Giải quyết vấn đề thiếu thợ: Không chỉ là chi bao nhiêu tiền ngân sách

(Dân trí) - Chiều nay, các đại diện đến từ Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic đã giải đáp hàng loạt câu hỏi của phụ huynh, học sinh tham gia buổi tọa đàm "Thừa thầy thiếu thợ: Làm thợ hay làm thầy?". Mời bạn đọc theo dõi.

TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT

Kính chào các quý vị độc giả Dân trí.

Hôm nay chúng ta cùng thảo luận về một vấn đề không chỉ liên quan đến việc định hướng nghề nghiệp, học hành liên quan trực tiếp đến từng thí sinh, từng gia đình - mà còn liên quan đến cơ cấu nhân lực phục vụ phát triển đất nước: đó là vấn đề "thầy - thợ", vấn đề cân đối trong việc phát triển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Điều này đặc biệt "nóng"  khi năm 2014 có một loạt thay đổi trong tuyển sinh Đại học - Cao đẳng, với việc Bộ Giáo dục đào tạo cho phép thí sinh chỉ cần kết quả học tập phổ thông trung bình từ 6 điểm trở lên là có thể đăng ký học ở hàng chục trường đại học mà không cần thi cử - dẫn đến việc tìm một chỗ ngổi trong các trường đại học hiện nay dường như không quá khó, Điều này cũng đặc biệt "nóng" khi đã 2 năm thực hiện Chiến lược Phát triển dạy nghề đến năm 2020 mà nhiều công việc còn bề bộn, và trong năm 2014 dự kiến sẽ thông qua Quy hoạch mạng lưới các trường nghề, đồng thời cũng sẽ thông qua Luật Dạy nghề (sửa đổi) với nhiều thay đổi quan trọng. 
 
Tọa đàm Thừa thầy thiếu thợ: Làm thợ hay làm thầy?
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm "Thừa thầy thiếu thợ: Làm thợ hay làm thầy?" do Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic và báo Dân trí phối hợp tổ chức.

Phạm Ngọc Tuệ - Email: ngoctuethcxxx@gmail.com - Mobile: 01628292xxx

Câu hỏi dành cho tất cả các chuyên gia : 1- "Nợ xấu" của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Nguyên nhân của sự tồi tệ này do "thầy" hay do "thợ" sinh ra ? 2- Trong các năm qua các vị là "thầy" hay "thợ"?- Trân trọng!

TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT 

Cám ơn câu hỏi rất thẳng thắn của bạn. Theo tôi nguyên nhân nợ xấu là do cả thầy và thợ. Thuộc về “thầy” - vì chính đây là những người chịu trách nhiệm ban hành đường lối chính sách, tổ chức và giám sát việc thực hiện. Cũng thuộc về “thợ” - vì nhiều khi đường lối chính sách đúng, mà “giới thợ” thực hiện không đủ tầm chuyên nghiệp - thì cũng gây ra nhiều hậu quả. Tuy nhiên trách nhiệm chính là thuộc về “thầy”, và ngay cả khi do “thợ” gây ra thì “thầy” cũng liên đới chịu trách nhiệm - vì chính “thầy” tham gia đào tạo các “thợ” này. 

Trong các năm qua - là hiệu trưởng một trường đại học, tôi đang đóng cả 2 vai: với sinh viên tôi là "thầy", còn với xã hội, tôi là "thợ" thực hiện một công việc cụ thể là xây dựng và vận hành một trường đại học.

Nguyen Van Hung - SĐT: 098612xxxx - 22/04/2014 01:58:08

Tôi thấy hàng năm Nhà nước chi hàng nghìn tỷ đồng cho đào tạo nghề mà tại sao vẫn thiếu thợ?

TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT

Giải quyết vấn đề thiếu thợ không chỉ là chi bao nhiêu tiền ngân sách. Vấn đề nghề nghiệp là một tứ giác gồm 4 đỉnh: xã hội, nhà nước, nơi sử dụng lao động và người học. Nếu như tâm lý xã hội vẫn quá coi trọng bằng cấp thì người học sẽ không muốn làm thợ. Nếu như các nơi sử dụng lao động cũng chú trọng bằng cấp thì người học cũng chạy theo bằng cấp. Cũng phải thừa nhận một thực trạng là do chất lượng đào tạo thấp, tình hình kinh tế khó khăn, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học chấp nhận làm bất cứ việc gì, và đang được các doanh nghiệp sử dụng chỉ như tốt nghiệp cao đẳng hoặc thấp hơn.
 
TS. Lê Trường Tùng (
TS. Lê Trường Tùng (bên trái) - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT đang trả lời câu hỏi của độc giả Dân trí.

Phạm Thị Thảo Vân - Mobile: 0168287xxxx - 23/04/2014

Chào mọi người. Em xin hỏi với việc bão hòa nguồn nhân lực như hiện nay, sẽ phải học gì để sau này có việc làm ổn định ạ?

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội 

Chào Vân, việc làm là một điều mà không ai dám khẳng định sẽ có khi đang học tập. Tuy nhiên bạn có thể làm tăng cơ hội có việc làm của mình lên cao. Thông thường nếu bạn biết kết hợp đam mê và năng lực của bản thân với nhu cầu của xã hội thì bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn khi ra trường.

Nguyen Van Hung - SĐT: 098612xxxx -  22/04/2014 02:02:38

Đất nước ta nói thì hay nhưng làm thì dở, đào tạo đại học quá nhiều nhưng sinh viên ra trường không viết nổi đơn xin việc thì hỏi xem lỗi này tại ai? Liên tục cải cách hay lùi? Trước đây học 10/10 tốt thế sao phải cải cách?

TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT 

Liên quan đến giáo dục đại học có 2 loại xếp hạng: xếp hạng từng trường (so sánh các trường với nhau hoặc so sánh với chuẩn) xem trường nào tốt hơn, và xếp hạng hệ thống giáo dục đại học đánh giá hệ thống giáo dục đại học nước nào tốt hơn. Có nhiều chỉ tiêu để tính điểm xếp hạng từng trường hoặc hệ thống giáo dục. Hai loại xếp hạng này là khác nhau, cũng giống trong lĩnh vực giao thông, đánh giá một hệ thống giao thông tốt khác đánh giá một con đường cụ thể được xây dựng tốt. Trường Đại học FPT mà không tốt thì với tư cách hiệu trưởng tôi chịu trách nhiệm, còn hệ thống giáo dục mà không tốt thì trách nhiệm thuộc về các "thầy" ở tầng cao hơn. Cũng muốn nói thêm là Ngân hàng Thế giới định nghĩa thế này: “Chất lượng hệ thống giáo dục đại học được đo bằng khả năng đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu”.

Nguyễn Lai - Email: nguyenlaixxx@gmail.com - Mobile: 0983816xxx - 23/04/2014 11:12:20

Hiện nay quá nhiều trường quảng cáo tuyển sinh vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Trong đó có trường ghi rõ không tốt nghiệp THPT hoặc tương đương cũng vào học được và còn mở con đường liên thông lên cao hơn. Ngoài ra còn thêm quảng cáo có việc làm thu nhập cao. Điều này đã gián tiếp cho học sinh coi thường việc học và ham muốn vật chất, thiếu sự tôn trọng cuộc sống đạo đức - cơ chế thị trường mà!. Trong tọa đàm "Thừa thầy thiếu thợ: Làm thợ hay làm thầy?" đánh giá như thế nào về vấn đề này?

TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT

Các quý vị phụ huynh và thí sinh cần nắm rõ những quy định chung về tuyển sinh để tỉnh táo với các quảng cáo tuyển sinh không đầy đủ. Theo quy định hiện nay, để vào học Trung cấp chuyên nghiệp/Trung cấp nghề chỉ cần tốt nghiệp Trung học Cơ sở (lớp 9), còn đề vào học Cao đẳng, Đại học thì phải tốt nghiệp Trung học Phổ thông hoặc Trung cấp Chuyên nghiệp/Trung cấp nghề. Việc định hướng tương lại cũng rất quan trọng, và tương lại mà các thí sinh/phụ huynh hướng đến sau khi học xong chắc cũng chỉ là công việc hoặc cơ hội học cao hơn, còn lựa chọn học chỉ nhằm hiểu biết thuần túy chắc là không nhiều. Theo tôi các động cơ học tập này không liên quan gì đến việc “coi thường học tập” hoặc “thiếu tôn trọng đạo đức” cả. Còn việc “ham muốn vật chất”, có người nói là tốt, có người nói là xấu, tuy nhiên chắc vẫn phải thừa nhận đậy là một trong trong các động lực phát triển xã hội.

Nguyễn Thu Hà - Email: thuhaxxx@gmail.com - Mobile: 0982561xx-

Xin chào ban tư vấn, tình trạng sinh viên đại học ra trường thất nghiệp quá nhiều làm phụ huynh chúng tôi rất lo lắng và băn khoăn khi lựa chọn nơi học tập cho con em mình sau khi tốt nghiệp cấp 3. Vậy ban tư vấn cho chúng tôi lời khuyên khi định hướng học tập cho con em mình?

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội

Chào chị Hà,

Việc một bộ phận sinh viên ra trường thất nghiệp thực ra có nhiều nguyên nhân như: sinh viên chọn sai ngành nghề, các trường đào tạo chất lượng kém, tiêu cực trong học tập dẫn đến chất lượng giảm sút, cộng với sự thiếu quyết tấm của người học… Do đó chị nên cùng cháu tìm hiểu xem sự đam mê và thế mạnh của cháu là gì để chọn những ngành phù hợp với nhu cầu của xã hội. Đôi khi trong cuộc sống, phụ huynh nên đặt niềm tin và ủng hộ nhiều hơn vào các quyết định và sự lựa chọn của con mình.
 
Ngô Hoàng Lan - bluestromxxx@yahoo.com - 23/04/2014 10:38:09
 
Chào Quyết. Lý do gì khiến bạn lựa chọn học tập tại FPT Polytechnic?

Phạm Cường Quyết - Cựu sinh viên FPT Polytechnic

Mình chọn FPT Polytechnic là vì niềm đam mê với lĩnh vực Công nghệ thông tin và môi trường học tập lý tưởng tại FPT. Triết lý “Thực học - thực nghiệp” của trường đã giúp sinh viên thêm chắc kỹ năng chuyên ngành, tự tin với kỹ năng mềm được đào tạo.

Bùi Minh Phương - Mobile: 0168754xxxx

Anh Quyết ơi, khi học tại Cao đẳng FPT Polytechnic anh thấy môn học nào là “khoai nhất” ạ? Anh chia sẻ chút lời khuyên để học tốt ở Cao đẳng FPT Polytechnic được không ạ? Em đang có ý định nhập học vào đợt tuyển sinh tháng 9 này của trường ạ!

Phạm Cường Quyết - Cựu sinh viên FPT Polytechnic 

Hồi anh học thì môn cấu trúc dữ liệu và giải thuật là “chuối nhất” em nhé, giờ thì môn học cũng thay đổi nhiều rồi. Anh thấy khi theo học tại Cao đẳng FPT Polytechnic thì ngoài việc học lý thuyết và thực hành trên lớp thì chăm chỉ tự học là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, em cũng có thể nhờ đội ngũ trợ giảng của trường, thường được chọn từ những bạn sinh viên khá giỏi để được giải đáp thắc mắc liên quan đến môn học của mình. Cố lên em nhé, chúc em thành công!
 
Tọa đàm Thừa thầy thiếu thợ: Làm thợ hay làm thầy?
FPT Polytechnic đào tạo 6 chuyên ngành đang có nhu cầu nhân lực cao trong xã hội: Thiết kế, lập trình website, Ứng dụng CNTT, Lập trình máy tính - thiết bị di động, Thiết kế đồ họa - mỹ thuật đa phương tiện, Kế toán doanh nghiệp và QTDN - Marketing & Sales.

Nguyễn Minh Huy – Email: alexhuyxxxx@yahoo.com – Moblie: 098275xxxx

Em đang muốn đăng ký theo học ngành CNTT tại FPT Polytechnic. Trường cho em hỏi trường có xét tuyển trên điểm thi đại học không và thường lấy điểm khoảng bao nhiêu ạ?

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội   

Chào Huy,

FPT Polytechnic không thực hiện xét tuyển dựa trên điểm thi đại học, mà xét tuyển hồ sơ trực tiếp. Các thí sinh thuộc một trong các đối tượng sau sẽ đủ điều kiện trở thành sinh viên của trường:

- Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và có điểm tổng kết Toán lớp 12 từ 5.5 trở lên hoặc điểm Toán thi tốt nghiệp THPT từ 5.5 trở lên.

- Sinh viên hệ chính quy các trường Cao đẳng, Đại học.

- Sinh viên đã hoàn thành chương trình Trung cấp.

Bạch Sỹ Quý - Email: thieunienbactyxxxx@gmail.com - Mobile: 01688403xxx

Em đã học ngành công nghệ ôtô sắp ra trường mà theo thông tin em được biết thì ngành này ra trường rất khó xin việc. Em dự định sau khi ra trường nếu không có việc thì sẽ chuyển học ngành CNTT ngắn hạn. Vậy cho em hỏi là học ngành này thì thời gian học là bao lâu? Cơ hội việc làm sau khi ra trường, học phí và các đợt tuyển sinh vào thời gian nào? Em xin chân thành cảm ơn!

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội

Chào em, em nên cân nhắc kĩ về quyết định chuyển hướng của mình. Tội sợ rằng khi bạn học gần xong CNTT thì bạn lại chuyển sang ngành khác. Người học nên quan tâm đến xu hướng thị trường và năng lực cùng sự yêu thích công việc đó. Các công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng rất đa dạng, và thời gian đào tạo từ 3 tháng đến 2 năm. Xu thế hiện nay trong CNTT đang là Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Mạng xã hội, Công nghệ di động. Em có thể tham khảo thêm các khóa học tại Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic http://poly.edu.vn

Nguyễn Tá Quỳnh - Email: qquachxxx@yahoo.com.vn - Mobile: 0989832xxx

Tôi đã tìm hiểu trên mạng về cao đẳng thực hành FPT và thấy thông báo tuyển học đợt này đến 29/4/2014. Tôi muốn cho con theo học cao đẳng thực hành FPT nhưng đến tháng 6 năm 2014 cháu mới thi tốt nghiệp THPT vậy tôi xin hỏi sau khi con tôi thi tốt nghiệp THPT trường có tuyển sinh đợt nào nữa không? Điều kiện xét tuyển vào trường có thay đổi không? Tôi muốn cho con theo học đồ họa ngành đó có tuyển nữa không?

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội

Chào chị Quỳnh, FPT Polytechnic sẽ tiếp tục có đợt tuyển sinh vào tháng 7 và tháng 9. Thông tin cụ thể về hạn nộp hồ sơ của hai đợt này, chị có thể theo dõi tại đây. Điều kiện để vào trường vẫn không thay đổi theo quy chế tuyển sinh là đạt điểm toán thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm trung bình toán THPT từ 5,5 trở lên. Nếu con trai chị yêu thích công việc liên quan đến thiết kế và sáng tạo thì hoàn toàn có thể đăng ký theo học ngành Thiết kế đồ họa tại các cơ sở có đào tạo của Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic. Thông tin liên hệ chị tham khảo tại đây.

Phan Duy Linh - Email: ngoisaocodxxxx@yaho.com – Mobile: 01687547xxx

Mình được biết chương trình học của FPT Polytechnic thì phần thực hành chiếm tới hơn 70%. Vậy nhà trường có những hỗ trợ gì cho sinh viên trong việc thực hành?

Phạm Cường Quyết - Cựu sinh viên FPT Polytechnic

Chào bạn, FPT Polytechnic có hệ thống phòng máy tính chuyên biệt và hiện đại tạo điều kiện cho sinh viên thực hành thuận tiện. Bên cạnh đó, nhà trường cũng lắp đặt dàn máy tính tại thư viện giúp sinh viên dễ dàng hơn trong việc tự học và tìm kiếm kiến thức. Đặc biệt, Xưởng thực hành là nơi thú vị giúp sinh viên chúng mình có thể thực hành và trải nghiệm các công việc thực tiễn thông qua các yêu cầu từ dự án mà nhà trường kết hợp với doanh nghiệp.

Sinh viên Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic trong giờ thực hành
Sinh viên Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic trong giờ thực hành.
 

Nguyễn Lai - Email: nguyenlaixxx@gmail.com - Mobile: 0983816xxx

Đánh giá hiện nay về hiện tượng "Thừa thầy thiếu thợ". Thầy cũng có nhiều kiểu thầy. Thầy có đủ trí và đức, thầy có trí nhưng thiếu đức (chưa lấy cuộc sống của mình làm tấm gương giáo dục mà chỉ mới "khẩu giáo" thôi, còn mình sống một đằng khác), thầy thiếu trí, thầy thiếu trí và đức. Vậy ở đây thừa thầy là nói đến hạng thầy nào?

TS.Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT

Thầy có đủ cả trí và đức thì bao giờ cũng thiếu. Thừa hiện nay là thừa các loại thầy khác. Lượng thầy yếu cả trí (được đào tạo không bài bản, thiếu tính chuyên nghiệp) và đức (nền tảng đạo đức xã hội không vững vàng, cho nên khi gặp các tình huống cuộc sống dẫn đến ứng xử không phù hợp) hiện nay tương đối nhiều. Đây là điều đáng buồn.

TS. Lê Trường Tùng trả lời độc giả
TS. Lê Trường Tùng trả lời độc giả Dân trí.

Nguyễn Tuấn Minh - Email: boybanhbexxx@gmail.com – Mobile: 091245xxxx

Anh Quyết ơi! Sinh viên Cao đẳng FPT Polytechnic sau khi ra trường tìm việc có khó không, và có bị phân biệt đối xử khi là sinh viên dân lập không ạ?

Phạm Cường Quyết - Cựu sinh viên FPT Polytechnic

Anh thấy rằng có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm khi ra trường thì sẽ không lo em à. Ở FPT Polytechnic, anh vừa được học kiến thức, vừa tích lũy được kinh nghiệm qua các bài tập thực tế, lại vừa được rèn luyện các kỹ năng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng mềm nên rất tự tin khi ra trường. Tất nhiên khi đi xin việc thì còn cần sự cố gắng và may mắn nữa. Như trong lớp anh thì khi tốt nghiệp đã có hơn nửa lớp được các đơn vị trong Tập đoàn FPT và ngoài tập đoàn nhận vào làm. Còn về kinh nghiệm của anh thì anh thấy sinh viên FPT Polytechnic được nhà tuyển dụng chú ý nhiều chứ không thấy bị phân biệt.

Trần Xuân Tuấn – Email: TuanTXxxxx@yahoo.com – Mobile: 097845xxxx

Học phí của Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic như thế nào ạ? Em chỉ là một học sinh ở nông thôn, không biết có đủ khả năng theo học không? Hiện nay trường có chính sách học bổng gì cho học sinh chưa ạ?

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội

Chào Tuấn,

Về học phí: Hiện nay FPT Polytechnic đang áp dụng mức học phí theo từng cơ sở. Đối với cơ sở Hà Nội  và TP. HCM, học phí khối ngành Công nghệ thông tin là 4.800.000 đồng/kỳ, khối ngành Kinh tế là 4.000.000 đồng/kỳ. Còn với các cơ sở như Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Tây Nguyên, học phí khối ngành CNTT là 3.600.000 đồng/kỳ, khối ngành Kinh tế là 3.000.000 đồng/kỳ. Học phí Tiếng Anh ở cơ sở Hà Nội, TP.HCM là 2.400.000 đồng/kỳ, các cơ sở còn lại là 1.800.000 đồng/kỳ. Ngoài ra, sinh viên sẽ phải tự mua giáo trình trong quá trình học. Thông tin học phí em tham khảo tại đây.

Về học bổng: nhà trường đang có chương trình “Khuyến học F-POLY” dành cho đối tượng là các em học sinh lớp 12 năm học 2013 - 2014. Cụ thể, trong năm 2014 sẽ có 503 suất học bổng được trao, trong đó có: 20 suất học bổng toàn phần, 33 suất học bổng 75%, 50 suất học bổng 50% và 300 suất học bổng 25%. Em có thể xem thêm thông tin học bổng tại đây.

Đỗ Tuấn Minh – Email: Minhdo2xxxx@gmail.com – SĐT: 016875xxxx

Tôi nghe nói vào học tại Cao đẳng FPT Polytechnic thi không khó nhưng chương trình học lại khó, thế Quyết có gặp khó khăn gì khi học không?

Phạm Cường Quyết - Cựu sinh viên FPT Polytechnic

Mình thấy học ở mỗi trường đều có những khó khăn khác nhau, chỉ cần có niềm đam mê và sự quyết tâm là sẽ vượt qua. Với mình, chương trình học ở FPT Polytechnic ngoài những giờ học lý thuyết còn được thực hành rất nhiều giống như được làm việc trong một môi trường làm việc thực thụ.

Phạm Cường Quyết (
Phạm Cường Quyết (bên trái) - cựu sinh viên FPT Polytechnic đang trả lời câu hỏi của độc giả Dân trí.

Nguyễn Xuân Quang - Email: Quanghaihiep78@... - Mobile: 0912458xxx

Tôi thấy slogan của trường là “Thực học - thực nghiệp”, điều này có nghĩa là gì và phần thực hành chiếm bao nhiêu trong chương trình học của sinh viên?

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội

Chào Quang, FPT Polytechnic với triết lý đào tạo “Thực học - Thực nghiệp” mong muốn đưa đến những giá trị đào tạo thực tiễn hướng tới việc làm cho SV. Nhà trường sử dụng phương pháp học tập qua dự án (project-based-training). Đây là một trong những phương pháp đào tạo tiên tiến nhất hiện nay và còn mới ở Việt Nam.

Cụ thể, bài học được thiết kế thành các dự án (project) cho từng học kỳ và bài tập thực tế (case study) cho từng môn học. Theo đó, nhà trường đưa các công việc thực tế trong doanh nghiệp vào bài giảng. SV sẽ được giao các nhiệm vụ, dự án ngay đầu giai đoạn để từng bước học hỏi và hoàn thiện nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện được chương trình học trên, nhà trường tạo môi trường học tập giống doanh nghiệp với việc tuân thủ nghiêm ngặt lịch học tập. SV được giao nhiệm vụ học tập giống như nhân viên. Các giờ học được tổ chức để giao việc và kiểm soát công việc.

Tại FPT Polytechnic, giảng viên sẽ đóng vai trò người hướng dẫn, từ đó xây dựng tinh thần tự học và luôn luôn học hỏi để đáp ứng nhu cầu thay đổi công nghệ ngày càng nhanh của xã hội hiện đại. Nhà trường cũng áp dụng việc kiểm tra liên tục, kiểm tra tiến trình nhằm đảm bảo SV hiểu bài, làm được bài sau mỗi buổi học mà không phụ thuộc vào may rủi của việc thi cuối kỳ.

Với cách học này, sinh viên sẽ có điều kiện phát huy cao tính sáng tạo, từ đó, định hướng rõ ràng về mục đích môn học, chủ động trong việc tự tìm tòi kiến thức. Đây cũng là cách để SV làm quen với những yêu cầu của công việc sau này

Thời lượng thực hành chiếm từ 60 -70% các nội dung học. Tín hiệu ban đầu cho thấy sinh viên tốt nghiệp tại trường có hơn 70% có việc đúng với chuyên môn được đào tạo, số còn lại.

Hứa Ánh Tuyết - Mobile: 0438750xxx - 24/04/2014 09:43:41  

Thưa ông Tùng, cho tôi xin hỏi với nghị quyết mới nghĩa vụ quân sự thì con tôi có được miễn nghĩa vụ trong thời gian học tại trường không? Và khi tốt nghiệp ra trường thì bằng cấp có bị doanh nghiệp phân biệt không có giá trị bằng bằng cấp công hay không?Cuối cùng cho tôi xin hỏi với điểm đầu vào khá thấp thì chất lượng đào tạo có đảm bảo hay không? Xin cảm ơn

TS.Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT

Theo học FPT Polytechnic là theo học chương trình chính quy, cho nên trong thời gian học được miễn nghĩ vụ quân sự. Tuy nhiên để hưởng chính sách này cần làm thủ tục nhập học sớm, bởi nếu trúng tuyển mà chưa nhập học mà nhận được giấy báo nghĩa vụ quân sự thì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trước. Bằng tốt nghiệp của FPT Polytechnic do Đại học FPT cấp, và với chất lượng, uy tín, tên tuổi, quan hệ doanh nghiệp của Đại học FPT hiện nay, chúng tôi tin rằng tấm bằng này sẽ được các doanh nghiệp coi trọng.

Yêu cầu đầu vào của FPT Polytechnic thấp hơn so với yêu cầu đầu vào học để lấy bằng đại học của Đại học FPT, do nội dung đào tạo, yêu cầu chuyên môn của 2 hệ này khác nhau. Quan điểm chất lượng của trường là học cái gì làm được cái đấy, và chất lượng đầu vào phù hợp để đạt được mục tiêu đào tạo là quan trọng. 

Nguyễn Phương Mai - Email: phuongmaixxxx@gmail.com - Mobile: 0987346xxx - 24/04/2014 13:21:07

Chào Quyết, bạn ứng dụng được những kỹ năng, kiến thức gì từng được học ở FPT Polytechnic vào công việc ở Samsung Electronics Vietnam không? Mức lương hiện tại của Quyết như thế nào?

Phạm Cường Quyết - Cựu sinh viên FPT Polytechnic

Khi vào làm việc tại Samsung, mình được đào tạo từ đầu các chuyên môn kỹ thuật đặc thù để làm việc. Tuy nhiên, để có thể hiểu và ứng dụng được ngay các kỹ thuật đó, mình phải nắm rất chắc các kỹ năng chuyên ngành về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, những kỹ năng mềm và kỹ năng làm việc như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm hay kỹ năng xử lý sự cố... mà mình đã được học tại FPT Polytechnic đã giúp mình rất nhiều trong quá trình làm việc.

Lương của mình gồm lương cơ bản và phụ cấp,và còn biến động phụ thuộc vào lương làm thêm giờ. Với một kỹ thuật viên như mình thì mức lương khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Tọa đàm Thừa thầy thiếu thợ: Làm thợ hay làm thầy?
Sinh viên tốt nghiệp tại FPT Polytechnic được đánh giá cao và được chào đón tại nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tập đoàn FPT.
 

Trần Thu Lan - Email: mimi96@yahoo.com – Mobile: 0972856425

Chào các thầy, em hiện đang ôn thi tốt nghiệp THPT và phải đến tháng 6 này mới có điểm tốt nghiệp. Vậy tháng 7, FPT Polytechnic còn đợt tuyển sinh nào nữa không ạ?

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội

Chào Lan,

Sau đợt thi tốt nghiệp, FPT Polytechnic có tuyển sinh 2 đợt vào tháng 7 và tháng 9. Nếu em quyết định nhập học tháng 7, em có thể chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và gửi về văn phòng tuyển sinh của trường để được xét tuyển nhập học. Hồ sơ bao gồm:

- Phiếu đăng ký học (theo mẫu được cung cấp tại các Văn phòng tuyển sinh và các văn phòng đại diện của trường trên toàn quốc hoặc tại website www.poly.edu.vn)

- 02 Ảnh 4×6

- 01 Bản sao công chứng Học bạ THPT

- 01 Bản sao công chứng Bằng tốt nghiệp THPT hoặc Giấy chứng nhận tạm thời (bổ sung bản sao công chứng Bằng tốt nghiệp THPT sau khi nhận được)

- 01 Bản sao Giấy khai sinh

Nguyễn Thị Thắm - Email: thamnxxxx@gmail.com - Mobile: 09134587xxx

Là một giáo viên, tôi rất tâm đắc với triết lý đào tạo của FPT Polytechnic và dự định để con trai của mình theo học tại trường. Xin các thầy tư vấn giúp tôi, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp như thế nào và con tôi có được nhận vào các đơn vị của FPT không?

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội

Chào chị Thắm,

Cảm ơn chị đã yêu mến và tin tưởng FPT Polytechnic. Tôi xin trả lời câu hỏi của chị như sau: Bộ phận Quan hệ doanh nghiệp của nhà trường đã và đang làm rất tốt chức năng giới thiệu việc làm cho các em sinh viên ngay trong thời gian học tập và sau khi tốt nghiệp. Các em không chỉ có cơ hội làm việc tại các đơn vị trong tập đoàn FPT mà còn có thể làm việc tại các doanh nghiệp bên ngoài có chuyên môn phù hợp với chuyên ngành mà các em theo học. 50% sinh viên khóa đầu tiên đã tìm được việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp, gần 100% sinh viên khóa đầu tiên đã lần lượt tìm được việc làm phù hợp khả năng sau khi ra trường.

Nguyễn Ngọc Thắng - Email: thang.nguyenxxxx@gmail.com

Anh Quyết ơi, em nghe nói môn thể dục của sinh viên FPT Polytechnic là võ Vovinam? Học Vovinam có khó lắm không? Có đau không?

Phạm Cường Quyết - Cựu sinh viên FPT Polytechnic

Học võ rất vui và thú vị, mình không thấy có khó khăn gì. Chỉ khi vào học FPT Polytechnic, mình mới lần đầu tiên được học võ. Thời gian học Vovinam, mình đã được rèn luyện không chỉ về sức khỏe mà cả về tinh thần tập trung, và tính kỷ luật nữa.

Sinh viên FPT Polytechnic trong giờ học Giáo dục thể chất.
Sinh viên FPT Polytechnic trong giờ học Giáo dục thể chất.

Thái Hồng Anh - Email: thaihongaxxxx@gmail.com - Mobile: 091516xxxx - 25/04/2014 02:46:38

Tại sao khi nâng cấp các Trường Cao đẳng lên Đại học tràn lan vừa qua những người hoạch định không nghĩ đến vấn đề thừa thày thiếu thợ? Tại sao điểm sàn thi Đại học lấy quá thấp chỉ 13 điểm để đào tạo quá nhiều thầy nhưng quá yếu? Phải chăng chính sách Đại học hoá xã hội là nhỡn tiền?

TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT

Đại chúng hóa đại học là xu thế toàn cầu. Hiện nay mức độ đại chúng hóa đại học của Việt Nam mới chỉ tương đương 50% so với nhiều nước khác. Vấn đề này ở Việt nam là mất cân đối giữa thầy và thợ, kèm theo việc chất lượng trung bình cả thầy và thợ đều thấp, chứ không phải quá nhiều đại học.

Đặng Tuấn Minh - Email: Minhdaxxxx@yahoo.com - Mobile: 01628547xxx

Hiện nay em đang ôn thi tốt nghiệp THPT và xác định không thi Đại học mà sẽ đăng ký học tại ngành công nghệ thông tin của Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic. Xin các thầy tư vấn giúp em hồ sơ nhập học tại trường gồm những giấy tờ gì? Điều kiện để được nhận vào trường ạ?

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội

Để nhập học tại trường, em cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm: 01 phiếu đăng ký học (theo mẫu); 01 bản sao chứng thực Bằng tốt nghiệp THPT hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; 01 bản sao chứng thực Học bạ THPT; 01 bản sao Giấy khai sinh; 02 ảnh 4x6 và Học phí học kỳ I.

Về điều kiện xét tuyển, để đủ điều kiện nhập học, em cần đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

- Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và có điểm tổng kết Toán lớp 12 từ 5.5 trở lên hoặc điểm Toán thi tốt nghiệp THPT từ 5.5 trở lên.

- Đang theo học hệ chính quy các trường Cao đẳng, Đại học.

- Đã hoàn thành chương trình Trung cấp.

Ths.Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic trả lời độc giả
Ths.Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic trả lời độc giả Dân trí.

Nguyễn Văn Linh - LinhNVxxxx@gmail.com

Ở FPT Polytechnic, sinh viên có được nhà trường giới thiệu đi thực tập tại doanh nghiệp không? Hồi còn đi học, Quyết đã đi thực tập tại doanh nghiệp nào vậy?

Phạm Cường Quyết - Cựu sinh viên FPT Polytechnic

Vì chuyên ngành của mình là Ứng dụng phần mềm, nên kỳ cuối, mình được thầy giáo tạo điều kiện đến công ty về công nghệ thông tin của thầy thực tập. Ngoài ra, mình và các bạn còn được thực hành trực tiếp trên các thiết bị máy móc dưới sự chỉ dẫn của thầy, cô bộ môn tại Xưởng thực hành. Những kiến thức này đã giúp mình hoàn thành tốt cho đồ án tốt nghiệp về lĩnh vực mạng máy tính và đạt số điểm tương đối cao.

Nông Văn Trân - 25/04/2014 02:25:39

Trong rất nhiều năm nay, vấn đề thừa thầy thiếu thợ đã được cảnh báo song nguyên nhân nào dẫn đến cả nước ta hiện nay có đến 72.000 người có bằng Thạc sĩ, hoặc tiến sĩ không có việc làm?

TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT

Theo số liệu thống kê vừa công bố, có 72 ngàn cử nhân, Thạc sĩ tốt nghiệp chưa có việc làm (chứ không phải Tiến sĩ như bạn nói). Con số này tăng so với năm trước, lý do chủ yếu ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế xã hội, chứ chất lượng đào tạo thì năm nay so với năm trước không thay đổi nhiều. Đây là con số cao, tuy nhiên chưa phải là trầm trọng, vì nều bạn hình dung, mỗi năm có 700 ngàn tốt nghiệp các hệ cao đẳng, đại học, cao đẳng nghề, thì số lượng thất nghiệp đang ở mức 10%, và xã hội đã tạo việc làm cho 90%. Hơn nữa trong chiền lược phát triển kinh tế thì bao giờ cũng phải có một lực lượng thất nghiệp dôi dư hợp lý, nếu không thì mở một doanh nghiệp mới, hoặc mở rộng doanh nghiệp cũ biết lấy người ở đâu. 

Sinh viên FPT Polytechnic làm việc tại Xưởng thực hành của trường.
Sinh viên FPT Polytechnic làm việc tại Xưởng thực hành của trường.

Tạ Thị Mai - Email: phuongmaixxxx@gmail.com - Mobile: 0168335xxxx

Sinh viên giờ đang trong tình trạng học xong ra thất nghiệp, xin hỏi sau khi tôi cho em vào học tại FPT Polytechnic chất lượng đào tạo có đáp ứng được đầu ra tại doanh nghiệp không? Tôi có một số bạn bè làm tuyển dụng, họ đều có nhận xét những kỹ năng mềm của sinh viên còn yếu, vậy cho tôi hỏi trong nhà trường có đào tạo những kỹ năng mềm ngoài việc học trên sách vở không?

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội

Chào Mai,

Nhận định Việt Nam với trên 500.000 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp đều cần nhân viên kế toán, nhân viên kinh doanh, quản trị nhân sự - hành chính. Mỗi doanh nghiệp cũng cần có website để quảng bá sản phẩm và doanh nghiệp với khoảng 30 máy tính đều cần nhân viên quản lý hệ thống. Chính vì vậy các chuyên ngành được đào tạo tại FPT Polytechnic đều nhắm tới việc đáp ứng các nhu cầu lớn về nhân lực.

Nội dung đào tạo của FPT Polytechnic hướng tới 3 kỹ năng cơ bản cần có trong thời đại mới bao gồm kỹ năng cứng hay kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm vốn đang được chứng minh có quyết định lớn trong việc thành công và kỹ năng Ngoại ngữ - Tin học là kỹ năng của kỷ nguyên hội nhập và toàn cầu hóa.

Đặng Thanh Danh - Mobile: 0979292xxx

Em được biết các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tuyển lao động phổ thông rồi tự đào tạo vài tuần hay 1 tháng, sau đó làm việc cho họ. Họ không tuyển lao động tốt nghiệp trung cấp hay cao đẳng nghề. Vậy em không biết nên học làm thầy hay làm thợ đây. Nói chung em rất thất vọng với tình hình hiện nay.

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội

Chào Danh,

Mỗi tổ chức có những tiêu chí nhất định khi tuyển dụng lao động nhưng quan trọng nhất là tuyển ngay hay tuyển vào đào tạo ngắn thì năng lực của ứng viên tại thời điểm làm việc là yếu tố quan trọng. Trong một số vị trí công việc, bằng cấp là yếu tố đầu vào ban đầu để bạn có thể đi sâu hơn ở các vòng tiếp theo. Chúng ta đang trong thời đại xã hội hóa giáo dục và giá trị của nhân lực đang đem lại giá trị thực cho bằng cấp họ đang sở hữu.

Trần Văn Thuận - Mobile: 0168475xxxx

Sau thời gian học tập tại Cao đẳng FPT Polytechnic, Quyết thấy mình được rèn luyện nhất về điều gì?

Phạm Cường Quyết - Cựu sinh viên FPT Polytechnic

Sau khi tốt nghiệp FPT Polytechnic, mình cảm thấy tự tin với những kiến thức chuyên ngành về công nghệ thông tin mà mình đã được học. Bên cạnh đó, những kỹ năng mềm và đặc biệt kỹ năng làm việc được trường đào tạo đã giúp mình không ít trong quá trình hòa nhập với môi trường làm việc thực tế. 

Vũ Quang Đức Huy- Email: Vuquangduchuyxxx@gmail.com

Em bây giờ đang muốn học nghề mà bây giờ không biết đuợc ngành nghề nào đang có nhu cầu nguồn nhân lực nhiều nhất?

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội

Chào Huy, nếu chạy và ép bản thân theo thị trường thì rất khó có thể đem lại thành công lâu dài cho bản thân. Em nên đánh giá điểm mạnh và yếu của mình cộng với sự đam mê với những ngành nghề nhất định.

Phạm Tuấn - Email: phamcongtuan.xxx@gmail.com - Mobile: 01639976xxx - 24/04/2014 09:48:39      

Hiện nay các sinh viên rất thiếu kỹ năng thực hành, kỹ năng làm việc theo nhóm, trình độ ngoại ngữ. Ai cũng biết rõ điều này. Vậy tại sao các trường đại học, cao đẳng,các trường đào tạo nghề lại không có những sự thay đổi phù hợp để sinh viên, học sinh ra trường không phải chịu cảnh thất nghiệp như hiện nay?

Ths. Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội

Nếu bạn chịu khó để ý, các trường đại học cao đẳng có uy tín đang có một sự đầu tư rất lớn vào nhóm các kỹ năng cần thiết bạn vừa nêu. Lấy ví dụ tại FPT Polytechnic, kỹ năng mềm được đưa vào thành môn chính khóa, kỹ năng ngoại ngữ được đào tạo theo chuẩn Topnotch bởi Longman. Ngoài ra, chúng tôi bổ sung thêm kỹ năng tin học theo chuẩn văn phòng quốc tế ICDL. Cái khó của người học là việc tìm ra được môi trường phù hợp và trang bị các kỹ năng cần thiết cho công việc sau khi ra trường.

Sinh viên Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic tự tin với các kỹ năng được đào tạo khi ra trường
Sinh viên Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic tự tin với các kỹ năng được đào tạo khi ra trường.

Nguyễn Trung Kiên - Mobile: 0167526xxx

Em rất thích tham gia các hoạt động tình nguyện. FPT Polytechnic có các câu lạc bộ như vậy cho sinh viên không ạ? Em nghe nói lịch học ở FPT Polytechnic khá kín, vậy thời sinh viên anh có thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường không ạ? Trường có tạo điều kiện gì cho sinh viên khi tham gia không?

Phạm Cường Quyết - Cựu sinh viên FPT Polytechnic

Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic có rất nhiều các câu lạc bộ khác nhau như: CLB tình nguyện, CLB vovinam, CLB tiếng anh, CLB Hiphop... Bên cạnh đó, trường còn có những câu lạc bộ chuyên môn như CLB Thiết kế web, CLB Marketing PMG... thường xuyên tổ chức các cuộc thi hoặc hội thảo lớn nhỏ liên quan chuyên ngành, khá bổ ích mà bạn có thể tham gia thoải mái.

Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp nâng cao các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm.

 
Tọa đàm Thừa thầy thiếu thợ: Làm thợ hay làm thầy?
Tại FPT Polytechnic có rất nhiều câu lạc bộ học tập và ngoại khóa thu hút các bạn sinh viên tham gia.

Vũ Đình Lục. Email:  lucnamxxx@...  Ngày gửi:  4/25/2014 12:31:00 PM  

Thưa chú,  cháu có một câu hỏi với những nhà quản lý. Đứng trước thời cơ cũng như thách thức, thế hệ sinh viên bọn cháu rất hoang mang không biết học xong ra sẽ làm gì. Xã hội thì quá nhiều tiêu cực, cứ nhà nào có nhiều mối quan hệ, nhiều tiền thì xin được cho con mình vào nhà nước làm việc. Bọn cháu rất bức xúc khi học thực - làm thực thì không được trọng dụng, việc làm đó ảnh hưởng đến tinh thần học của người dân ta ngày càng đi xuống. Vậy xin hỏi chú đứng trước khủng hoảng vậy, Bộ GD-ĐT và các cấp lãnh đạo đã có những chính sách gì đối với nền giáo dục nước nhà.

TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT

Chú nghĩ rằng xã hội sẽ có một phần trách nhiệm chăm lo cho tương lại các cháu. Tuy nhiên việc mỗi cá nhân phải vận động là một yếu tố hết sức quan trọng. Có học vấn tốt là nền tảng để đi được xa, cống hiến được nhiều, thăng tiến tốt. Cũng cần xác định: môi trường làm việc của các cháu sau này không chỉ là cơ quan nhà nước - mà là nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, phạm vi làm việc của các cháu sẽ là toàn cầu chứ không giới hạn ở một địa phương, một quốc gia. Về công việc - chính các cháu sẽ có một phần trách nhiệm tạo công việc cho mình và cho bạn bè của mình - chứ không chỉ giới hạn công việc tại các tổ chức, công ty hiện có.  Cuối năm 2013, lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã phát lệnh đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đào tạo Việt nam với nhiều chính sách sẽ được thực thi. Hy vọng bức tranh giáo dục đào tạo nước nhà sẽ có những thay đổi cơ bản trong tương lai gần.

Lê Vĩnh Bảo - Email: levinhbaoxx@gmail.com - Mobile: 090953xxxx - 25/04/2014 02:19:52

Kinh tế thị trường thì cứ để thị trường điều tiết. Sao ta có thể định hướng nhu cầu học ngành gì của người học. Họ có nghe ta không? Vấn đề này nghe nói đã lâu mà không giải quyết được lý do tại sao?

TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT

Câu hỏi của bạn rất lý thú. Đúng là thị trường thì để thị trường điều tiết, tuy nhiên từ khi vào trường cho đến khi tốt nghiệp mất vài năm, ngoài ra còn những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, kinh tế xã hội. Vì vậy, việc định hướng bao giờ cũng cần thiết.

Do thời gian có hạn, chúng tôi chỉ chia sẻ được một số thông tin liên quan đến vấn đề "thầy - thợ", liên quan đến định hướng nghề nghiệp, và thực tiễn tại FPT Polytechinc - hệ thống đào tạo Cao đẳng thực hành thuộc trường Đại học FPT theo phương thức "Thực học - Thực nghiệp". Cảm ơn các quý vị độc giả của Dân trí đã tham gia và đặt ra nhiều câu hỏi lý thú cho buổi tư vấn này. Cảm ơn Dân trí đã tạo điều kiện để buổi tư vấn thành công tốt đẹp!

* * *Buổi tọa đàm chiều nay được tổ chức theo hình thức offline. Do thời gian có hạn nên buổi tọa đàm được dừng lại tại đây, những phần câu hỏi chưa được giải đáp, FPT Polytechnic sẽ trả lời theo địa chỉ mail của độc giả gửi tới báo Dân trí