Thanh Hóa:

Cơ sở giáo dục tư thục lao đao trong “bão” Covid-19

(Dân trí) - Không có nguồn thu trong khi vẫn duy trì những khoản chi cố định, nhiều cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn Thanh Hóa đang rơi vào tình cảnh lao đao.

Dịch Covid-19 bùng phát, học sinh (HS) nghỉ học kéo dài nhiều tháng, không có nguồn thu và nguồn quỹ dự phòng… trong khi nhiều khoản vẫn phải chi trả khiến nhiều trường tư thục rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn.

“Tiến thoái lưỡng nan”!

Trung tâm Ngoại ngữ Golden Key, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa) được thành lập từ năm 2010, hiện có gần 30 lao động, trong có có 17 giáo viên (GV) đứng lớp gồm cả GV người Việt Nam và GV nước ngoài. Gần 3 tháng HS nghỉ học, Trung tâm hoàn toàn không có nguồn thu.

Ngoài tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, nhiều loại phí dịch vụ cố định để duy trì Trung tâm cũng như trả tiền cho GV và người lao động là một khoản tiền lớn.

Cơ sở giáo dục tư thục lao đao trong “bão” Covid-19 - 1

Nhiều trung tâm ngoại ngữ rơi vào cảnh lao đao khi HS nghỉ học.

Lãnh đạo trường này cho biết, đối với những GV người Việt, Trung tâm chỉ có thể đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), còn tiền đứng lớp, lương hàng tháng thì phải cắt hoàn toàn vì không có nguồn. Còn riêng GV người nước ngoài thì phải trả thêm tiền ăn, ở, đi lại cho họ, mỗi người khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Đối với 4 cơ sở thuộc hệ thống nhóm trẻ tư thục song ngữ thực hành Talent Kids (TP Thanh Hóa), khi HS tạm nghỉ học, không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng và những chi phí khác như bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh... nên chủ đầu tư đã không thể trả lương cho cán bộ, nhân viên, GV. Do vậy, đã có 2 GV xin thôi việc.

Bà Lê Thị Nguyệt, chủ đầu tư Hệ thống nhóm trẻ tư thục song ngữ thực hành Talent Kids cho hay: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ lương cho người lao động trong thời gian nghỉ học nhưng được thực hiện vào thời gian sau khi HS quay trở lại học, bởi khi đó mới có nguồn thu. Tuy nhiên, nếu thời gian HS nghỉ học vẫn tiếp tục kéo dài thì chúng tôi cũng không biết được điều gì sẽ xảy ra”.

Vay ngân hàng trả lương, đóng BHXH cho GV!

Tính đến hết học kỳ I, năm học 2019-2020, Trường Mầm non Búp Sen Xanh (TP Thanh Hóa) có 21 nhóm lớp với hơn 480 trẻ.

Ông Lê Văn Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Thanh Hóa, đơn vị đầu tư Trường Mầm non Búp Sen Xanh, cho biết: “Ngoài nguồn thu từ học phí, chúng tôi không có nguồn nào khác để đưa vào quỹ dự trữ tài chính. Hiện, chúng tôi đang phải đi vay ngân hàng để đóng BHXH và chi trả chế độ phụ cấp theo quy định của luật lao động cho 60 cán bộ, GV, nhân viên”.

Cũng theo vị lãnh đạo này, vừa qua, trong báo cáo nhanh về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhà trường đã đề xuất với phòng GD&ĐT thành phố, UBND thành phố và UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét có hướng hỗ trợ để giúp nhà trường giải quyết khó khăn trong thời gian HS tạm nghỉ học.

Cơ sở giáo dục tư thục lao đao trong “bão” Covid-19 - 2

Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa) vẫn chi trả lương và BHXH cho người lao động nhưng cũng chỉ có thể cầm cự đến hết tháng 4/2020, nếu tiếp tục sẽ phải vay ngân hàng.

Đối với Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa), lãnh đạo trường này vẫn bảo đảm trả lương và các khoản bảo hiểm cho hơn 100 cán bộ, GV và nhân viên, tuy nhiên, việc này được lãnh đạo cho biết chỉ có thể cáng đáng đến tháng 4/2020.

"Nếu sang tháng 5 dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi phải tính đến việc vay ngân hàng để bảo đảm lương cho cán bộ, GV, nhân viên. Mong muốn của nhà trường trong trường hợp này là ngân hàng sẽ hỗ trợ vay ưu đãi cho nhà trường để vượt qua khó khăn" - bà Lê Thị Bích, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga nói.

Theo tìm hiểu, chung cảnh ngộ phải đi vay ngân hàng để trả lương, đóng BHXH hay chỉ hỗ trợ đóng BHXH cho người lao động không chỉ xảy ra ở Trường Đông Bắc Ga hay Búp Sen Xanh mà ở hầu hết các cơ sở tư thục trên địa bàn Thanh Hóa.

Được biết, về số lượng, cơ sở giáo dục tư thục, tính riêng địa bàn TP Thanh Hóa, có 16 trường mầm non, 2 trường liên cấp, 4 trường tiểu học, 47 công ty có trung tâm dạy học ngoại ngữ cùng rất nhiều các nhóm trông giữ trẻ.

Liên quan đến tình trạng trên, Bộ GD&ĐT cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân như: miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý I và quý II, năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập; Xem xét miễn BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ GV, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý I và quý II, năm 2020.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.

Bình Minh