Bộ GD&ĐT thay đổi cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học

Mỹ Hà

(Dân trí) - Thí sinh sẽ không phải chọn phương thức xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng đại học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, việc này nhằm đơn giản hóa việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, hạn chế các nhầm lẫn.

Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023, vừa được tổ chức ngày 3/3 tại Hà Nội.

Thay đổi cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển

Cụ thể, theo PGS Thủy, năm ngoái là lần đầu tiên thí sinh cả nước đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến, thí sinh đăng ký ngành, trường đại học phải kèm theo mã phương thức xét tuyển tương ứng.

Trong số 20 phương thức tuyển sinh, một số phương thức có tên gần giống nhau, khiến nhiều thí sinh nhầm lẫn, dẫn đến trượt đại học.

Do đó từ năm nay, thí sinh sẽ không phải chọn phương thức xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng đại học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ GDĐT thay đổi cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học - 1

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT (Ảnh: N.M).

Sở dĩ có sự thay đổi này nhằm đơn giản hóa việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, hạn chế các nhầm lẫn.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2022, chỉ 1,97% thí sinh dùng kết quả các kỳ thi riêng để xét tuyển vào đại học.

Thí sinh xét tuyển bằng hình thức kết hợp kết quả học tập THPT với thi năng khiếu: 1,21% và 1,84% thí sinh xét tuyển vào đại học bằng hình thức tuyển thẳng theo đề án.

Tỷ lệ thí sinh dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT là 47,98%; sử dụng kết quả học tập cấp THPT (học bạ) là 37,18%; các phương thức kết hợp khác (gồm 11 phương thức có tỷ lệ xét tuyển dưới 1%): 10,47%.

Thống kê về phương thức xét tuyển trong những năm qua cho thấy, nhiều phương thức xét tuyển ở các cơ sở giáo dục đào tạo đại học không có thí sinh nào xác nhận nhập học và một số phương thức xét tuyển có tỷ lệ dưới 10% thí sinh xác nhận nhập học.

Bà Thủy đánh giá, việc các trường sử dụng quá nhiều phương thức gây nhiễu thông tin cho thí sinh và cả xã hội, trong khi một số phương thức không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký. Ngoài ra, các phương thức xét tuyển chưa đảm bảo công bằng.

Đến thời điểm này, hai phương thức xét tuyển hiệu quả nhất vẫn là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển học bạ, còn lại nhiều phương thức xét tuyển hầu như không có thí sinh nhập học hoặc tỷ lệ nhập học rất thấp, chẳng hạn: Kết hợp kết quả học tập với thi năng khiếu; chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế trong xét tuyển đại học; kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế để xét tuyển cũng rất thấp.

Do vậy theo bà Thủy, các cơ sở giáo dục đại học phải đánh giá lại các phương thức xét tuyển khác nhau và đánh giá chất lượng của sinh viên ở từng phương thức xét tuyển để loại bỏ những phương thức xét tuyển không hiệu quả.

Bộ GDĐT thay đổi cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học - 2

Thống kê của Bộ GD&ĐT, nhiều phương thức xét tuyển hầu như không có thí sinh nhập học hoặc tỷ lệ nhập học rất thấp (Ảnh: M.H).

Lần đầu tiên quy định điểm ưu tiên mới có hiệu lực

Về việc xét tuyển sớm, theo PGS Thủy, thí sinh phải đăng ký xét tuyển, xác nhận nhập học tại cơ sở đào tạo và trên hệ thống, dẫn tới một số nhầm lẫn, sai sót của thí sinh.

Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh năm 2022 vẫn còn nhầm lẫn, sai sót của thí sinh về khu vực, đối tượng ưu tiên và vấn đề thí sinh tự do.

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho rằng, các trường cần tăng cường hướng dẫn cho thí sinh, thầy cô cần nắm vững quy trình, quy chế của Bộ GD&ĐT, quy chế của trường, và quy chế tuyển sinh riêng. Cơ quan quản lý cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.

Cũng theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định như năm 2022 nhưng có lưu ý: Năm 2023, lần đầu tiên quy định mới về điểm ưu tiên có hiệu lực.

Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần; Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.