Cơ sở giáo dục đại học cần lắng nghe "tiếng nói" của thị trường lao động

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu cần tiếp nhận các yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học từ thực tiễn, lắng nghe "tiếng nói" của thị trường lao động.

Ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và tham dự, phát biểu chỉ đạo tại sự kiện "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm VNUA - 2022".

Cơ sở giáo dục đại học cần lắng nghe tiếng nói của thị trường lao động - 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sự kiện "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm VNUA - 2022" (Ảnh: Hồng Minh).

Khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu bằng những điều lớn lao

Phát biểu tại sự kiện "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm VNUA - 2022", Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp là lợi thế của nước ta. Phát triển nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nông nghiệp đã, đang và sẽ vẫn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp đã được Đảng, Nhà nước ta chú trọng từ sớm.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu bằng những điều lớn lao, mà nhiều khi từ chính những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật; những điều khiến chúng ta trăn trở nhất, thúc đẩy chúng ta tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất. Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ cũng đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ.

"Tôi muốn nhấn mạnh: Cần có góc nhìn mới về khởi nghiệp. Các bạn có khát vọng của tuổi trẻ để sẵn sàng khởi nghiệp nhưng cũng có ý chí kiên cường, bản lĩnh vững vàng sẵn sàng đối mặt với thất bại. Các nhà quản lý, doanh nghiệp cần có giải pháp hỗ trợ vật chất và tinh thần để sinh viên vượt qua thất bại, vì người ta đã từng nói, thất bại là mẹ thành công. Tinh thần khởi nghiệp phải phát huy mạnh mẽ, lan tỏa từ chính sinh viên thì nền nông nghiệp nước ta ngày càng phát triển và phát triển bền vững", Thủ tướng nói.

Cơ sở giáo dục đại học cần lắng nghe tiếng nói của thị trường lao động - 2
Thủ tướng phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Hồng Minh).

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu và có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Tuy nhiên, số lượng, chất lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Đại đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí "siêu nhỏ", chưa đủ năng lực, nguồn lực và thiếu nhân lực phục vụ nghiên cứu các công nghệ lõi, thị trường tiêu thụ chưa mở rộng, chế biến sau thu hoạch còn hạn chế...

Vì thế, rất cần sự trợ lực của các trường đại học hàng đầu với các chính sách thiết thực; gắn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm được thị trường đón nhận.

Thủ tướng cho rằng, đối với một đất nước "lấy canh nông làm gốc" như Việt Nam, khởi nghiệp nông nghiệp phải dựa vào 3 trụ cột: đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp; tạo dựng môi trường khởi nghiệp và hỗ trợ vốn, pháp lý cho thanh niên và những người muốn khởi nghiệp. Đây là khâu đột phá cho sự phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng bày tỏ sự ấn tượng với sự kiện Ngày hội việc làm được tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

"Ngày hội việc làm hôm nay có gần 100 doanh nghiệp mang đến 3.000 cơ hội việc làm cho sinh viên của Học viện, cũng như của các trường lân cận. Đồng thời, các thầy cô và các em học sinh của 700 trường THPT đang theo dõi sự kiện này qua các điểm cầu là dịp giúp định hướng nghề nghiệp, truyền cảm hứng cho học sinh THPT thêm yêu ngành nông nghiệp.

Tôi xin cảm ơn các doanh nghiệp đã dành 3.000 vị trí việc làm cho các em sinh viên vừa tốt nghiệp. Quý vị đã luôn đồng hành cùng đất nước trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên. Tôi tin tưởng rằng quý vị sẽ kiếm tìm, chọn lựa nguồn nhân lực chất lượng như mong đợi", Thủ tướng nói.

Cơ sở giáo dục đại học cần lắng nghe tiếng nói của thị trường lao động - 3
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng khi sự kiện có gần 100 doanh nghiệp tham dự, mang đến 3.000 cơ hội việc làm cho sinh viên (Ảnh: Hồng Minh).

Tại ngày hội, Thủ tướng nhắn nhủ tới Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp và các em học sinh, sinh viên một số nội dung.

Đối với các trường, viện đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp và Học viện Nông nghiệp Việt Nam:

Thứ nhất, nông nghiệp được xem là lợi thế của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức hiệu quả, thiết thực để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Lĩnh vực nông nghiệp với đa dạng ngành nghề, giàu tiềm năng và dư địa để các bạn trẻ dấn thân trên con đường lập nghiệp, góp phần nâng cao giá trị và đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Khởi nghiệp nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới, gắn với sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng công tác quy hoạch sản phẩm, chế biến chuyên sâu.

Thứ hai, "Ngày hội việc làm" phải thực sự trở thành ngày hội gắn kết giữa thầy với trò, giữa nhà trường với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội; là cơ hội quan trọng để sinh viên tốt nghiệp có cơ hội gặp gỡ nhà tuyển dụng, là cầu nối tạo việc làm cho sinh viên.

Thông qua Ngày hội việc làm, Học viện Nông nghiệp nói riêng và các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu nói chung cần tiếp nhận các yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học từ thực tiễn, lắng nghe "tiếng nói" của thị trường lao động để xác định chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp. Cần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thực tế của người học và tiêu chí tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Thứ ba, Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm hàng năm mà Học viện tổ chức là "tiếng nói" từ thực tiễn. Triết lý "làm tốt những gì mình có, làm tốt những gì mình có thể" có lẽ không còn phù hợp. Hiện nay, chúng ta cần làm và làm tốt hơn nữa những gì xã hội cần. Trong đào tạo và nghiên cứu khoa học phải sát với nhu cầu của thực tiễn. Muốn vậy, phải chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp đào tạo, coi người học là trung tâm của quá trình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên.

Thứ tư, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó cần thúc đẩy hơn nữa tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp, góp phần giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như vấn đề mang tầm chiến lược, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn, trong việc định hướng nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Thứ năm, cần tạo ra một môi trường giảng dạy sáng tạo, liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cho sinh viên "không gian" để thử nghiệm kiến thức đã học trong việc giải quyết những bài toán tình huống thực tế không chỉ trên giảng đường mà quan trọng hơn là từ thực tiễn sản xuất kinh doanh, từ thực tiễn cuộc sống.

Đối với các em học sinh, sinh viên, Thủ tướng nhắn gửi, các em cần hình thành hoài bão, lý tưởng; trang bị cho mình thật nhiều kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng sống trong môi trường với thị trường lao động mở, cạnh tranh; dám đối mặt với thách thức, thất bại để thực hiện hoài bão, ước mơ.

Đối với doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh, chính doanh nghiệp - nhà tuyển dụng là nơi đặt ra đề tài cho bài toán giáo dục.

"Các doanh nghiệp, doanh nhân cần gắn kết chặt chẽ, đồng hành và hỗ trợ hơn nữa cho giáo dục đại học, tham gia tích cực vào quá trình đào tạo từ việc dự báo nhu cầu lao động, ký hợp đồng đặt hàng đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, nội dung, cấu trúc của chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo, hỗ trợ quỹ ươm mầm sáng tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ phát triển nhân tài,…", Thủ tướng chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm