số vốn đầu tư vào giáo dục tăng 3.551 triệu USD

Với chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đến nay Việt Nam đã có gần 3.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập ở tất cả các địa phương trong cả nước.

Bộ GD-ĐT đã chủ động thực hiện các hoạt động thúc đẩy hợp tác và đầu tư của nước ngoài. Hiện có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với 147 nhà đầu tư tham gia đầu tư trực tiếp vào giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. 

Năm 2020, cả nước có tổng số 525 dự án FDI còn hiệu lực thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp), với số vốn đăng ký đầu tư đạt 4.376 triệu USD, tăng 321 dự án FDI so với 5 năm trước, số vốn đăng ký đầu tư cũng tăng 3.551 triệu USD.

Tại Việt Nam hiện có 51 trường mầm non, 41 trường phổ thông, 05 trường đại học và 254 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm giáo dục nghề nghiệp).

Việt Nam có 452 chương trình đào tạo quốc tế được tổ chức tại 70 trường đại học của Việt Nam.

Với chất lượng giáo dục liên tục được nâng cao, chi phí học tập, sinh hoạt hấp dẫn, môi trường sống an toàn, trong những năm gần đây Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế. Đến năm học 2019 - 2020 đã có hơn 21 ngàn lưu học sinh đến từ 67 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có 14.400 sinh viên theo học các chương trình đào tạo từ đại học trở lên.

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Bộ GD-ĐT thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số hướng đến mục tiêu "Việt Nam đi tiên phong và trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số về GDĐT" nhằm thu hẹp khoảng cách về tiếp cận, bình đẳng và chất lượng trong giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa của các Bộ, ngành liên quan để hướng dẫn triển khai Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân và các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong tám lĩnh vực hành nghề (du lịch, diều dưỡng, y khoa, khảo sát địa chính, kiến trúc, công nghệ thông tin, kỹ sư, kế toán).