Cần biểu dương người tố cáo tiêu cực

(Dân trí) - Phụ huynh học sinh chúng tôi rất vui mừng khi được tin một giám thị coi thi ở Hà Tây mạnh dạn đứng ra tố cáo sự việc tiêu cực ở Hội đồng thi Phú Xuyên A. Và càng vui mừng hơn khi thấy các cơ quan chức năng và ngôn luận đã vào cuộc và có những động thái thanh tra giải quyết sự việc.

Song Hà Tây cũng chỉ là 1 trong những điểm nóng mà thôi bởi tình trạng đóng tiền bồi dưỡng giám thị đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp học và tồn tại đã vài ba năm nay, ở địa phương tôi cũng có tình trạng này.

 

Các thầy, cô giáo là những nhà giáo dục, những tấm gương sáng cho học sinh noi theo, vậy mà lại nhận những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người lao động mà đáng ra mình không được hưởng. Thử hỏi rằng sau những kỳ thi như thế thì xã hội, cha mẹ học sinh và học sinh sẽ nhìn các thầy cô bằng ánh mắt như thế nào?

 

Những tấm gương như thế không chỉ bị ố mà còn bị khúc xạ làm méo mó đi hình ảnh người thầy, người cô trong văn hoá sống của người Việt Nam.

 

Ông Hùng ở hội phụ huynh của trường Phú Xuyên A cho biết: “Đây là do các bậc phụ huynh tự nguyện quan tâm đến các thầy, các cô giám thị đi lại xa xôi, mệt mỏi”, song theo tôi được biết thì hầu hết các bậc cha mẹ rất ấm ức vì cho con ăn học hàng chục năm mà đến khi thi lại phải lo lót như thế thì hỏi còn học hành gì? Nếu như quan tâm đến giám thị thì chỉ nên dừng ở việc uống nước, cơm ăn là quá đủ rồi.

 

Đã có nhiều học sinh lười học, chán học, khi tôi hỏi thì các em bảo là: “Chả phải học cũng đỗ hết, đã có đứa nào trượt bao giờ đâu, phổ cập mà - đã có hội phụ huynh lo”!

 

Chất lượng giáo dục sẽ ra sao nếu sự việc này cứ tái diễn? Có thể coi đây như là việc hối lộ và nhận hối lộ. Cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, biểu dương, khen thưởng với người tố cáo các hành vi vi phạm. - Phạm Đăng Bộ (Hải Phòng)

Học sinh sẽ nghĩ gì? 

Sau khi đọc bài “Giám thị tố cáo… giám thị”, lòng tôi bời bời nỗi buồn và chua xót. Đọc đi, đọc lại và càng về đêm càng thấy nẫu cả ruột gan. Tôi không hiểu tại sao đến bây giờ  mà chuyện tiêu cực trong thi cử lại diễn ra một cách trắng trợn như vậy. Đúng là “chuyện hy hữu trong lịch sử thi cử”.

 

Phải nói cả “một đám người” từ Giám thị đến Chủ tịch Hội đồng coi thi bị mắc cái quai to quá. 400.000 đồng mỗi giám thị đút túi sau buổi liên hoan ngày thi thứ nhất đã tác oai, tác quái “ông thầy”. 

 

Họ bán danh, bán cái danh dự của người thầy được cả xã hội tôn vinh “kỹ sư tâm hồn” chỉ có 400.000 đồng với vài bữa ăn hậu hĩnh để lớp người kế tục tương lai đất nước tha hồ chìm đắm trong gian lận do những người thầy từ lãnh đạo trường THPT Phú Xuyên A (Hà Tây) đến giám thị nơi khác đến coi thi. Còn Thanh tra Sở thì có xác mà chẳng có hồn. Thật trớ trêu, xấu hổ.

 

Sự nghiệp giáo dục rồi sẽ ra sao? Học sinh sẽ nghĩ về người thầy như thế nào ngay từ lúc đang thi chứ không phải chờ đến lúc các em trưởng thành?

Phải chấn chỉnh, chấn chỉnh ngay lập tức. Phải nghiêm khắc, thật nghiêm khắc với chuyện thi cử ở Phú Xuyên A (Hà Tây) và những nơi có những hiện tượng tương tự như Phú Xuyên A.

 

Lê Xuân Quỳnh

(Chủ tịch Hội KH xã Hạnh Phúc, Thọ Xuân, Thanh Hoá)

Dòng sự kiện: Giám thị tố giám thị