Đổ về Văn Miếu cầu may trước giờ thi ĐH

(Dân trí) - Hôm nay 1/7, hàng ngàn sĩ tử đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) cầu may trước kỳ thi đại học. Khu vực được “tham quan” nhiều nhất là văn bia tiến sỹ. Tuy nhiên, việc sờ, hôn lên đầu rùa để cầu may năm nay đã bị cấm tiệt.

Giá vé vào Văn Miếu đã tăng lên 10.000 đồng/người (mọi năm chỉ 5.000 đồng), nhưng không mấy sĩ tử lăn tăn. Mặt hàng bán chạy nhất trước trường đại học đầu tiên của Việt Nam này chính là hương và đồ lễ, và giá cả cũng trên trời: 10.000 - 20.000 đồng/bó hương (10 cây); 100.000 - 200.000 đồng/mâm hoa quả con con. Thí sinh Hoàng Văn Hải, ở Thái Thụy, Thái Bình, đăng ký dự thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội trần tình: “Mười mấy năm đèn sách để thi đại học, có mất vài chục nghìn mà mua được vận may thì tiếc gì”.
 
Đổ về Văn Miếu cầu may trước giờ thi ĐH - 1

Một đội sinh viên tình nguyện được cắt cử "canh gác" không để thí sinh và người nhà sờ lên đầu rùa
 
Khu vực được “tham quan” nhiều nhất là văn bia tiến sỹ. Tuy nhiên, việc sờ, hôn lên đầu rùa để cầu may năm nay đã bị cấm tiệt. Điều này cũng gây ít nhiều sự khó chịu đối với phụ huynh, thí sinh khi đến đây. “Chúng tôi chỉ xoa nhẹ lên đầu rùa để cầu may cho con cái thi cử đỗ đạt mà cũng bị cấm. Đồng ý là các hành vi giẫm, đạp, ngồi, nằm lên rùa có thể làm hỏng, chứ xoa một cái mà sợ… mòn thì BQL ở đây hơi quá”, ông Trần Đức Tiến, ở Hà Đông, Hà Nội cho biết.
 
Đổ về Văn Miếu cầu may trước giờ thi ĐH - 2

Tuy nhiên, vẫn không ít thí sinh vượt quy định của BQL để cầu vận may
 
Đổ về Văn Miếu cầu may trước giờ thi ĐH - 3

Không được sờ đầu rùa, nhiều thí sinh đành sờ đuôi hạc
 
Để cấm thí sinh và người nhà sờ đầu rùa hoặc viết, vẽ bậy lên văn bia tiến sỹ, một đội sinh viên tình nguyện ở các trường đại học đã được cắt cử làm nhiệm vụ “canh gác và nhắc nhở”. Tuy nhiên, dù đã làm việc cật lực, đội tình nguyện cũng không thể nào ngăn cản được nhiều thí sinh, phụ huynh xoa đầu rùa. “Vượt hàng trăm km, chỉ xoa đầu rùa một cái mà thôi”, Vũ Văn Hà, thí sinh ở Nghệ An vừa phân bua với một sinh viên tình nguyện vừa nhanh tay xoa lên đầu rùa. Thấy vậy, hàng chục thí sinh cũng bắt chước làm theo khiến các sinh viên tình nguyện là nữ cũng chỉ biết cười trừ.
 
Đổ về Văn Miếu cầu may trước giờ thi ĐH - 4

Phụ huynh và sĩ tử thành tâm cầu nguyện trước giờ G
 
Đổ về Văn Miếu cầu may trước giờ thi ĐH - 5

Lễ vật do sĩ tử dâng lên chất đầy trước bàn thờ Khổng Tử
 
Đổ về Văn Miếu cầu may trước giờ thi ĐH - 6

Sĩ tử nào cũng mong một kỳ "vượt vũ môn" tốt đẹp
 
Tại nơi Đại Bái, khu vực đặt bàn thờ Khổng Tử và danh nhân Chu Văn An, hàng trăm người chen nhau để dâng hương, cầu nguyện. Dù được hướng dẫn chỉ thắp mỗi người một nén hương nhưng nhiều người thắp cả bó hương để cầu may khiến các nhân viên khu di tích phải liên tục nhắc nhở. “Em thắp một bó để tỏ lòng thành kính, kỳ thi đại học này có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ với em mà cả gia đình, họ hàng”, thí sinh Dương Hoài Thu Trang, quê ở Hải Dương cho biết.
 
Đổ về Văn Miếu cầu may trước giờ thi ĐH - 7

Quy định chỉ được thắp 1 cây hương, nhưng sĩ tử nào cũng "thành tâm" với một bó
 
Đổ về Văn Miếu cầu may trước giờ thi ĐH - 8

Khiến BQL di tích luôn nơm nớp lo nguy cơ cháy, nổ 
 
Ông Hoàng Công Thành, Trưởng BQL An ninh trật tự di tích Văn Miếu cho biết, lượng du khách cũng như thí sinh đến tham quan Văn Miếu hai ngày nay tăng đột biến. BQL di tích đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Quận Đống Đa tổ chức bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự rất tốt nên chưa có trường hợp mất cắp nào xảy ra.
 
Sĩ tử “đổ bộ” về Hà Nội
 
Cũng trong hôm nay, sĩ tử từ các tỉnh phía Bắc đồng loạt “đổ bộ” về Hà Nội. Nhiều sĩ tử cùng phụ huynh vẫn đang rơi vào cảnh chưa biết về đâu.
 
Đổ về Văn Miếu cầu may trước giờ thi ĐH - 9
 
Ngay từ sáng sớm, tại bến xe Giáp Bát góc nào cũng thấy cảnh phụ huynh cùng con “tay xách nách mang” đứng ngồi khắp nơi. Bên trong bến càng đông đúc, nhộn nhạo hơn. Đưa con đi thi, nhiều phụ huynh lỉnh kỉnh đồ đạc, thậm chí có người mang theo chăn chiếu, chuẩn bị cho những ngày ở nhà trọ.
 
Ôm đống chăn chiếu bên người, bác Nguyễn Văn Mai, quê Nam Định có con gái thi vào ĐH Thương mại cho hay: “Đứa cháu họ tôi tìm hộ phòng trọ rồi nhưng nó nói phòng không có chăn chiếu gì cả nên tôi xách luôn từ quê lên, chứ lên mà mua sắm nữa thì chết tiền”. 
 
Đổ về Văn Miếu cầu may trước giờ thi ĐH - 10
Đứng đợi người thân trước cổng bến xe Giáp Bát
 
Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các sinh viên tình nguyện, các sĩ tử không quá bỡ ngỡ khi xuống xe. Họ được phát bản đồ miễn phí, được chỉ dẫn từng tuyến xe buýt để đến nơi cần đến. Phần đông các sĩ tử đều có phụ huynh đi cùng nhưng cũng có những bạn đi một mình hoặc đi cùng bạn bè.
 
Đặt ba lô nặng trĩu trên vai xuống để đợi tuyến xe buýt 32 về trường ĐH Công nghiệp, Hoàng Thị Hải, quê ở Hoa Lư, Ninh Bình cho biết em đi một mình về Hà Nội dự thi để bớt chi phí. “Mẹ em muốn đi cùng nhưng các khoản đi lại, ăn ở tốn kém quá nên lại thôi. Em ra Hà Nội một vài lần rồi nên cũng biết đường đi lối lại, hơn nữa lại được các anh chị tình nguyện chỉ dẫn cũng bớt lo. Giờ em đến ở nhà người quen rồi mai mốt mới tìm phòng trọ gần điểm thi”.
 
Tuy nhiên, nhiều sĩ tử cùng phụ huynh đã xuống bến xe nhưng vẫn chưa biết đi đâu về đâu vì chưa tìm được chỗ trọ.
 
Đổ về Văn Miếu cầu may trước giờ thi ĐH - 11
Mẹ con bác Mây chưa tìm được nhà trọ
 
Bác Đàm Thị Mây, quê ở Thái Thuỵ (Thái Bình) cùng còn trai là Đàm Văn Điểu cho biết hai mẹ con giờ chưa biết đi về đâu. Bác chia sẻ: “Mấy cháu tình nguyện cũng giới thiệu mấy chỗ ở nhưng hỏi ra mới biết cách xa điểm thi con mình nên lại thôi. Chắc là bây giờ tôi tìm nhà trọ bình dân nào đó ở tạm rồi chiều nay mẹ con đi tìm phòng. Chỉ lo thằng bé đi lại mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khoẻ thôi”. Nói rồi, bác cùng con trai gọi xe ôm, nhờ chở đến nhà trọ gần bến xe.

Hoài Nam - Sông Lam