Dạy online trong lớp offline: Giáo viên quay cuồng vì phải "phân thân"

Hoàng Hà Trang

(Dân trí) - F0 trong trường học càng tăng, các lớp học ngày càng vơi dần học sinh. Nhiều trường học đã quyết định kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy trực tuyến.

Dạy online trong lớp offline: Giáo viên quay cuồng vì phải phân thân - 1

Giáo viên đón học sinh trở lại trường (Ảnh: DT).

Giáo viên quay cuồng vì phải "phân thân"

Sau gần 2 tuần đi dạy trực tiếp, đến nay lớp thầy Phan Quốc Huy, giáo viên dạy Toán tại một trường THPT ở Vĩnh Phúc đã có đến 5 F0. Trái ngược với niềm vui hân hoan ngày trở lại học sau Tết, giờ đây lớp học mỗi ngày lại càng vắng thêm vài em học sinh.

Thầy Huy cho hay, một ngày của thầy rất vất vả. Vừa phải dạy trực tuyến, vừa dạy trực tiếp, có những lớp còn phải dạy kết hợp cả 2 hình thức. "Lịch dạy vào thứ 4 của tôi là căng thẳng nhất. Tiết 1 tôi phải dạy trực tuyến ở một lớp. Tiết 3 thì lại chạy về lớp mình chủ nhiệm để dạy trực tiếp cho các em trên lớp và chuẩn bị bài giảng trên slide cho các em đang phải học tập tại nhà. Một ngày cứ quay cuồng giữa online, offline rồi lại online khiến nhiều lúc tôi cảm thấy rất đau đầu và mệt mỏi".

Có cùng tâm trạng như thầy Huy, Cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên dạy Văn tại một trường THCS ở Nam Định chia sẻ: "Theo hướng dẫn chung của nhà trường, những lớp có F0 sẽ không đóng cửa cả lớp học, các em học sinh nào là F0, F1 sẽ được học trực tuyến ở nhà. Chính vì thế mà tôi đang cùng một lúc phải "vật lộn" với 2 hình thức dạy sao cho các em dù học trực tiếp hay trực tuyến cũng vẫn có thể tiếp thu đầy đủ kiến thức."

Mặc dù có kinh nghiệm dạy online đã gần 2 năm, tuy nhiên việc dạy song song "on-off" vẫn khiến cho cô Tâm phải loay hoay.

"Mỗi tiết học chỉ kéo dài 45 phút, việc chuẩn bị và kết nối các thiết bị đã chiếm khoảng ⅕ thời gian. Chưa kể đến mỗi buổi lên trường tôi phải dạy nhiều lớp. Dạy xong lớp này lại phải lỉnh kỉnh mang máy móc để sang lớp khác dạy tiếp. Trong quá trình dạy, tôi phải phân tâm cho 2 nhóm đối tượng, thỉnh thoảng lại phải nhìn vào màn hình máy tính hỏi các em học online có đang nắm được bài không."

Ngoài ra, cô Tâm còn tâm sự: "Cơ sở vật chất của trường vẫn chưa thể đảm bảo cho việc dạy học on-off một cách linh hoạt. Chính vì thế, với tôi cách dạy này chưa thật sự hiệu quả. Có những lúc wifi nhà trường chập chờn khiến các em "in-out" liên tục phải bỏ lỡ bài giảng; camera ghi hình thì chất lượng kém khiến cho hình ảnh bài giảng không được rõ nét, micro thu tiếng chứa nhiều tạp âm làm các em không tập trung vào bài học."

Cảm thấy việc dùng camera ghi hình bài giảng khiến cho quá trình dạy trở nên rắc rối hơn, cô Trần Thị Thu Hường, giáo viên tại một trường THCS ở Nam Từ Liêm, Hà Nội đã kết hợp việc trình chiếu slide bài giảng lên zoom và chiếu lên máy chiếu của lớp.

Cô Hường cho biết: "Với cách làm này, chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính tôi vẫn có thể chia sẻ bài học cho cả hai nhóm đối tượng học sinh học trực tiếp và trực tuyến. Nếu có thông tin gì cần bổ sung, tôi sẽ viết sang bên cạnh slide, như vậy các em học online có thể theo dõi được qua zoom. Còn các bạn học sinh đang học trực tiếp trên lớp nhìn lên máy chiếu cũng giống như tôi đang viết trên bảng. Điều này giúp cho các em dù là học theo hình thức nào cũng được học một giáo án giống như nhau".

Cũng theo cô, ở thời điểm này, việc dạy học kết hợp với ứng dụng công nghệ sẽ giúp cho giáo viên "nhàn" hơn rất nhiều. Điều này không chỉ giúp thầy cô không phải "chạy đi chạy lại" nhiều lần, mà còn khiến cho các em học sinh và phụ huynh cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Dạy online trong lớp offline: Giáo viên quay cuồng vì phải phân thân - 2

Giáo viên chật vật khi vừa dạy online, vừa dạy offline trong lớp học (Ảnh: QM).

"Chất lượng dạy học không được đảm bảo…"

Có con đang thuộc diện phải học online tại nhà, Chị Phạm Kim Dung (Vĩnh Phúc) cảm thấy vô cùng lo lắng bởi chị cảm thấy việc học "2 trong 1" không đảm bảo sự công bằng.

"Cá nhân tôi cảm thấy rằng, vừa học online vừa học offline trong cùng một lớp học, thầy cô sẽ giành sự quan tâm đến các bạn học trên lớp nhiều hơn. Còn các em học ở nhà phải tự theo dõi được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Bởi lẽ, dù có cố gắng đến đâu giáo viên cũng không thể phân thân chú ý để hai đối tượng học sinh cùng một lúc. Nếu như cứ một lúc nhìn vào máy tính, một lúc lại lên bảng giảng bài thì tôi cho rằng chất lượng dạy học của thầy và trò sẽ không được đảm bảo", chị Dung bày tỏ.

Có cùng nỗi lo với chị Dung, anh Nguyễn Mạnh Quang (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của việc học kết hợp này.

"Khi đang giảng bài, các thầy cô sẽ không thể chuyển slide liên tục, cũng như không thể theo dõi được các em đang học online có đang nghe rõ được hay không. Bởi nhiều khi mạng bị gián đoạn kết nối, các em phải thoát ra vào lại là đã không thể theo kịp những gì giáo viên nói. Nếu như các em không tự giác hỏi lại thì chắc chắn các thầy cô cũng không thể nắm bắt được. Vậy nên theo tôi, kiểu học nửa nọ nửa kia này sẽ xuất hiện một bộ phận các em học sinh bị bỏ lại phía sau".

Hiểu được sự vất vả của các giáo viên khi phải dạy kết hợp nhiều hình thức cùng một lúc, chị Trần Thị Huệ (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng các thầy cô có thể sẽ bị "quả tải" nếu không có cách triển khai khoa học hơn.

"Trước đây, chỉ riêng việc học trực tuyến đã khiến cho nhiều giáo viên phải chật vật vì vừa phải làm giáo án điện tử, vừa phải phân bổ thời lượng học sao cho hợp lý. Ấy vậy mà nay khi "on-off" kết hợp thì lại phải chuẩn bị thêm cả bài giảng trực tiếp nữa. Áp lực là nhân đôi, chưa kể đến có những thầy cô còn phải dạy nhiều khối khác nhau. Việc phải liên tục đảm nhiệm "nhiều vai" như thế có thể sẽ khiến giáo viên không thể tập trung giảng dạy. Khi đó, các em học sinh cũng phải chịu thiệt thòi không nhỏ", chị Huệ tâm sự.

Nhiều phụ huynh cũng cho rằng, có thể triển khai dạy học theo 2 hình thức, nhưng cần phải có sự phân tách và áp dụng linh hoạt hơn vừa để giảm tải áp lực cho thầy cô, cũng là để cho các em học sinh được học tập tốt hơn.

"Đối với các em học sinh được đi học trực tiếp, giáo viên vẫn tiếp tục dạy ở trên lớp vào các buổi học chính khóa. Còn lại, với các em bị F0 và F1, mong rằng các thầy cô sắp xếp thời gian dạy cho đối tượng học sinh này vào buổi tối. Xếp lớp một cách linh hoạt như vậy có thể đảm bảo chất lượng dạy và học cho từng nhóm đối tượng khác nhau", anh Quang bày tỏ quan điểm.