Dè dặt công khai học phí đại học, vì sao?

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Học phí là vấn đề "nhạy cảm" bởi nó ảnh hưởng tới hàng triệu gia đình. Một số trường đại học công bố công khai và rõ ràng lộ trình tăng nhưng một số đơn vị chỉ công bố dè dặt.

Dè dặt công khai học phí

Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mức học phí dự kiến của các trường đại học đều phải được công khai trong đề án tuyển sinh đăng trên website trường ít nhất 30 ngày trước khi nhận hồ sơ xét tuyển.

Hiện tại, đề án tuyển sinh của hầu hết các trường đại học thông báo rất kỹ các vấn đề tuyển sinh nhưng khá dè dặt khi đề cập đến vấn đề học phí.

Một số trường đại học lâu nay thường gọi là khối "công lập" công khai học phí khá rõ ràng, ghi rõ lộ trình tăng ra sao trong quá trình sinh viên học hàng năm. Thế nhưng một số trường khác, thông tin học phí gần như chưa có hoặc có rất sơ sài trong khi những thông tin tuyển sinh khác cực kỳ chi tiết.

Mặt khác, một số trường có công khai học phí nhưng cách tính không giống nhau, đơn vị thông báo thu theo năm, thu theo khóa hoặc theo chứng chỉ…, khiến phụ huynh, sinh viên khó nắm bắt.

Dè dặt công khai học phí đại học, vì sao? - 1

Học sinh tìm hiểu học phí và các vấn đề liên quan đến tuyển sinh của trường đại học ở "ngày hội tuyển sinh" tại Hà Nội (Ảnh: M. H).

Theo đề án tuyển sinh đại học 2023 do Trường ĐH Giao thông vận tải công bố trên website nhà trường ngày 7/2, phần học phí được nhà trường đưa ra khá dè dặt.

Cụ thể, mức học phí khối kỹ thuật của trường này dự kiến 415.800 đồng/tín chỉ; khối kinh tế 53.300 đồng/tín chỉ (trung bình một năm sinh viên học khoảng 30 tín chỉ). Các thông tin khác về lộ trình tăng, mức độ tăng như thế nào chưa được đề cập.

Tương tự, ở thông báo tuyển sinh trình độ đại học 2023 của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, học phí được công bố công khai số tiền theo nhóm ngành và chương trình đào tạo. Đơn vị này cũng chỉ lưu ý, học phí được thu theo học kỳ/năm, ngoài ra không có thông tin gì thêm.

Thông tin tuyển sinh 2023, Trường ĐH Phenikaa công khai mức học phí trung bình từng ngành/năm.

Nhà trường cũng lưu ý cách tính và mức ưu đãi học phí cho nhóm ngành sức khỏe, còn lại các cam kết khác liên quan đến học phí chẳng hạn: Cam kết mức tăng như thế nào qua từng năm; học phí được tính toán dựa trên nguyên tắc nào…, chưa được nhà trường đề cập đến ở đề án này.

Dè dặt công khai học phí đại học, vì sao? - 2

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ vấn đề học phí trước mỗi mùa tuyển sinh (Ảnh: M.H).

"Nhạy cảm" vấn đề học phí

Ngày 12/9/2022, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, mặc dù học phí được quy định trong Nghị định 81/2021/NĐ- CP ngày 27/8/2021 nhưng quan điểm của Chính phủ là cần có những điều chỉnh cho phù hợp với khó khăn với người học sau 2 năm dịch bệnh Covid-19.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân, với xã hội trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Trong thời gian chờ đợi văn bản của Chính phủ, một số trường đại học đã tăng học phí từ 30-70%.

Ngày 20/12/2022, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 về học phí đối với các cơ sở GD&ĐT công lập năm học 2022 - 2023.

Theo đó, với cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, Chính phủ quy định giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu năm ngoái theo Nghị định 81.

Sau quyết định không tăng học phí của Chính phủ, hàng loạt trường đại học đã trả lại phần chênh lệch học phí đã "trót" tăng trước đó, đồng thời một số trường phải xây dựng lại mức học phí.

Chia sẻ với PV Dân trí, PGS. TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nói rằng, học phí là vấn đề khá "nhạy cảm" hiện nay.

PGS Tuấn cũng cho biết, thực hiện theo quy định, Trường ĐH Ngoại thương chưa có kế hoạch tăng học phí trong năm học này.

Tại đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2023, mức học phí và lộ trình tăng cũng được trường này đề cập khá cụ thể.

"Dự kiến học phí của các chương trình được điều chỉnh hàng năm không quá 10%", đề án tuyển sinh nêu rõ.

Tương tự, đề án tuyển sinh đại học 2023 của Trường ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Công nghiệp…, cũng công bố chi tiết học phí theo từng chương trình đào tạo và lộ trình tăng hằng năm.

Chia sẻ với PV Dân trí, GS.TS Đinh Văn Sơn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cho biết, học phí "nhạy cảm" bởi nó ảnh hưởng tới hàng triệu gia đình.

Theo quan điểm cá nhân của PGS.TS Đinh Văn Sơn, khối trường đại học mà lâu nay vẫn gọi "công lập" phải công bố cụ thể bởi phải nghiêm túc thực hiện theo chế độ "3 công khai" gồm: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; công khai thu chi tài chính.

Trong khi đó, khối trường ngoài công lập dường như "mập mờ" khi thực hiện quy định này bởi một số lý do.

Chẳng hạn do mức học phí của các đơn vị này rất cao so với khối trường đại học công lập, nếu công khai rõ ràng sẽ khó tuyển sinh.

Việc công khai cả lộ trình tăng, sinh viên có thể tính được trong 4 năm học các em sẽ đóng bao nhiêu tiền nhưng việc không công khai lộ trình tăng, sinh viên rất khó nắm bắt.

Do vậy mới có chuyện nhiều trường đại học ngoài công lập ban đầu tuyển sinh với số lượng khả quan nhưng được vài năm, tỷ lệ sinh viên bỏ học rất lớn bởi trong quá trình học, các em tìm được trường khác có mức học phí vừa phải hơn.

"Phải công bố lộ trình tăng học phí để sinh viên tính toán được mức chi phí của các em trong cả khóa học.

Nếu tăng, nhà trường phải công bố cách thức tăng như thế nào. Mức học phí tăng bao nhiêu phải tính toán dựa trên thu nhập của người Việt Nam, không thể so sánh mức học phí của Việt Nam với nước ngoài bởi mặt bằng giá cả thị trường của các quốc gia khác nhau", GS Sơn nói.