Đại sứ Pháp nhắn SV Việt cần học "nhiều hơn một ngoại ngữ" để không thua thiệt

(Dân trí) - “Thế giới hôm nay, giới trẻ cần phải biết tiếng Anh. Nhưng trong thế giới ngày mai, nếu muốn nổi bật thì giới trẻ cần biết nhiều hơn một ngoại ngữ", Đại sứ Pháp tại Việt Nam - ông Bertrand Lortholary, chia sẻ.

Ngày 27/7, chương trình Hội nghị Thanh niên Việt Nam Mô phỏng Liên Hợp quốc - VYMUN 2017 đã được khai mạc tại Hà Nội thu hút đông đảo sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Với chủ đề “Trận thư hùng thế kỉ: Toàn cầu hóa hay dân tộc hóa?”, quy mô chương trình năm nay được mở rộng với nhiều vấn đề nóng bỏng toàn cầu về kinh tế, chính trị và văn hóa.

Tại chương trình, các bạn trẻ đã có cơ hội trò chuyện, trao đổi với hai vị khách mời đặc biệt: Nguyên Phó Thủ tướng phụ trách Kinh tế - Đối ngoại Việt Nam (giai đoạn 2002-2006) Vũ Khoan và Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary.

Với sự cởi mở, thân thiện, hai vị khách mời đã có những chia sẻ về vấn đề toàn cầu hóa, dân tộc hóa, đặc biệt là nhiệm vụ của giới trẻ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.


Chương trình thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ.

Chương trình thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ.

Sinh viên Việt cần gìn giữ bản sắc dân tộc

Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Vũ Khoa đã thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu của người Việt Nam qua câu chuyện sửa xe máy, rằng người Việt không chỉ cần cù mà vô cùng khéo léo nhưng lại lười sáng tạo ra cái mới.

Từ đây, ông nhấn mạnh giới trẻ Việt cần thay đổi tính cách để vươn mình trong xu hướng toàn cầu hóa thế giới. Nói vậy không có nghĩa là hòa tan, giới trẻ cần hội nhập vì không ai có thể sống đơn độc nhưng cần phải bảo vệ, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Trích dẫn câu nói của ông cha "cái đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại", nguyên Phó Thủ tướng cho rằng cả đẹp và xấu cần phô ra để biết cái gì cần sửa và sửa như nào. Ông nói: “Điểm mạnh của chúng ta là yêu nước, sẵn sàng xả thân nếu đất nước bị động đến và chúng ta cần phát huy điều đó qua việc gìn giữ bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, điểm yếu như nước đến chân mới nhảy cần sửa đổi. Đừng quá tự ti dân tộc mà cũng đừng quá tự tôn dân tộc.


Ông Vũ Khoa có những chia sẻ thẳng thắn với các bạn trẻ tại chương trình.

Ông Vũ Khoa có những chia sẻ thẳng thắn với các bạn trẻ tại chương trình.

Dân tộc là cái hình thành sớm nhất và cũng mất đi muộn nhất. Chúng ta không thể nói toàn cầu hóa “thắng thế” dân tộc hóa và ngược lại. Chúng ta cần có bản sắc dân tộc để hội nhập vì đó là cái chỉ riêng ta có. Đừng đưa toàn cầu hóa hay dân tộc hóa vào những phe đối lập, hãy để chúng trong một mối quan hệ”.

Nói thêm về vấn đề này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng việc tranh chấp giữa các quốc gia không hẳn do toàn cầu hóa gây nên mà nguyên nhân xuất phát từ sự va chạm các lợi ích giữa các quốc gia.

Từ đây, ông cũng gửi gắm tới các bạn trẻ về cách giao tiếp trong bối cảnh hiện nay: “Để có thể giao tiếp hay đàm phán với bạn bè hoặc những mối quan hệ đối lập thì mọi “thủ đoạn đàm phán” hay “nghệ thuật đàm phán” không quan trọng, chúng ta phải tìm được tiếng nói chung, nhìn ra được sự trùng khớp lợi ích đôi bên để từ đó đạt được kết quả như mong muốn”.

Đại sứ Pháp nhắn nhủ giới trẻ khắc phục tính ỉ lại

Chia sẻ về chủ đề “Toàn cầu hóa và Dân tộc hóa”, Đại sứ Pháp Bertrand Lortholary cho hay trong quá trình toàn cầu hóa khó tránh khỏi những mặt trái, khiến cho một bộ phận dân cư không có trình độ bị thua thiệt, khoảng cách giàu- nghèo ngày một tăng. Điều này xảy ra với tất cả các quốc gia, trong đó, Việt Nam- một nước đang phát triển.


Ngài Đại sứ Pháp tại Việt Nam trò chuyện tại chương trình.

Ngài Đại sứ Pháp tại Việt Nam trò chuyện tại chương trình.

Đồng ý với quan điểm của ông Vũ Khoan về cách phát huy năng lực bản thân, ngài Đại sứ nhấn mạnh: "Muốn phát triển trong bối cảnh tất yếu - toàn cầu hóa thì giới trẻ Việt Nam không nên che giấu điểm yếu của mình mà cần thẳng thắn nhìn nhận. Từ đó, có những biện pháp sửa đổi, đồng thời phát huy điểm mạnh để tạo nên một nguồn sức mạnh to lớn, nâng cao giá trị bản thân".

Cụ thể, ông chỉ ra giữa người Pháp và người Việt Nam có tính cách giống nhau: chăm chỉ nhưng lười sáng tạo. Vì vậy, giới trẻ cần khắc phục tính ỉ lại, nâng cao tính tò mò, sáng tạo và phát huy tính chăm chỉ, cần cù để thích ứng với những sự thay đổi toàn cầu.

Nhắn nhủ về việc giới trẻ Việt Nam cần làm hiện nay, Đại sứ Bertrand Lortholary nói: “Trong thế giới hôm nay, chúng ta mà nhất là các bạn trẻ cần phải biết tiếng Anh vì nó đang được cả thế giới sử dụng. Nhưng trong thế giới ngày mai, nếu chỉ biết tiếng Anh thì bạn sẽ bị thua thiệt. Muốn nổi bật, các bạn cần phải biết nhiều ngoại ngữ, trong đó có tiếng Pháp”.

Lấy ví dụ về việc học tiếng Việt của mình, ông Bertrand Lortholary cho rằng phương pháp học ngoại ngữ rất quan trọng. Dù vốn tiếng Việt của ông chưa tốt nhưng ông không ngần ngại giao tiếp với mọi người vì theo ông chỉ khi chúng ta cọ xát thực tế thì trình độ ngoại ngữ mới nâng lên.

Chia sẻ thêm về mối quan hệ giữa hai nước Việt – Pháp, ngài Đại sứ tin rằng trong tương lai, cả hai bên sẽ có thêm nhiều chính sách để tạo cơ hội cho giới trẻ hai nước được giao lưu, học hỏi. Đặc biệt, sinh viên Việt Nam hay các quốc gia khác khi đến Pháp du học sẽ được chính phủ Pháp hỗ trợ đến 80% chi phí trong quá trình đào tạo.

Hội nghị Thanh niên Việt Nam Mô phỏng Liên Hợp quốc (VYMUN) là chương trình thường niên của Tổ chức Hợp tác Thanh niên Việt Nam (VYCO) với mục đích mô phỏng quá trình diễn ra các phiên họp của những hội đồng và cơ quan quốc tế tại Liên Hợp quốc. Các thí sinh tại VYMUN sẽ tham dự với tư cách là đại sứ, đại diện cho các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc hoặc đại biểu báo chí ghi lại nghị trình họp.

Năm nay, Hội nghị Thanh niên Việt Nam VYMUN 2017 lấy chủ đề: “Trận thư hùng thế kỉ: Toàn cầu hóa hay dân tộc hóa?” với mong muốn thế hệ trẻ thật sự cần phải hiểu rằng, toàn cầu hóa không hề hoàn hảo nhưng nó cần phải được bảo vệ vì sự phát triển và tiến bộ mà nó đang đem lại cho thế giới này. Ngay sau ngày khai mạc, phiên họp VYMUN 2017 sẽ kéo dài 3 ngày 2 đêm, từ 28/7- 30/7.

Văn Hiền