Đào tạo nghề cho lao động miền núi: Nhiều nghề mới mang lại thu nhập cao

Đăng Đức

(Dân trí) - Qua công tác đào tạo nghề, người lao động được tiếp cận những kỹ thuật mới để áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế cao.

Hàng ngàn người được đào tạo nghề

Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thuộc địa bàn miền núi, với gần 50% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều - Pa Kô, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Hướng Hóa chú trọng xây dựng các mô hình đào tạo nghề, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Hiện nay, địa phương đã hình thành nhiều mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh những nghề truyền thống trồng trọt, chăn nuôi, đã hình thành nhiều nghề mới: May công nghiệp, xây dựng, du lịch, tre thủ công…

Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) đã tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp cho 70 học viên. Sau khi hoàn thành khóa học 100% học viên được cấp chứng chỉ và được Nhà máy may Lao Bảo nhận vào làm việc, với mức lương cơ bản từ 3-4 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.

Ngoài ra, thông qua các lớp đào tạo nghề về kỹ thuật xây dựng, hàng trăm học viên được nhận vào làm việc tại các công ty xây dựng trên địa bàn với mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Mô hình sản xuất chổi đót, làm hương cũng tạo việc làm cho gần 150 lao động, thu nhập bình quân của người lao động từ 1-1,5 triệu đồng/tháng; một số lao động ở vùng sâu, vùng xa tự tạo việc làm tại chỗ, có thu nhập ổn định.

Theo báo cáo, từ năm 2010 đến nay, số lao động nông thôn trên địa bàn huyện Hướng Hóa được đào tạo và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật gần 8.000 người, bình quân mỗi năm đào tạo gần 800 lao động. Trong đó, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng hơn 3.000 người.

Ông Phạm Công Vũ - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hướng Hóa cho biết, hàng năm, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan đơn vị rà soát nhu cầu học nghề của người dân, đảm bảo được tạo việc làm sau học nghề.

Theo ông Vũ, ngoài việc tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ, Trung tâm cũng mời các kỹ sư, thợ bậc cao trong các doanh nghiệp tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

"Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước được nâng lên; lệ lao động qua đào tạo năm 2010 từ 14.84% lên 33.97% vào cuối năm 2019; trên 70% người lao động sau học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ; một số lao động có tay nghề đã được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất", ông Vũ cho biết.

Bên cạnh việc tổ chức đào tạo nghề tại huyện, Trung tâm GDNN-GDTX đã phối hợp với các xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tích cực tổ chức đào tạo nghề tại chỗ để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề, đồng thời, gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất và gắn lý thuyết với thực hành.

Lao động tự tạo việc làm, hiệu quả kinh tế cao

Sau quá trình học nghề, nhiều lao động nông thôn đã tự tạo việc làm tại chỗ. Nhiều lao động áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật nên đã mạnh dạn mở rộng sản xuất các sản phẩm có năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Nhận thấy việc chăn nuôi dê phù hợp với điều kiện tại địa phương, anh Ngô Quang Vũ (SN 1995, trú ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) mạnh dạn bắt tay vào xây dựng mô hình và bước đầu mang lại hiệu quả.

Đào tạo nghề cho lao động miền núi: Nhiều nghề mới mang lại thu nhập cao - 1

Từ hơn chục con giống, Vũ đã phát triển đàn dê thành hàng trăm con (Ảnh: Q.V).

Năm 2014, qua tìm hiểu thông tin từ sách báo, anh Vũ tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi dê nên quyết định dành số tiền mình tích góp để đầu tư hơn 10 con giống nuôi thử nghiệm. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, nên dê bị bệnh tật và chết dần. Về sau, anh Vũ nghiên cứu thêm kỹ thuật chăn nuôi và sớm khắc phục những thiếu sót.

Đến nay, đàn dê của anh Vũ đã phát triển hơn 130 con, mang lại nguồn thu nhập mỗi năm từ 200-250 triệu đồng.

Tương tự, mô hình du lịch nông nghiệp của chị Hồ Thị Phượng và em trai Hồ Hữu Thăng (ở Khóm 1, thị trấn Khe Sanh) cũng thể hiện hướng đi mới, đột phá ở địa phương. Vốn có kinh nghiệm từ gia đình làm nghề nông, hai chị em Thăng miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp sạch, lấy tên là Khe Sanh Valley Farm.

Mo hinh kinh te.jpeg

Vốn có kinh nghiệm về nông nghiệp, anh Thăng mạnh dạn xây dựng mô hình, vừa phục vụ tham quan (Ảnh: Ngọc Trang).

Đào tạo nghề cho lao động miền núi: Nhiều nghề mới mang lại thu nhập cao - 3

Mô hình nông nghiệp, du lịch của chị Hồ Thị Phượng và em trai Hồ Hữu Thăng mang lại hiệu quả cao (Ảnh: Đăng Đức).

Trên vùng đất đồi rộng 7 ha, anh Thăng quy hoạch thành vườn cây ăn quả, trồng hoa theo mùa, chăn nuôi, đào ao thả cá và xây dựng các tiểu cảnh phục vụ người dân đến vui chơi, du lịch.

Sau 3 năm vừa làm, vừa học hỏi, đến nay, mô hình kinh tế của anh Thăng cơ bản hoàn thiện với 5 hồ cá có tổng diện tích trên 1 ha, đồng thời, dựng các nhà chòi tre làm nơi câu cá và hóng mát, giải trí cho du khách;...

Huyện Hướng Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55%, qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ 42%; tầm nhìn đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó số lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt trên 55%. Giải quyết việc làm bình quân hàng năm từ 1.300-1.400 lao động giai đoạn 2021-2025.

Gắn đào tạo nghề với hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho lao động sau đào tạo, ít nhất 90% số người học phi nông nghiệp có việc làm mới; 100% người học nghề nông nghiệp có việc làm hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề.