Điểm chuẩn Trường ĐH Văn Lang cao nhất 23, ĐH Kinh tế - Luật là 27,55
(Dân trí) - Trường ĐH Văn Lang điểm chuẩn cao nhất là 23, còn trường ĐH Kinh tế - Luật ngành có điểm chuẩn cao nhất là 27,55.
Trường ĐH Văn Lang: Điểm chuẩn cao nhất 23
Theo Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Văn Lang, mức điểm chuẩn trúng tuyển phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cho 61 ngành đào tạo đại học của dao động từ 16 - 23 điểm.
Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Răng - Hàm - Mặt 23 điểm, ngành Dược học 21 điểm. Nhóm ngành có điểm chuẩn trúng tuyển từ 17 - 18 điểm gồm Thiết kế Đồ họa 18 điểm, Thiết kế Thời trang 17 điểm, Quan hệ Công chúng 18 điểm, Marketing 18 điểm. Các ngành còn lại có mức điểm chuẩn trúng tuyển 16 - 19 điểm.
Điểm chuẩn cụ thể vào từng ngành:
Từ ngày 20 - 30/9/2022, thí sinh đã trúng tuyển vào 61 ngành đào tạo đại học chính quy của trường trong đợt 1 sẽ chính thức nhập học.
Trường Đại học Văn Lang cũng thông báo tuyển sinh 50 ngành đào tạo trong đợt bổ sung đến hết ngày 30/9. Trong đó, có 4 ngành đào tạo mới gồm Công nghệ điện ảnh truyền hình, Công nghệ truyền thông, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu.
Trường xét tuyển sinh bổ sung theo 3 phương thức: Xét tuyển học bạ THPT, Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, Xét điểm thi Đánh giá năng lực, ĐH Quốc gia TPHCM.
Thủ khoa Trường ĐH Kinh tế - Luật đạt 28,2 điểm
Theo công bố kết quả trúng tuyển đại học hệ chính quy năm 2022 theo phương xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của Trường ĐH Kinh tế - Luật UEL (ĐH Quốc gia TPHCM) có điểm trung bình trúng tuyển là 26,36.
Trong đó, điểm trung bình khối ngành Kinh tế là 26,22 điểm, khối ngành Kinh doanh là 26,64 điểm và khối ngành Luật là 25,65 điểm. Đây là tổng điểm của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01 và D07 đối với học sinh THPT khu vực 3 và không nhân hệ số.
Trường đã nhận được tổng cộng 7.650 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 14.004 nguyện vọng của thí sinh nộp xét tuyển cho phương thức 3. Trong số các thí sinh trúng tuyển vào trường, 897 thí sinh có kết quả tổng điểm từ 25 trở lên, 253 thí sinh có kết quả tổng điểm từ 27 trở lên.
Thí sinh Nguyễn Lê Trường Thịnh, học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, Bình Dương xét tuyển vào chương trình Kiểm toán là thí sinh có điểm cao nhất ở phương thức này với 28,2 điểm.
Top 5 trường THPT có số thí sinh trúng tuyển phương thức này nhiều nhất vào Trường ĐH Kinh tế - Luật gồm Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến, TPHCM; Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, Bình Dương; Trường THPT Dĩ An Bình Dương; Trường THPT Võ Trường Toản TPHCM và Trường THPT Nguyễn Huệ, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thông tin từ nhà trường, năm 2022, trường dành 30-60% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với tổ hợp các môn xét tuyển các ứng viên phải đạt tổng số 20 điểm trở lên.
Chương trình đào tạo có điểm trúng tuyển cao nhất là Thương mại điện tử với mức 27,55 điểm.
Trong 48 chương trình đào tạo tại trường, có 3 chương trình đào tạo có mức điểm trúng tuyển trên 27 điểm gồm Thương mại điện tử, Marketing, Kinh doanh quốc tế).
Đối với 2 chương trình đào tạo mới của trường, điểm trúng tuyển đối với chương trình Luật thương mại quốc tế chất lượng cao bằng tiếng Anh là 24,65 điểm và chương trình Luật và Chính sách công là 23,5 điểm. Kinh tế đối ngoại, Marketing, Luật Thương mại quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh, Thương mại điện tử vẫn nằm trong top những ngành được nhiều thí sinh đăng ký nhất ở phương thức xét tuyển này.
Nhà trường lưu ý, thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến từ ngày 16/9 đến 30/9 trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT, nhập học trực tuyến từ ngày 19/9 đến 20/9 tại cổng thông tin của trường.
Ngày 18/9, trường sẽ thông báo bằng tin nhắn SMS đầu số "UEL" đến các thí sinh thông tin tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào trang nhập học bằng số điện thoại thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định sẽ bị xóa kết quả trúng tuyển.