TPHCM:

Có lớp mầm non phải “nhồi” 60 trẻ/lớp

(Dân trí) - Do tình trạng thiếu trường lớp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực thế nên sĩ số ở bậc mầm non tại TPHCM đang trong tình trạng quá tải, bình quân 40 - 50 trẻ/lớp, đặc biệt có lớp phải “gánh” đến 60 trẻ.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/truong-hoc-sap-mai-tre-mam-non-phai-di-hoc-nho-945827.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Trường học sập mái, trẻ mầm non phải đi học nhờ</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thanh-hoa-hon-445-ty-dong-ho-tro-giao-vien-mam-non-ngoai-bien-che-945284.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Thanh Hóa: Hơn 44,5 tỷ đồng hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế</b></a>

Hội nghị “Giải quyết vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo ở các Khu chế xuất - Khu công nghiệp” diễn ra sáng 4/10 nêu ra thực trạng thiếu trường lớp ở bậc học mầm non (MN) và những vướng mắc trong việc xây dựng trường cho con em công nhân tại TPHCM và các tỉnh lân cận. 

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, nhiều năm gần đây, dân nhập cư vào TPHCM biến động theo chiều hướng tăng nhanh, công tác dự báo số học sinh đến lớp không chính xác, tạo áp lực lớn trong việc không đáp ứng kịp nhu cầu phòng học cục bộ ở một số địa phương.

“Tại TPHCM sĩ số trẻ trong lớp MN còn đông, bình quân 40 - 50 trẻ/lớp, đặc biệt có lớp sĩ số lên đến 60 trẻ”, ông Đạt cho hay.

Có lớp mầm non phải “nhồi” 60 trẻ/lớp
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tham dự hội nghị giải quyết vấn về cho học cho trẻ mầm non trong các khu chế xuất - khu công nghiệp.

Tính đến tháng 5/2014, toàn TPHCM có 912 trường MN, trong đó 419 trường công lập và 493 trường ngoài công lập cùng với hơn 11.480 nhóm, lớp. Tổng số trẻ trên 331.230 trẻ.

Dự kiến đến năm 2025, TPHCM sẽ có 2.558 trường MN với tổng số trẻ là 596.296 trẻ. Số giáo viên dự kiến sau hơn 10 năm nữa tăng lên gấp 3 lần so với hiện nay (từ 18.585 lên 53.156 người).

Ông Phạm Huy Thông, Phó trưởng ban Quản lý KCX - KCN TPHCM cho hay đến tháng 9/2014, ngoài 6 dự án đã và đang triển khai trực tiếp trong KCX - KCN (KCX Linh Trung (2 dự án), KCX Tân Thuận, KCN Vĩnh Lộc, KCN TBCC, KCN Lê Minh Xuân), còn có 18 dự án công trình trường MN, cơ sở giáo dục MNcó nguồn gốc từ KCX - KCN, có khả năng đáp ứng hơn 5.000 trẻ.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện dự án các trường MN theo đề án “Tạo lập quỹ đất xây dựng các công trình tiện ích phục vụ người lao động trong KCX - KCN” phát sinh rất nhiều vấn đề.

Nhiều KCX - KCN hiện hữu đã tận dụng tối đa quỹ đất có thể khai thác, không có những mảng cây xanh tập trung đủ lớn để lập dự án xây dựng trường MN, diện tích đất không đủ xây dựng trường chuẩn. Hơn tại các KCX - KCN, quy hoạch cây xanh tập trung thường có vị trí là khu cách ly với công trình hạ tầng kỹ thuật, môi trường khó đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Chưa kể đến việc, việc xây dựng Trường MN phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng KCX - KCN nhằm đảm bảo việc xây dựng công trình phải phù hợp với mục đích sử dụng đất đã được quy hoạch cũng rất phức tạp.

Có lớp mầm non phải “nhồi” 60 trẻ/lớp
TPHCM thiếu trầm trọng trường lớp ở bậc mầm non, nhiều lớp phải "nhồi" đến 60 trẻ/lớp. (Ảnh minh họa)

Xuất phát từ việc thiếu trường lớp, trong khi nhu cầu gửi trẻ của công nhân rất cao nên nhiều gia đình phải chấp nhận gửi con tại các nhóm trẻ gia đình, kể cả các nhà trẻ không phép. Nơi đây tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ thiếu an toàn cho trẻ.

Thực trạng này không chỉ xảy ở TPHCM mà còn diễn ra tại một số tỉnh lân cận tập trung nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương…

“Cơ sở nhà trẻ không phép trên địa bàn vẫn phát triển nhanh tại địa bàn có cụm công nghiệp hoạt động để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Đặc biệt là các cơ sở này nhận giữ trẻ cả thứ 7, chủ nhật, trông đến 10 giờ đêm phù hợp với việc tăng ca của công nhân”, bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng Phòng Giáo dục MN của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương nói. 

Ghi nhận những đóng góp từ các địa phương, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa bày tỏ những ý kiến trong hội nghị sẽ là cơ sở để Bộ GD-ĐT tiếp tục tham mưu để cùng với các Bộ, ngành có hướng đề xuất tháo gỡ, nhất là những vấn đề liên quan đến các KCN-KCX. 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng đề nghị, các địa phương tiếp tục chủ động quản lý chặt các cơ sở giáo dục MN, đặc biêt là các nhóm lớp ngoài công lập để đảm bảo chăm sóc, giáo dục trẻ tốt nhất bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường lớp sớm giải quyết chỗ học cho trẻ.

Hoài Nam