Đào tạo tài năng ở đại học: Cần định vị được sự khác biệt của sinh viên

Hương Giang

(Dân trí) - Về đào tạo tài năng ở trường đại học, GS. Đàm Trung Đồn, cho rằng, nên định vị được sự khác biệt và sự nổi trội về chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp so với các chương trình đào tạo chuẩn.

Vừa qua, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức tọa đàm "Xây dựng quy định đào tạo tài năng, chất lượng cao ở ĐHQGHN". Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải chủ trì tọa đàm.

Chất lượng cao chưa khác biệt với chương trình chuẩn

Trình bày dự thảo Quy định về đào tạo nguồn nhân lực tài năng, chất lượng cao theo hướng cá thể hóa trình độ đại học tại ĐHQGHN, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo cho biết, ĐHQGHN đã đào tạo 653 sinh viên theo học 04 chương trình cử nhân khoa học tài năng: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Các chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng ở ĐHQGHN được đánh giá cao từ các nhà tuyển sinh.

Nhiều sinh viên của chương trình đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế; Các sản phẩm khoa học được báo cáo trong nước và quốc tế; Đồng thời, thúc đẩy sự đổi mới phương pháp giảng dạy tại các đơn vị và thúc đẩy sự phát triển của các trường THPT chuyên.

Đào tạo tài năng ở đại học: Cần định vị được sự khác biệt của sinh viên - 1

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, ĐH QGHN

Tuy nhiên, GS Đức thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai như số chương trình đào tạo (CTĐT) tài năng còn ít so với tổng số CTĐT hiện nay của ĐHQGHN và mới chỉ dừng lại ở khối ngành Khoa học cơ bản của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên mà chưa được mở rộng tới các ngành khoa học mũi nhọn khác. 

Việc mở CTĐT chất lượng cao mới chỉ tập trung ở một số ngành/chuyên ngành, trong đó chủ yếu là các ngành thuộc khối kinh tế, ngoại ngữ - những ngành có nhu cầu xã hội cao, mà chưa lan tỏa rộng đến được các ngành khoa học cơ bản;

Một số CTĐT chất lượng cao nhưng chưa thật sự có sự khác biệt với CTĐT chuẩn, chưa thu hút được nhiều ứng viên giỏi, xuất sắc tham gia vào các CTĐT chất lượng cao.

Cần định vị được sự khác biệt

Tại buổi tọa đàm, GS. Đàm Trung Đồn nguyên phụ trách khối Cử nhân Khoa học tài năng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cho rằng, các lĩnh vực đào tạo hiện nay mang tính liên ngành cao, vì vậy, cần cân nhắc trong việc đặt tên và xây dựng chương trình đào tạo như: Tài năng Khoa học Tự nhiên, Tài năng Khoa học Xã hội và Nhân văn…

Cũng theo GS. Đàm Trung Đồn, cần thiết định vị được sự khác biệt và sự nổi trội về chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp so với các chương trình đào tạo chuẩn.

Đào tạo tài năng ở đại học: Cần định vị được sự khác biệt của sinh viên - 2

GS. Đàm Trung Đồn nguyên phụ trách khối Cử nhân Khoa học tài năng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN 

Nói về hướng xây dựng chương trình đào tạo tài năng, GS. Nguyễn Văn Mậu, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cho biết, cần căn cứ vào các nghị quyết, chương trình hành động chung của Đảng, Nhà nước và nhu cầu xã hội để xây dựng mục tiêu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận trình độ quốc tế và được quốc tế thừa nhận. Đặc biệt, sinh viên hệ đào tạo cử nhân tài năng phải đạt được kết quả vượt trội, được chuyển tiếp nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp.

Mục đích của việc xây dựng các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao là tìm kiếm, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những sinh viên có năng lực học tập và nghiên cứu vượt trội, có năng lực sáng tạo và đam mê nghiên cứu khoa học để trở thành những sinh viên giỏi, có sản phẩm nghiên cứu khoa học, có khả năng hội nhập quốc tế.

Đồng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho rằng cần xây dựng công cụ, tiêu chí đánh giá, phát hiện nhân tài từ các bậc học Trung học cơ sở, Trung học phổ thông… GS Thanh cũng đưa ra ý kiến về việc công nhận tín chỉ giữa các bậc học, chương trình đào tạo nhằm rút ngắn thời gian học tập đối với các tài năng.

Đào tạo tài năng ở đại học: Cần định vị được sự khác biệt của sinh viên - 3

ĐHQGHN tiếp tục mở rộng các chương trình đào tạo tài năng theo hướng cá thể hóa.

Mở rộng đối tượng đào tạo tài năng

Kết luận tọa đàm, Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, sứ mệnh của ĐHQGHN là phát triển và đào tạo tài năng, với tiền đề sẵn có, ĐHQGHN cần tiếp tục mở rộng các chương trình đào tạo tài năng theo hướng cá thể hóa, mở rộng đối tượng đào tạo tài năng, không chỉ dừng lại ở các ngành Khoa học cơ bản.

Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, các chương trình đào tạo tài năng ở ĐHQGHN có thể chia theo lĩnh vực: Tài năng Khoa học Tự nhiên, Tài năng Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tài năng Văn hóa - Nghệ thuật - Thể thao, Tài năng Khoa học liên ngành, Tài năng Lãnh đạo quản lý; Tài năng Quản trị công nghệ.

Theo Phó Giám đốc ĐHQGHN, thành viên tổ công tác cần tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới về cách thức tổ chức đào tạo, phân chia lĩnh vực, cách tìm kiếm tài năng; Lên kế hoạch triển khai cho từng lĩnh vực tài năng: bộ công cụ đánh giá nhân tài, mục tiêu của từng lĩnh vực, đội ngũ nhân lực tham gia giảng dạy các chương trình này cũng phải có trình độ cao.