Ép học sinh học nhiều khi trở lại trường giống ép người khỏi ốm vác nặng

Huy Khánh

(Dân trí) - "Chúng ta hãy đón các con đến trường như một bữa tiệc tựu trường. Các nhà quản lý giáo dục cũng cần giảm chỉ tiêu, các thầy cô mới được giảm áp lực trong dạy học, từ đó giảm áp lực đến các học sinh".

Không nên bắt "một người học tập bằng hai"

Sau các vụ học sinh tự tử xảy ra trong thời gian qua, những người làm giáo dục, công tác chăm lo sức khỏe tâm lý học đường hết sức thương tiếc, đồng thời cũng lo ngại sâu sắc.

Trong buổi tọa đàm "Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua?" do Báo Đại đoàn kết tổ chức, GS Nguyễn Lân Dũng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Giáo dục của UBTƯ MTTQ Việt Nam đưa ra con số thống kê cho thấy, 10% trẻ vị thành niên bị trầm cảm và 10% trẻ tự tử vì trầm cảm. "Những vụ việc học sinh tự sát liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây như giọt nước tràn ly làm xã hội băn khoăn, lo lắng", ông Dũng nói.

Lý giải về những áp lực dẫn đến căn bệnh trầm cảm ở tuổi học đường, nhà văn Hoàng Anh Tú - từng được biết tới với vai trò anh Chánh Văn của báo Hoa Học Trò, chuyên gia tư vấn tâm lý cho tuổi mới lớn, chia sẻ: "Tôi từng nhận được rất nhiều phản ánh từ các con. Các con gặp rất nhiều áp lực, các con đều tìm đến chia sẻ tâm sự những nỗi buồn, bức xúc. Rất nhiều áp lực chúng tôi nhìn thấy, trong khi cha mẹ đều nhìn nhận áp lực đó là một cái gì đó rất trẻ con".

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết anh cũng từng chứng kiến những trưởng thành của các con trong đau đớn.

Ép học sinh học nhiều khi trở lại trường giống ép người khỏi ốm vác nặng - 1

Áp lực học tập, trầm cảm là vấn đề lớn của trẻ vị thành niên. (Ảnh minh họa: Freepik)

"Đó là lý do chúng tôi luôn tìm cách chia sẻ nỗi đau của các con. Thực ra lứa tuổi mới lớn khi nào cũng đau đớn vì quá nhiều áp lực. Chúng tôi đã có chuỗi phóng sự "Ba mẹ ơi, chúng con không phải là cái thớt" để nói về việc trút giận lên trẻ em khi cha mẹ bị áp lực trong cuộc sống. Rồi áp lực của thầy cô về thành tích cũng trút vào trẻ con. Chuyện ở trong lớp, một em chưa đóng tiền học phí cũng thành áp lực, rất nhiều lá thư tâm sự từ những thứ rất nhỏ mà người lớn chúng ta coi là chuyện bình thường, nhưng đối với các con thì đó là áp lực lớn hơn rất nhiều".

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, rất nhiều lá thư tâm sự các con đều là từ những thứ rất nhỏ mà người lớn chúng ta coi chuyện đó là bình thường. Bởi vậy, thật sự các con hoàn toàn cô độc và người lớn chúng ta hay bỏ qua.

Trước câu hỏi về áp lực tâm lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong đó có việc trẻ em cả năm trời không được đến trường, nhiều tháng phải ở nhà vì những đợt cách ly xã hội, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn - chuyên gia của chương trình Cửa sổ tình yêu của Đài Tiếng nói Việt Nam bày tỏ: "Tôi nghĩ rằng, chúng ta vừa chứng kiến và trải qua một sự kiện chưa từng có trong cuộc đời, đó là đại dịch Covid-19, làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Chưa bao giờ người bệnh bị truy vết, săn lùng, chưa bao giờ đường phố Hà Nội lại vắng vẻ đến lạnh người. Có thể nói, đây là cú sốc với toàn thể xã hội".

Trong khi, Việt Nam không phải nước phát triển về khoa học nên chưa thể nghĩ tới hậu quả của đại dịch về sau mà chỉ đang chạy theo quá trình tiến triển và kiểm soát dịch bệnh, kéo theo các nhà quản lý xã hội cũng chưa thể lường trước được về giai đoạn hậu Covid-19.

Theo chuyên gia Đinh Đoàn, một sự vật, sự việc, sau sự cố nào đó, nếu tái khởi động lại thì phải làm từ từ và có quá trình, lộ trình dần dần, cụ thể để đạt được. Ông Đoàn ví dụ, chiếc xe máy để lâu cũng phải đem đi bảo dưỡng, khởi động, chạy rốt đa và khi sử dụng cũng chưa thể chạy nhanh ngay được.

Bởi vậy tại sao chúng ta không nghĩ, sau 2 năm, học sinh nghỉ ở nhà, sao không nghĩ đến lộ trình cho học sinh quay trở lại trường để khởi động lại. 2 tuần đầu đến chơi, sau đó học lại dần dần. Sau 2, 3 tháng chuẩn bị tinh thần của thầy và trò chúng ta mới học trở lại bình thường.

"Ở lĩnh vực kinh tế, cũng phải từ từ, phải thay đổi mục tiêu, chiến lược để kinh tế dần phục hồi và tăng trưởng lại. Vậy tại sao nhà trường, các cơ sở giáo dục đến nay không có lộ trình rõ ràng, như tuần đầu vui chơi, tuần sau học kỹ năng sống và sau đó học kiến thức lại bình thường? Tôi cho rằng đây là điều cần rút kinh nghiệm và nếu có sự can thiệp ngay từ bây giờ cũng chưa muộn", ông Đoàn nói.

"Đặc biệt, trong thời điểm này, các trường học bắt đầu cho học sinh quay trở lại học. Thời điểm nhạy cảm này, theo tôi, nhà trường không nên bắt "một người học tập bằng hai" so với lúc bình thường. Vì như phân tích ở trên, điều này không khác gì bắt một người mới khỏi ốm phải gánh vác đồ đạc nặng cả. Tôi cho rằng việc này là không cần thiết, bởi giai đoạn tiểu học là giai đoạn đầu nên chưa cần nặng nề, vì việc học là việc cả đời. Lời khuyên của tôi là, mỗi giai đoạn học tập của con trẻ nên đặt một mục tiêu cụ thể sẽ hợp lý hơn", ông Đoàn tiếp lời.

Không có một bác sĩ nào tốt bằng cha mẹ

Ép học sinh học nhiều khi trở lại trường giống ép người khỏi ốm vác nặng - 2

"Thời điểm nhạy cảm này, theo tôi, nhà trường không nên bắt "một người học tập bằng hai" lúc bình thường", chuyên gia Đinh Đoàn nói. (Ảnh minh họa: Freepik)

Nhà văn Hoàng Anh Tú cùng quan điểm với ông Đinh Đoàn: "Trong cuộc sống áp lực đến từ khắp mọi nơi. Trong khi trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và không quen với việc chịu áp lực sớm như vậy. Tôi đồng ý với ý kiến anh Đinh Đoàn, kinh tế điều chỉnh các mục tiêu trong khi giáo dục không điều chỉnh. Hà Nội, vừa qua nếu không có sự phản ứng gay gắt của phụ huynh học sinh thì học sinh thi vào lớp 10 có thể vẫn phải thi 4 môn".

"Tôi không hiểu tại sao các nhà quản lý giáo dục lại khăng khăng muốn hoàn thành những mục tiêu như thế. Các bạn học sinh quay lại trường trong tình cảnh chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm học nên chịu không ít áp lực và gặp không ít khó khăn, ví dụ như học sinh lớp 1 sau cả năm ở nhà bây giờ đến trường nhiều em chưa biết viết.

Chúng ta hãy đón các con đến trường như một bữa tiệc tựu trường. Các nhà quản lý giáo dục cũng cần giảm chỉ tiêu, các thầy cô mới được giảm áp lực trong dạy học và từ đó sẽ giảm áp lực đến các học sinh", ông Tú kiến nghị.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng bổ sung vấn đề: "Dân gian có câu "Nhân chi sơ tính bản thiện", vai trò của gia đình với tuổi học đường quan trọng lắm. Tôi có hai con đều thành đạt. Mới đây khi đọc Facebook của con trai lớn tôi mới biết khi còn nhỏ cháu rất ham đá bóng. Còn con gái thì có 2 bạn thân từ nhỏ và chơi với nhau tới bây giờ. Nên giáo dục trẻ từ gia đình rất quan trọng.

Cha mẹ đừng nên tạo áp lực cho con trẻ để các em được phát triển vui tươi. Tôi nghĩ triệu chứng trầm cảm dễ nhận thấy. Nếu bố mẹ nhạy cảm sẽ nhận ra con mình có bị trầm cảm hay không để tìm cách uốn nắn.

Tôi đặt tên 2 con mình là Hiếu và Thảo, không phải chỉ mong muốn con hiếu thảo với bố mẹ mà mong muốn các con hiểu thảo với xã hội, muốn con cái trở thành người tử tế. Mà muốn được như vậy bố mẹ cũng phải tử tế. Nên giáo dục của gia đình phải rất được quan tâm, không chỉ quan tâm ăn mặc mà quan tâm tới trí tuệ, đạo đức của con. Thầy cô cũng vậy, không phải chỉ dạy chữ mà tấm lòng người thầy thương yêu học sinh, hình thành cho trẻ sự tử tế.

Tôi may mắn từ nhỏ được học toàn thầy cô giỏi nên chúng tôi được thừa hưởng một nền giáo dục tử tế. Nên bố mẹ và thầy cô phải làm sao yêu thương con, yêu thương học sinh để mỗi ngày con đến trường là một ngày vui. Tôi nghĩ rằng, giáo dục cần xem xét lại, phải vừa dạy chữ dạy người. Tôi đi học thi cử bao nhiêu lần mà không thấy áp lực mà vẫn vui, mỗi lần thi tôi cảm thấy mình trưởng thành lên".

Để trẻ em vượt qua trầm cảm, theo nhà văn Hoàng Anh Tú: "Tôi không có quá nhiều kiến thức mang tính học thuật, sách vở để giúp các con vượt qua "vùng xám", tôi chỉ gọi là "vùng xám". Nhưng tôi nghĩ là giải pháp là các cha mẹ có thể xây dựng suy nghĩ tích cực cho các con. Và với cha mẹ có suy nghĩ tích cực thì đứa trẻ nhìn vấn đề nhẹ nhàng hơn. Cha mẹ hoàn toàn có thể giúp các con nhìn thấy nhiều hơn mặt tích cực hơn là tiêu cực trong một vấn đề.

Thứ hai, giúp con xem trọng giá trị bản thân, giúp con có giá trị trong cuộc sống, giúp con luôn biết tự tin với bản thân mình. Giúp con hiểu về giá trị bản thân cũng là cách giúp con ứng phó với những tồi tệ bên ngoài. Như sau này tôi tin rằng, con gái tôi cũng không cho phép gã đàn ông nào đối xử tồi tệ với nó.

Thứ ba, tôi thật sự mong tính kết nối, tan học về hỏi con hôm nay có chuyện gì vui, có bạn nào tè dầm không? Rõ ràng con mình học lớp 10 rồi nhưng hỏi con mình có bạn nào tè dầm cũng là câu chuyện rất vui. Vì vậy hãy giữ kết nối với trẻ em lâu nhất. Tôi tin rằng không có một bác sĩ nào tốt bằng cha mẹ, không bác sĩ nào khi biết con hiểu rằng giá trị của mình".