Dạy học sinh nhận lì xì "tinh tế"

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Nhận lì xì - một phong tục đẹp ngày Tết đang dần bị hiểu sai với những câu nói của bố mẹ tưởng như đùa nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến các bé như "con là lao động chính ngày Tết".

Nhiều bạn nhỏ đã vô tư bóc lì xì, thể hiện thái độ không hài lòng khi thấy có ít tiền, "quên" nói lời cảm ơn… Vì vậy các bạn nhỏ cần được hiểu đúng về phong tục này và được hướng dẫn những hành vi, thái độ "tinh tế" khi nhận lì xì.

Giúp con trẻ hiểu đúng về phong tục nhận lì xì

Trong buổi học cuối năm của bộ môn Lối sống, các bạn học sinh lớp 2 một trường phổ thông ở Hà Nội được tìm hiểu về nguồn gốc phong tục nhận lì xì ngày Tết.

Dạy học sinh nhận lì xì tinh tế - 1

Hành vi đẹp của các bạn nhỏ khi nhận lì xì (Ảnh: L.P).

Sau khi được hiểu về nguồn gốc của phong tục nhận lì xì, một học sinh chia sẻ "Con thấy đây là một phong tục thật ý nghĩa, bây giờ con sẽ thêm trân trọng những phong bao lì xì hơn vì mỗi một phong bao là một lời chúc may mắn, bình an và bảo vệ con những điều không may mắn của cả năm".

Chỉ qua câu chuyện ngắn này, các bạn nhỏ sẽ hiểu được ý nghĩa của những bao lì xì là mong muốn mang đến sự an bình, điều tốt lành, che chở, bảo vệ trẻ khỏi những điều xấu xa. Do đó trẻ không được kỳ vọng về số tiền mà mình nhận được.

Dạy học sinh nhận lì xì tinh tế - 2

Giáo viên dạy học sinh cách chào hỏi và cảm ơn khi người lên đến nhà chúc Tết (Ảnh: L.P).

Làm sao để nhận lì xì "tinh tế"?

Sau khi được tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của phong tục nhận lì xì, cô Lê Phương, giáo viên Văn - Tiếng Việt, Trường phổ thông Deway đã đặt các bạn học sinh vào những tình huống cụ thể khi nhận lì xì trong các tiểu phẩm đóng vai. Sau đó, cô Phương cùng với các bạn học sinh phân tích và đưa ra thái độ, hành vi ứng xử phù hợp.

Các tình huống đó là khi các bạn gặp người lớn đến chúc Tết, cần phải nói lời chào hỏi, cảm ơn ra sao. Là tình huống một cô bé đến nhà ông bà đòi tiền lì xì và tỏ thái độ chê tiền lì xì ít.

Khi đó, cô giáo đã hướng dẫn các con nhận biết đó là thái độ không đúng, các em phải nhận lì xì bằng hai tay và cảm ơn người tặng lì xì cùng với một câu chúc Tết, đồng thời các bạn không nên mở phong bao lì xì ngay lúc đó mà nên cất giữ cẩn thận.

Cô Phương chia sẻ: "Lì xì là một trong những phong tục đẹp ngày Tết của dân tộc ta, tuy nhiên văn hóa này ngày càng bị hiểu khác đi với những quan niệm sai lầm mà người lớn mang lại cho trẻ.

Rất nhiều bố mẹ đăng lên mạng xã hội chia sẻ rằng, con là "lao động chính" trong ngày Tết, ngầm hiểu rằng việc nhận lì xì là một hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận cho bố mẹ.

Chính những hành động này khiến cho con trẻ hiểu sai về phong tục nhận bao lì xì và có cách hành xử chưa đẹp.

Vì vậy, tôi tổ chức tiết học này để giúp các con hiểu về nguồn gốc của việc nhận phong bao lì xì, biết được một phong tục đẹp của dân tộc để các con duy trì và lan tỏa đến với các bạn bè và người thân xung quanh.

Việc đặt các con vào các tình huống cụ thể qua các tiểu phẩm giúp các con cùng nhìn thấy thực tế, cùng nhau suy nghĩ và đưa ra hành động đẹp khi nhận lì xì ngày Tết".

Dạy học sinh nhận lì xì tinh tế - 3

Hiểu thêm về phong tục đẹp ngày Tết cho thế hệ Gen Z, Alpha (Ảnh: L.P).

Trải dài trên đất nước hình chữ S, Tết vẫn là một dịp lễ hội thật đặc biệt với tất sự háo hức đón chờ. Mỗi một vùng miền cũng có những phong tục tập quán đón Tết khác biệt tạo nên sự đa dạng văn hóa độc đáo mà ít nơi có được.

Nhằm giúp học sinh hiểu được sự khác biệt vùng miền trong ngày Tết cổ truyền, mới đây, ngôi trường nơi cô Phương đang giảng dạy đã tổ chức sự kiện Chợ Tết ba miền.

Theo đó, học sinh đã được tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, địa lý của các vùng miền của cả nước và tái hiện lại đặc trưng Tết của một vùng miền được bốc thăm trước đó.

Dạy học sinh nhận lì xì tinh tế - 4

Mô hình nhà Rông - đặc trưng nổi bật của tây Nguyên được các bạn học sinh tái hiện lại (Ảnh: L.P).

Sự kiện Chợ Tết ba miền như một buổi báo cáo sản phẩm học tập của các bạn học sinh với đa dạng hình thức thể hiện: Là poster, video, trang phục, ẩm thực…, và cả cách bày biện trang trí gian hàng.

Hơn cả những bài học về địa lý, lịch sử trên những trang sách, với cách tiếp cận kiến thức đi từ trải nghiệm thực tế giúp cho các bạn học sinh hào hứng và chủ động với kiến thức mới.

Trong quá trình thực hiện, học sinh được mở rộng hiểu biết về các phong tục tập quán trên khắp đất nước chứ không chỉ dừng lại tại địa phương mà các em đang sinh sống.

Dạy học sinh nhận lì xì tinh tế - 5

Mô hình nhà sàn vùng Trung du miền núi phía Bắc (Ảnh: L.P).