Cần đánh giá lại nhiều vấn đề trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa

(Dân trí)-Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên&Nhi đồng của Quốc hội đề nghị cần đánh giá điều kiện về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục để xác định kế hoạch triển khai đổi mới chương trình, SGK cụ thể cho từng trường.

Ngày 25/4, Bộ GD-ĐT sẽ có buổi họp báo cáo với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015.

Tán thành định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông

Trước đó, Thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội đã tổ chức thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông theo Tờ trình số 41/TTr-CP ngày 21/2/2014 của Chính phủ và nhất trí về cơ bản với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải đổi mới chương trình, SGK phổ thông cũng như sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này thay cho Nghị quyết số 40/QH10 năm 2000 đã được triển khai thực hiện từ năm học 2002-2003 đến nay.

Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với các nội dung nêu trong Dự thảo Nghị quyết về định hướng đổi mới chương trình, SGK phổ thông và nhấn mạnh một số vấn đề: Đổi mới chương trình, SGK cần bám sát điều kiện thực tiễn của đất nước, theo mục tiêu giáo dục toàn diện, phát triển phẩm chất và năng lực người học, vừa bảo đảm tính thống nhất trên phạm vi toàn quốc, vừa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tính đặc thù của từng địa phương…

Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cũng đã chỉ ra một số nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK phổ thông như một chương trình có nhiều bộ SGK. Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cho rằng cần xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, bao gồm phần bắt buộc đối với học sinh toàn quốc và phần bổ sung do địa phương và cơ sở giáo dục lựa chọn, đồng thời dành thời lượng hợp lý cho giáo dục lịch sử, văn hóa của mỗi địa phương, vùng miền. Đặt biệt,  về quan điểm dạy học phân hóa và dạy học tích hợp, Thường trực Ủy ban cho rằng, phương thức dạy học phân hóa chương trình trung học phổ thông sau năm 2015 cần đổi mới theo hướng tăng cường các môn học, chuyên đề tự chọn. Việc này sẽ dẫn đến việc đổi mới trong xây dựng chương trình và tổ chức lớp học và cần được quy định trong Nghị quyết mới của Quốc hội.

Việc dạy học tích hợp bước đầu đã được thực hiện ở bậc học phổ thông, nhưng ở mức thấp và thiếu tính hệ thống, nhất quán. Chương trình tiểu học hiện hành gồm các môn học tích hợp theo lĩnh vực hoặc liên ngành. Còn việc dạy học tích hợp ở cấp trung học cơ sở chủ yếu dừng ở mức độ tích hợp trong nội bộ môn học kết hợp với một số môn học tích hợp đa môn. Ở cấp trung học phổ thông, dạy học tích hợp mới chỉ lồng ghép các nội dung giáo dục về môi trường, an toàn giao thông, dân số - sức khỏe sinh sản vị thành niên, giới tính, kỹ năng sống, phòng chống tham nhũng và tệ nạn xã hội, ma túy…vào các môn học, song chưa nhuần nhuyễn và linh hoạt, dẫn đến sự quá tải, hạn chế hiệu quả dạy- học.

Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015 đề xuất thiết kế chương trình theo hướng tích hợp mạnh ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở với các môn học tích hợp theo các lĩnh vực hoặc liên ngành, dẫn tới việc thay đổi trong cơ cấu các môn học và cơ cấu đội ngũ giáo viên theo các môn học. Vì vậy, cần thể hiện nội dung này trong Dự thảo Nghị quyết.

Bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp

Bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp là 2 việc làm khi thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa.


Đào tạo giáo viên chất lượng cao

Về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật nhà trường, Thường trực Ủy ban đề nghị đưa vào Nghị quyết của Quốc hội một số quy định cần thiết nhằm phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015; sắp xếp lại hệ thống các trường, khoa Sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông khác; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với các trường, khoa Sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo giáo viên chất lượng cao và nghiên cứu khoa học giáo dục; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đánh giá, sử dụng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chế độ, chính sách ưu đãi nhằm thu hút người có năng lực, trình độ về làm công tác giảng dạy, quản lý tại các trường, khoa sư phạm và các cơ sở giáo dục phổ thông.

Khác với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý chủ yếu do ngành Giáo dục đảm nhiệm, việc đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật nhà trường cần sự hợp tác, phối hợp thực hiện của nhiều bộ, ngành dưới sự chỉ đạo chung của Chính phủ. Bởi vậy, Nghị quyết của Quốc hội cần quy định cơ chế, chính sách cụ thể tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động các nguồn lực bảo đảm thực hiện thành công việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015.

Thường trực Ủy ban đề nghị cần đánh giá điều kiện về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục để xác định kế hoạch triển khai đổi mới chương trình, SGK cụ thể cho từng trường. Nhà nước quy định những điều kiện tối thiểu để thực hiện phần bắt buộc của chương trình, SGK mới và ưu tiên tập trung sớm bổ sung điều kiện đối với những trường gặp khó khăn. Nghị quyết cần quy định thời hạn chậm nhất toàn quốc áp dụng chương trình, SGK phổ thông mới.

Ngoài ra, thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội đề xuất: “Để thực hiện thành công Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015 cần bổ sung thêm hai nhiệm vụ (có thể xây dựng thành các Đề án riêng): Bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp. Theo đó, cần có sự phân tích sâu sắc để đề xuất các giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, bất cập về việc tổ chức biên soạn và triển khai thực hiện chương trình, SGK phổ thông sau 2015 như không có tổng chủ biên chương trình, SGK chung; thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình và có điều kiện tiếp thu một cách hệ thống kinh nghiệm quốc tế; chưa tổ chức một cách hiệu quả, chất lượng việc lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo, nhất là các giáo viên trực tiếp giảng dạy các cấp học…”.

Hồng Hạnh