Bạn đọc viết:

“Bí quyết” cùng con học Lịch sử

(Dân trí) - Tôi và con gái mình có cách học sử khá đặc biệt qua từng vòng xe lăn bánh. Những bảng tên đường phố có sức hút đặc biệt với bé con. Xe qua con đường nào, tiếng thỏ thẻ sau lưng tôi lại vang lên: “Huỳnh Thúc Kháng là ai hở mẹ?”, “Hùng Vương là ai hở mẹ?”, “Lê Lợi là ai hở mẹ?”…

Rời lớp 1, bài học đáng nhớ nhất của bé con nhà tôi là cuộc kháng chiến chống quân xuân lược Nguyên - Mông. Khi sửa soạn sách vở mới tinh cho năm học lớp 2, con vẫn liến thoắng kể về trang sách cũ có bài đọc yêu thích của mình.

Cô giáo lớp 1 đã kể câu chuyện về những chiếc cọc cắm giữa lòng sông Bạch Đằng diệt gọn quân xâm lược. Và đến tận bây giờ con vẫn cực kỳ hào hứng tái hiện lại lời cô giáo cùng những cảm xúc rưng rưng đầy tự hào của con khi quân ta đại thắng.

Dòng xúc cảm trong trẻo lúc ban sơ của các cô bé cậu bé mới chập chững làm quen việc học ấy đáng quý vô cùng. Các con bắt đầu mường tượng về trang sử hào hùng của dân tộc qua những câu chuyện lịch sử lồng ghép trong các bài tập đọc. Và tôi đang cố gắng vun bồi tình yêu sử trong con trẻ bằng lòng kiên nhẫn của một người mẹ.

Dãy hành lang lớp học ở trường của các con trang trọng treo các bức chân dung cùng tiểu sử tóm tắt của nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc. Mới ngày nào con cùng các bạn lân la đánh vần từng con chữ trên các khung hình, giờ các con đã có thể nhớ vanh vách tên của danh nhân, anh hùng dân tộc.

Trí tò mò khiến các con dồn dập hỏi về những con người vĩ đại đã được lịch sử ghi dấu. Và với kiến thức lịch sử có giới hạn của một giáo viên ngữ văn, tôi tẩn mẩn kể cho các con nghe về người anh hùng tuổi nhỏ chí lớn Kim Đồng, về nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai…

Bọn trẻ chăm chú nghe, im lặng ghi nhớ từng lời kể. Đôi mắt háo hức cùng khuôn miệng chúm chím bé xinh ấy khiến tôi có thêm động lực tìm hiểu thêm nhiều câu chuyện hay, sống động, thú vị để nhen nhóm lên ngọn lửa của lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong lớp măng non.

Tôi và con gái mình có cách học sử khá đặc biệt qua từng vòng xe lăn bánh. Những bảng tên đường phố có sức hút đặc biệt với bé con. Xe qua con đường nào, tiếng thỏ thẻ sau lưng tôi lại vang lên: “Huỳnh Thúc Kháng là ai hở mẹ?”, “Hùng Vương là ai hở mẹ?”, “Lê Lợi là ai hở mẹ?”…

Tôi và con thỏa thuận sẽ chọn một câu chuyện hay về danh nhân được đặt tên cho con đường mình đi qua. Lúc thì con kể về Trần Hưng Đạo hai lần đại thắng quân Nguyên - Mông, lúc thì tôi kể về người anh hùng áo vải phất ngọn cờ đánh thắng giặc Minh, khi thì con ngân nga bài thơ về Bà Triệu cưỡi voi ra trận, khi thì tôi đọc bài thơ “Qua đèo Ngang” nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan…

Những câu chuyện về người xưa nối dài hành trình yêu thương của hai mẹ con. Giờ thì con đã nhớ về Mạc Đĩnh Chi với nghị lực của con nhà nghèo bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học, về Cao Bá Quát với quyết tâm rèn nét chữ - nết người, về Hồ Xuân Hương với danh xưng “Bà Chúa thơ nôm”…

Tôi không có tham vọng rèn cho con có bộ nhớ hoàn hảo bằng cách dồn ép một khối lượng lớn kiến thức lịch sử. Chỉ là khi sự tò mò tìm hiểu, khám phá trong con trỗi dậy, tôi đã tỉ mỉ “mớm” cho con những câu chuyện hay trong tầm hiểu biết để con lắng nghe. Và cái đầu bé xíu kia có quyền chọn lựa, thanh lọc và khắc ghi điều con muốn ghi nhớ.

Lịch sử trong mấy cô cậu lớp 1, lớp 2 hôm nay vô cùng thú vị và cực kỳ hào hứng. Bởi lịch sử gắn liền với những câu chuyện của quá khứ hào hùng, những trận chiến oanh liệt và những con người quả cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Nhưng đối với các cô bé, cậu bé lớp trên có thể nào nuôi dưỡng niềm yêu thích môn học lịch sử khi mà dồn dập kiến thức và chi chít con số, sự kiện phải nhớ, phải học và phải thuộc?

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!