Dạy học trực tuyến: Áp lực "trăm dâu đổ đầu tằm"!

(Dân trí) - Giáo viên đã "xoay như chong chóng" cho những bài dạy online lại còn phải chịu vô số áp lực trước cảnh "trăm dâu đổ đầu tằm". Thương thay…

Việc dạy học trực tuyến trên các nền tảng công nghệ đang được triển khai ở các cấp học ở nhiều địa phương. Suốt mấy tuần qua, thầy và trò nơi nơi mải miết tập tành sử dụng phần mềm kết nối và thực hành những bài học đầu tiên.

Dạy học trực tuyến: Áp lực trăm dâu đổ đầu tằm! - 1

Do không có thiết bị quay phim chuyên dụng nên cô giáo dùng điện thoại để làm video dạy học (Ảnh: Bảo Kỳ).

Sau những trục trặc ban đầu về lỗi kết nối cùng những lao xao cảm xúc trong lần đầu tiên sử dụng Zoom, Google Meet để dạy online, những giờ học kết nối giữa thầy và trò đã dần đi vào khuôn nếp. Nụ cười đã bừng nở trên gương mặt nhà giáo sau những nỗ lực cho bài giảng "êm" và "mượt".

Dẫu vậy, lòng chúng tôi cũng ít nhiều sóng sánh muộn phiền bởi áp lực "làm dâu trăm họ" trong những giờ học trực tuyến. Hãy thử tưởng tượng bạn đang ngồi trước màn hình kết nối với khoảng bốn chục tài khoản, với hàng trăm đôi mắt, đôi tai quan sát, lắng nghe từng lời giảng của bạn qua lớp học ảo.

Ở đó không chỉ có học sinh đang chăm chú nghe giảng mà còn vô số thành viên trong gia đình các em với nhiều lứa tuổi khác nhau. Rồi Ban giám hiệu dự giờ online, nhắc nhở và góp ý liên tục sau giờ dạy. Dư luận từ các trang mạng xã hội cũng mon men đánh tiếng khen chê khiến những giờ dạy của thầy - trò vượt ra khỏi khuôn khổ ban đầu. Rồi những kẻ "phá rối" tinh vi len lỏi vào kiểm soát quyền điều hành…

Giáo viên không phải ai cũng đều rành công nghệ để xử lý những tình huống bất ngờ trong quá trình online. Thế nên không ít lần trò bị "out", "đá" ra khỏi lớp rồi mon men vào lại. Lỗi phần mềm rồi những trục trặc do trò quên tắt míc hay thầy chưa trình chiếu bài giảng cứ thế khiến bài học liên tuc đứt quãng. Cảm xúc cho bài dạy cứ hao hụt dần sau mỗi lúc trò vào lớp trễ lại lao xao "Cô ơi…", "Thầy ơi…".

Thế rồi không ít lần những bình luận kém duyên của phụ huynh tình cờ lọt vào lớp học: "Cô giáo mù công nghệ à?", "Thầy nói giọng dở ghê!"… Đó là còn chưa kể tiếng nói chuyện, tranh cãi của phụ huynh cứ dội oang oang vào lớp khiến thầy trò không thể tập trung.

Ngôn ngữ, phong cách giảng dạy của người thầy không chỉ hướng về phía đối tượng học sinh mà còn phải chỉn chu hơn trong lời nói, ngữ điệu. Bởi giáo viên đang giảng bài cho cả gia đình học sinh cùng nghe. Thỉnh thoảng muốn pha trò đôi ba câu cho không khí buổi học bớt căng thẳng hay lân la chuyện trò, thăm hỏi tình hình học sinh cũng chẳng thể thực hiện bởi nếu không khéo léo sẽ bị đánh giá "toàn nói chuyện tầm phào"!

Cái khó đối với người thầy chúng tôi hiện tại là hoàn toàn bị động trong hành trình dạy học online còn dài phía trước. Thú thật, chúng tôi chưa hề được chuẩn bị kỹ càng cho việc chuyển đổi từ lớp học truyền thống sang lớp học ảo.

Mọi thứ đều manh nha bắt đầu trong hoang mang và áp lực. Các phần mềm miễn phí trên mạng được tận dụng, ngoài 1 buổi trường tập huấn thì chủ yếu mày mò qua các clip hướng dẫn. Chương trình dạy trực tuyến kéo dài bao lâu, giảm tải thế nào, kỹ năng kết nối với học sinh và phụ huynh… đều còn bỏ ngỏ.

Mãi đến ngày 13-9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa ban hành công điện số 905 chỉ đạo một số nội dung dạy học ứng phó dịch Covid-19. Và việc tập huấn kỹ năng sử dụng các phần mềm để dạy học trực tuyến được Bộ lên kế hoạch thực hiện từ ngày 21-9 như một giải pháp "gỡ rối" cho giáo viên trong quá trình lên lớp ảo.

Trong khi đó, việc dạy học trực tuyến ở các tỉnh thành đã tiến hành từ ngày 6-9. Giáo viên đã "xoay như chong chóng" cho những bài dạy online lại còn phải chịu vô số áp lực trước cảnh "trăm dâu đổ đầu tằm". Thương thay…