Bộ trưởng GD-ĐT: Cần ráo riết hơn nữa đẩy nhanh xây dựng Đại học Đà Nẵng

Minh Thu

(Dân trí) - Trong 2 ngày (18, 19/3), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đến kiểm tra dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng và làm việc với Đại học Đà Nẵng về định hướng phát triển.

Phê duyệt xây dựng từ năm 1997

Dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng được phê duyệt từ năm 1997 trên diện tích hơn 300 ha thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).

Đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng được 79 ha/110 ha thuộc địa phận Đà Nẵng. Hiện đã có 3 đơn vị đã sinh hoạt trong dự án Đại học Đà Nẵng gồm: Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trung tâm giáo dục Quốc phòng, Khoa Y dược, với khoảng 4.000 sinh viên đang học tập.

Bộ trưởng GD-ĐT: Cần ráo riết hơn nữa đẩy nhanh xây dựng Đại học Đà Nẵng - 1
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra tiến độ triển khai dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng

Hiện Đại học Đà Nẵng đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới để triển khai dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng giai đoạn trung hạn 2021-2025. Dự án sẽ được triển khai từ năm 2022, góp phần giải quyết được một phần nhu cầu cấp thiết để phát triển Đại học Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay.

Tại dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đi kiểm tra tổng thể toàn bộ dự án. Bộ trưởng cho rằng, các đơn vị triển khai cần cố gắng thực hiện giải phóng mặt bằng để có mặt bằng triển khai dự án, giải ngân vốn, không thể chậm trễ trong việc giải ngân, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng kịp thời, hiệu quả.

Cũng theo Bộ trưởng, việc hoàn thành giải phóng mặt bằng mới chỉ là việc tối thiểu, việc xa hơn, lâu dài hơn và là mối quan tâm thực sự là làm sao để có được  đại học thông minh, đại học xanh, đại học kết nối.

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chiều 18/3, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho dự án xây dựng Đại học Đà  Nẵng.

Trao đổi thêm về dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng trong cuộc làm việc với lãnh đạo Đại học và các trường thành viên sáng 19/3, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tới vai trò của Đại học Đà Nẵng trong việc thúc đẩy dự án này. "Chúng ta đã quan tâm rồi thì quan tâm nữa, đã ráo riết rồi thì ráo riết hơn nữa. Nếu chỉ cố gắng bình thường sẽ không thực hiện được. Bộ, ngành, địa phương rất quan tâm, nhưng vai trò quyết định là do Đại học Đà Nẵng", Bộ trưởng nêu rõ.

Ở thời điểm hiện tại, Bộ trưởng đề nghị Đại học Đà Nẵng ráo riết ngay với những hợp phần đang thực hiện, đặc biệt là việc giải ngân nguồn vốn ODA. Không có lý gì để không giải ngân đúng hạn gói ODA này, để càng lâu lãng phí càng lớn. Cùng với nguồn ngân sách, theo Bộ trưởng phải tính đến các nguồn xã hội hóa bằng các hình thức khác nhau. Trong tổ chức thực hiện cũng cần nâng cao vai trò của tư vấn quản lý dự án, nhằm tránh thất thoát, lãng phí.

Đồng ý với chủ trương Đại học Đà Nẵng là chuyển sang mô hình Đại học Quốc gia

Cũng tại cuộc làm việc với Đại học Đà Nẵng sáng 19/3, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có những trao đổi về định hướng phát triển Đại học Đà Nẵng trong tương lai. Theo đó, thách thức lớn nhất đặt ra cho Đại học Đà Nẵng trong 5 năm, 10 năm tới sẽ là thách thức phát triển, thách thức vượt qua chính mình, thách thức hướng đến chất lượng, uy tín, trách nhiệm xã hội và  trách nhiệm quốc gia.

3 trụ cột trong định hướng phát triển được Bộ trưởng phân tích và làm rõ với Đại học Đà Nẵng là nghiên cứu khoa học, đào tạo và nhân lực khoa học (chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, giảng viên)… Đối với nghiên cứu khoa học - hoạt động được coi là sức mạnh của đại học - Đại học Đà Nẵng cần xác định thực trạng hiện nay đang rất nghèo và khó để từng bước đầu tư, với tinh thần phải nghĩ lớn, nhu cầu lớn, lấy đó làm tiền đề để có kết quả lớn. Trong nghiên cứu phải hướng đến giải quyết các vấn đề của quốc gia, giải quyết các vấn đề của nhân loại.

Đối với đào tạo, cần hướng tới những mục tiêu lớn hơn, đào tạo chất lượng quốc tế và đẳng cấp. Có 3 nhóm ưu tiên trong chủ trương của Bộ GDĐT được Bộ trưởng chia sẻ với Đại học Đà Nẵng là đào tạo công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao để giải quyết nhân lực cho đất nước; sư phạm và khoa học cơ bản. "Nói như vậy không phải những ngành khác không quan trọng mà xác định ưu tiên để có  sự tập trung đầu tư. Trong định hướng phát triển của Đại học Đà Nẵng cần lưu ý tới chủ trương này để xem xét quy hoạch trong những năm sắp tới", Bộ trưởng trao đổi. 

Về mô hình tổ chức và cơ chế vận hành, Đại học Đà Nẵng cần xác định rõ mô hình đại học vùng trong bối cảnh tự chủ hiện nay. Trong đó, hệ thống quản trị nội bộ cần thực hiện quản trị đại học theo hướng kết nối, điều tiết, dẫn dắt để phát huy sức mạnh của mỗi đơn vị bên trong như một hợp phần hữu cơ tạo nên sức mạnh tổng thể của Đại học Đà Nẵng. Theo Bộ trưởng, trong số các tài sản một đại học thì tài sản đáng tự hào nhất, cần xây đắp nhất, đó chính là đội ngũ các chuyên gia, vì vậy cần phải từng ngày, từng ngày vun đắp cho tài sản này.

Nhận định, so với các đại học khác khâu kiểm định, đánh giá của Đại học Đà Nẵng phát triển tốt và có dấu ấn, Bộ trưởng mong muốn, việc này sẽ tiếp tục được phát huy. Đại học Đà Nẵng sẽ lấy sức mạnh của kiểm định và duy trì, đảm bảo chất lượng sau kiểm định làm công cụ để quản trị. "Trong việc đổi mới cơ chế quản lý các trường đại học khi tự chủ, Bộ GDĐT cũng sẽ lấy công cụ kiểm định là công cụ hàng đầu", Bộ trưởng chia sẻ.

Với mong mỏi và định hướng của Đại học Đà Nẵng là chuyển sang mô hình Đại học Quốc gia, Bộ trưởng cho biết, về nguyên tắc lãnh đạo Bộ GD-ĐT ủng hộ và đồng ý. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý đến sự thực chất và bền vững; sự đổi mới, phát triển từ bên trong, chứ không phải sự thay đổi bên ngoài.