Địa phương vùng lũ được điều chỉnh kế hoạch dạy học bù tuỳ thực tế

Mỹ Hà

(Dân trí) - Các địa phương phải căn cứ khung thời gian năm học, cộng thời gian thực tế học sinh đã nghỉ để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của trường cho phù hợp thực tế.

Sau đợt lũ lịch sử, nhiều học sinh miền Trung nghỉ học quá 2 tuần chưa thể đến trường. Một số tỉnh Trung Trung bộ tiếp tục hứng cơn bão số 9.

Trao đổi với PV ngày 28/10, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD&ĐT cho biết, chương trình khung kế hoạch năm học mà Bộ GD&ĐT ban hành đầu năm có 2 tuần làm quỹ dự phòng.

Như vậy, mỗi học kỳ, các trường có 1 tuần dự phòng trường hợp thiên tai, dịch bệnh.

Một số địa phương bị lũ thời gian qua như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, học sinh đã nghỉ học quá dài ngày, ông Thành cho hay, Bộ GD&ĐT vẫn đang theo dõi sát tình hình cụ thể.

“Đến thời điểm hiện nay, với lượng thời gian học sinh đã nghỉ thì quỹ thời gian dự phòng năm học 2020-2021 hiện vẫn đủ để bù.

Địa phương vùng lũ được điều chỉnh kế hoạch dạy học bù tuỳ thực tế - 1

Trường học ở Quảng Trị ngập bùn sau lũ nên học sinh vẫn chưa thể quay lại lớp. 

Các địa phương phải căn cứ khung thời gian năm học, cộng thời gian thực tế học sinh đã nghỉ để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của trường cho phù hợp thực tế”, ông Thành nói.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, nếu bão chồng bão, lũ chồng lũ như hiện nay, các địa phương cũng phải tính đến phương án học sinh nghỉ quá quỹ thời gian dự phòng.

Khi đó, các trường sẽ phải xây dựng phương án dạy bù trong năm học để đảm bảo hoàn thành chương trình.

“Điều này có thể thực hiện vì chương trình hiện hành thiết kế dạy học 1 buổi/ngày, các trường sẽ vẫn có thời gian 1 buổi để dạy bù mà không gây áp lực cho học sinh.

Các trường vận dụng chỉ đạo năm học của Bộ GD&ĐT về việc giao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục; linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục không chỉ trong lớp học mà có thể thực hiện cả ngoài giờ lên lớp, trong phòng thí nghiệm, làm dự án học tập”, ông Thành khẳng định.

Địa phương vùng lũ được điều chỉnh kế hoạch dạy học bù tuỳ thực tế - 2

Quảng Trị có khoảng 200 trường học với gần 310 điểm trường học bị ngập lụt.

Về vấn đề SGK và tài liệu học tập cho học sinh các địa phương sau bão lũ, ông Thành cho hay, Bộ GD&ĐT đang kêu gọi các nhà xuất bản, nhà hảo tâm hỗ trợ sách cho học sinh bị mất hết SGK, vở viết.

Tinh thần dù khó khăn đến đâu vẫn phải đảm bảo SGK để học sinh học tập, cố gắng không để các em thiếu sách khi đến trường.

Một số buổi đầu tiên khi học sinh tới trường học mà SGK chưa vận chuyển về kịp, các trường cũng sẽ có giải pháp như: photo tài liệu phát cho từng em…

Thống kê cho thấy, Quảng Trị có khoảng 200 trường học với gần 310 điểm trường học bị ngập lụt; trong đó, nhiều trường học ở các huyện Hải Lăng, Đakrông, Triệu Phong bị ngập sâu trong nước, một số trường ở huyện Hướng Hóa bị ngập, chia cắt nhiều ngày.

Có khoảng 844 phòng học, phòng chức năng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú cho học sinh bị thiệt hại nặng từ 30-70%.

Có khoảng hơn 2.100 phòng học, phòng chức năng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú cho học sinh bị ngập nước, lượng bùn bám dày vào bàn ghế, bờ tường, tủ, kệ, giá đựng thiết bị dạy học.

Ngoài ra, gần 14.000 bộ sách giáo khoa bị ướt, cuốn trôi và gần 40.000 cuốn vở bị ướt, không sử dụng được…

Đến ngày 26/10, còn 14 trường học chưa tổ chức dạy học trở lại, tập trung ở địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa do bị sạt lở, chia cắt nên học sinh và giáo viên chưa thể đi lại được.  

Tại Quảng Bình, sau khi lũ rút, các trường học đã huy động giáo viên, học sinh cùng sự hỗ trợ của lực lượng bộ đội, công an, đoàn viên đã nỗ lực dọn dẹp bùn đất, sớm đón học sinh trở lại.