Thất vọng vì lì xì "mỏng": Thế hệ trẻ trở nên thực dụng hơn

Hà Mi

(Dân trí) - Lì xì là một hoạt động không thể thiếu mỗi dịp Tết đến. Tình trạng lì xì mệnh giá cao khiến nhiều trẻ trở nên thực dụng, coi trọng giá trị tiền bạc nhiều hơn ý nghĩa văn hóa của lì xì.

Sau những ngày Tết, hiện tượng trẻ em thành phố có được "nguồn thu" từ lì xì lên đến 2-3 triệu đồng đã trở thành một việc bình thường những năm gần đi. Thậm chí, nhiều trẻ còn khoe "kiếm" tới chục triệu chỉ trong vỏn vẹn một tuần lễ. Việc các em có thể đạt được một số tiền lớn trong thời gian ngắn khiến nhiều người lo ngại thế hệ sau sẽ ngày càng trở nên thực dụng hơn.

Thất vọng vì lì xì mỏng: Thế hệ trẻ trở nên thực dụng hơn - 1

Lì xì là nét đẹp mỗi dịp Tết đến (Ảnh: Freepik).

Được lì xì cũng giống như người lớn kiếm tiền?

Trần Hoàng Linh (14 tuổi) chia sẻ rằng mình thường nhận được khoảng 10 triệu tiền lì xì mỗi năm. Mệnh giá em thường nhận được là 200.000 đồng. Nếu nhận được tờ tiền thấp hơn, Linh cảm thấy một chút buồn.

Cùng suy nghĩ, Đào Diệu Anh (12 tuổi) cho biết nếu nhận được tờ tiền thấp hơn kì vọng, em cũng có chút bối rối nhưng vẫn nhận để bày tỏ lòng biết ơn. Ngoài ra, em cho biết bản thân từng trao đổi với bạn bè về số tiền lì xì mình nhận được vào dịp Tết.

Diệu Anh bộc bạch: "Em cảm thấy bình thường với những cuộc trò chuyện như vậy. Tuy nhiên, những lúc em nhìn thấy bạn có nhiều hơn mình thì cũng không thoải mái lắm. Ngược lại, nếu thấy mình nhiều tiền hơn bạn, em cũng có chút vui nhưng nhiều phần vẫn muốn cảm thông, chia sẻ với bạn hơn".

Thất vọng vì lì xì mỏng: Thế hệ trẻ trở nên thực dụng hơn - 2
Nhiều trẻ có được số tiền lớn chỉ từ việc nhận lì xì. (Ảnh: Freepik)

Phan Xuân Phúc (16 tuổi) cho rằng lý do các bạn nhỏ quan tâm tới chuyện lì xì là vì quan niệm rằng có nhiều tiền đồng nghĩa với việc mình sướng hơn dù không sử dụng tới số tiền đó. "Sau này, khi lớn hơn như độ tuổi của em thì các bạn có thể giữ lại tiền lì xì nên luôn trông mong nhận được nhiều nhất để có thể sử dụng", Phúc phân tích.

Bên cạnh đó, Diệu Anh phỏng đoán một số bạn nhỏ muốn được giống như người lớn nên quan tâm hơn tới tiền lì xì: "Người lớn thường được chi tiêu, dành dụm tiền bạc với mục đích riêng của cá nhân bản thân mình". Vì không thể tự kiếm tiền nên trẻ thường coi đây là tiền của riêng mình. Do vậy, em cho rằng đa phần các bạn nhỏ thích lì xì là vì được nhiều tiền như người lớn.

Bên cạnh việc được nhận tiền, cả ba bạn nhỏ đều thích nhận lì xì còn bởi vì được nhận những lời chúc tốt đẹp, nhiều điều may mắn từ mọi người. Linh chia sẻ: "Đối với em việc lì xì mang đến sự may mắn, thể hiện sự cầu chúc một năm mới hạnh phúc và bình an".

Xuân Phúc nhận thấy việc nhận được lì xì mệnh giá cao sẽ làm cho giới trẻ trở nên thực dụng hơn: "Có một số người sẽ cảm thấy không vui vẻ khi nhận được mệnh giá họ coi là ít thì họ sẽ không vui vẻ. Những người như vậy chỉ quan tâm tới tiền lì xì mà quên mất ý nghĩa của những phong bao mình nhận được".

Trong khi đó, Diệu Anh thấy việc một bạn nhỏ có thực dụng hay không phụ thuộc vào cách họ sử dụng số tiền lì xì của mình. Với số tiền lì xì của mình, em đã từng dùng để quyên góp cho những hoàn cảnh khó khăn.

"Nếu trẻ chỉ sử dụng số tiền lì xì để tiêu xài hoang phí thì chắc chắn là thực dụng. Nhưng nếu thay vào đó, họ đem đi từ thiện hay sử dụng cho những việc có ý nghĩa, thậm chí dành dụm cho tương lai thì em nghĩ không hề thực dụng chút nào"

Vấn đề trẻ con thực dụng là do hành xử của người lớn

Anh Quân (40 tuổi), bố của Diệu Anh, chia sẻ anh hay lì xì cho trẻ 50.000 - 100.000 đồng. Đây cũng là mức chị Nguyễn Thị Hương Giang (40 tuổi) thường xuyên lì xì: "Tùy theo mức thân thiết của mối quan hệ, mức lì xì cũng có sự thay đổi khác nhau". Cả hai đều không cảm thấy việc lì xì gây áp lực tài chính.

Ngược lại, Thúy (30 tuổi) bộc bạch kể từ khi Covid tới, việc phải lì xì cũng có phần áp lực hơn: "Nhà đông trẻ con là một chuyện, một phần khác vì Covid khó khăn, mọi chi tiêu cũng cần phải tính toán chi li vì không biết được mai sẽ lại như thế nào".

Với tâm lý lì xì đem lại may mắn cho trẻ, anh Quân và chị Giang đều không ngần ngại lì xì trẻ với mệnh giá dưới 50.000 đồng. Anh Quân cho biết: "Điều quan trọng là thể hiện tấm lòng. Theo tôi, việc lì xì bao nhiêu cũng được nhưng cần có sự bình đẳng, không phân biệt ít nhiều".

Thất vọng vì lì xì mỏng: Thế hệ trẻ trở nên thực dụng hơn - 3
Số tiền lì xì tuy nhỏ với người lớn nhưng lại có giá trị lớn với trẻ. (Ảnh: Freepik)

Với trẻ trong nhà, Thúy có cách lì xì đặc biệt bằng cách bốc thăm may mắn với đa dạng số tiền đề làm phân tán suy nghĩ "được lì xì ít, lì xì nhiều". Những bé nhận được mệnh giá thấp hơn thường sẽ được tặng thêm kẹo hoặc hộp màu. "Mình thấy làm như vậy vừa vui và bản thân cũng không phải lấn cấn với số tiền trong bao phải lớn hay nhỏ hơn bao nhiêu".

Theo chị Giang, việc lì xì mệnh giá cao hay thấp là cách tính toán của người lớn, là cách ứng xử qua lại giữa các mối quan hệ: "Cách lì xì của mỗi người đều có sự cân đối về tài chính và quan hệ. Thực dụng hay không là do suy nghĩ của người lớn chúng ta, các bé cũng sẽ bị nhiễm phần nào".

Anh Quân chia sẻ cũng từng nghĩ tới vấn đề này: "Việc lì xì mệnh giá quá cao sẽ khiến con trẻ hiểu sai về phong tục lì xì. Chúng sẽ có những suy nghĩ như: người giàu lì xì nhiều, người nghèo lì xì ít, dẫn đến để ý đến số tiền được lì xì và có những thái độ phân biệt, so sánh".

Ngay với các con của mình, chị Hương Giang cũng từng bắt gặp lúc trẻ so sánh mệnh giá, phàn nàn hay ý kiến chê bao lì xì ít: "Mình nghĩ đó là cảm xúc bình thường của trẻ nhưng cũng giải thích cho con hiểu ý nghĩa lì xì là tình cảm, yêu thương, lời chúc mừng năm mới".

Nhà chị Giang có ba bé hiện ở độ tuổi tiểu học và THCS nên chị để cho các con tự thảo luận và lên kế hoạch sử dụng tiền lì xì của mình. Chị cho biết: "Ngay từ nhỏ, tôi thường sát sao cũng như chia sẻ với con về sử dụng tiền nên khoản tiền lì xì thì tôi khá thoải mái cũng như tin tưởng vào cách sử dụng tiền lì xì của các bé".

Dù có kế hoạch chi tiêu nhưng các bé vẫn gửi tiền cho mẹ giữ, khi nào cần mua sắm đều xin ý kiến bố mẹ. Chị Giang chia sẻ các con thường xin mua sách truyện, đồ dùng học tập hay góp quỹ từ thiện trên trường, đóng chi phí cho hoạt động dã ngoại hay giữ tiền mua quà sinh nhật tặng bạn.

Khác với người lớn, một tờ tiền tưởng chừng nhỏ lại là một khoản tiền lớn đối với trẻ. Do đó, nếu không cẩn thận sẽ tạo nên tâm lý thực dụng cho trẻ, cho rằng tiền có thể dễ dàng kiếm được. Lì xì Tết không nên là công cụ đánh giá sự giàu nghèo, mà nên là cách gửi gắm lời chúc đầu xuân ý nghĩa.