Ý kiến chuyên gia

Bạo lực học đường qua thời sự mấy ngày nay?

(Dân trí) - Trẻ con không có khả năng tự mình sáng chế ra thô bạo. Chúng đã “học” cái đó từ môi trường sống, chúng bị ảnh hưởng của người chung quanh. Cái cần là dạy trẻ “miễn nhiễm”, cung cấp hành trang cho trẻ để chúng dùng những giải pháp hòa bình trong giao tiếp ứng xử.

Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Chuyện một bé gái học lớp 7 bị đánh hội đồng làm ... rung động nhiều người trên các báo. Từ cha mẹ của nạn nhân đến cha mẹ của các học sinh bạo hành, sau đó là Ban giám hiệu, Bộ Giáo dục và cuối cùng là dư luận xã hội.

Nhiều ý kiến gợi ý phải chế tài, phải phạt nặng những trò bạo hành. Chưa bỏ tù được vì các em còn vị thành niên nhưng phải đưa đi giáo huấn.

Những ý kiến đó phản ảnh sự thông cảm với nạn nhân và đó là một phản ứng tự nhiên: nạn nhân cần được giúp đỡ để từ từ xóa những thương tích thể xác và chấn động tâm lý mà em vừa trải nghiệm.

Méo mó nghề nghiệp, tôi đồng tình là phải giúp đỡ nạn nhân và phải giúp đỡ trong nhiều năm. Tổn thương tâm lý không phải ngày một ngày hai mà chữa lành được.

Nhưng đổi trường cho em không hẳn là một giải pháp tốt.

Còn đuổi học các trò đã tham gia bạo hành cũng không hẳn là giải pháp lý tưởng.

Một cách cực đoan, tôi đã cho thí dụ bỏ tù một tội phạm hiếp dâm trẻ mà không chữa trị ông ấy thì chỉ có thể “thành công” một nửa – phạt cái tội – chứ không thành công tròn vẹn: trong tù đâu có các bé gái, ông ấy không hiếp ai được nhưng lúc mãn án, có thể việc đầu tiên ông ấy làm là tái phạm.

Thí dụ này nói lên cái cần thiết phải đối thoại để thay đổi con người chứ phạt thôi thì không đủ.

Trường hợp các trẻ đã đánh hội đồng bạn học của mình cũng thế.

Giải pháp nào ?

Chế tài (phạt phải nghỉ học một thời gian, điểm hạnh kiểm xấu, đuổi học, ...) là một giải pháp nhưng giải pháp này không hữu hiệu hoàn toàn. Vì chế tài cũng là một hình thức của bạo lực.

Muốn hữu hiệu hơn, tôi đề nghị chế tài với thương lượng và hòa giải : thương lượng và hòa giải giữa các diễn viên của baọ lực (người chủ động và nạn nhân), giữa trò và trường, giữa trò và thầy, ... để mọi người cùng hiểu nhau, để cùng phân tích những gì vừa xảy ra, để sau đó còn có thể tiếp tục liên hệ với nhau. Trong thương lượng và hòa giải cần một người ngoài cuộc để giúp cho hòa giải thành công.

Thương lượng và hòa giải là một cách đầy nhân bản và đầy xã hội tính. Có thương lượng và hòa giải thì mới không cắt đứt liên hệ sau “biến cố”.

Cũng có thể nhân cơ hội dùng những thương lượng hòa giải của biến cố hiện thời như thí dụ cụ thể minh chứng cho giải pháp trừ bạo lực để có thể “dạy” cho cả trường, cho tất cả học sinh. Một công mà hai chuyện.

Dùng bạo lực với nhau là cắt đứt hết những liên hệ văn minh, là tự đánh mất khả năng của chính mình để sống với xã hội.

Nghĩ tới mình đồng thời tôn trọng người khác là tiền đề chống bạo lực học đường và bạo lực trong xã hội. Nếu bạo lực đã diễn ra rồi thì phải giải quyết bằng những hình thức nhân bản chứ không dùng bạo lực để trị bạo lực. Chủ đích là làm sao tái thiết liên hệ xã hội vừa mới bị thương tổn.

Nguyên nhân của bạo lực ở trường?

Trẻ con không có khả năng tự mình sáng chế ra thô bạo. Chúng đã “học” cái đó từ môi trường sống, chúng bị ảnh hưởng của người chung quanh. Cái cần là dạy trẻ “miễn nhiễm”, cung cấp hành trang cho trẻ để chúng dùng những giải pháp hòa bình trong giao tiếp ứng xử.

Nguyên nhân đầu tiên có thể là do ảnh hưởng của môi trường : bạo lực nhan nhản ở khắp nơi, các em chỉ “bắt chước” và cư xử theo những mô hình mà xã hội đã cho các em như một loại “khuôn mẫu”.

Thật vậy, kinh tế thị trường cho phép cá nhân trục lợi, luật của kẻ mạnh, kẻ có tiền hay có quyền lực ăn hiếp người yếu. Xã hội đầy bất bình đẳng. Báo chí thường xuyên tải những mẫu người giàu có với những cách vung tiền không suy nghĩ, thì bảo sao giới trẻ không tự cảm thấy bất công ? Phim ảnh, trò chơi on line, ... lại tạo một thế giới ảo đầy bạo lực khiến các em tiếp xúc thường ngày. Chính cha mẹ các em cũng quay cuồng trong sự kiếm sống và thiếu thời gian để đối thoại hay dạy dỗ các em, cho các em những gương mẫu hiền hòa, giúp các em những điểm tựa, phân biệt được đâu là thế giới thật và đâu là thế giới ảo.

Dĩ nhiên, thiếu giáo dục gia đình, bị chế tài không đúng chỗ, ảnh hưởng của phim ảnh, các game, ảnh hưởng của nhóm, ...có thể dẫn tới bạo lực. Nhưng tựu trung, nguyên nhân chính có thể vẫn là theo mẫu bạo lực chung quanh.

Các nhóm của trẻ có tác dụng làm bùng nổ, tăng cường độ của bạo lực. Ở cỡ tuổi niên thiếu, tâm lý bầy đàn có khi lấn át cả thương cảm. Chính vì vậy mà trường học cần giáo dục để phòng ngừa bạo lực.

Tôi chỉ xin đề nghị một số giải pháp nhỏ, trong khuôn khổ của trường học, nhưng rất cần :

1. Tạo đoàn kết : Trong một môi trường mà tất cả mọi người đều được tôn trọng và tất cả đều yêu thương đùm bọc nhau thì các thành viên sẽ có nhiều khả năng xử sự tử tế với nhau. Như thế trường học là gia đình thứ hai của học trò, là nơi các em tập tành học hỏi trước khi ra “biển khơi”, ra ngoài xã hội, đầy thử thách.

Ở đây, có thể phải xem lại hình thức các lớp trưởng vì hình thức này tạo phân tầng trong lớp.

Tạo đoàn kết có thể là một biên pháp phòng ngừa dài lâu hơn lại nhẹ nhàng hơn các biện pháp chế tài.

2. Giáo viên không vạn năng, nhưng giáo viên có thể trong phạm vi của mình, thực thi tôn trọng học trò, đối xử bình đẳng, tránh thất bại cho học trò (điểm xấu hay ngồi lại lớp). Vai trò của giáo viên chống bất bình đẳng xã hội còn có thể đi xa hơn nữa, bằng cách giảng nghĩa những hiện tượng và những phương thức cấu thành bất bình đẳng. Như thế có thể làm cho các em ý thức được giá trị của công bằng và sẽ tiếp tay vun trồng cho một xã hội mà bất công không có chỗ đứng, kể cả bất công giữa người mạnh và người yếu, người tấn công và nạn nhân.

3. Dùng kiến thức như một “vũ khí” chống bạo lực : Kiến thức về khoa học cũng như kiến thức về môi trường xã hội, về liên hệ giữa người với người là một phương tiện tốt để sống hiền hòa với nhau. Nói theo kiểu Descartes : người có kiến thức sẽ sống tốt hơn (celui qui sait, sachant, vit mieux). Nên thực thi nhiều điều tích cực hơn (hòa giải thay vì gây hấn, học thành tài để có thể thành công tốt hơn dù cha mẹ khiêm tốn không có địa vị và tiền của, ... ) để về lâu về dài xã hội an bình hơn.

Những điều nói trên có vẻ lý thuyết và xa xôi. Đối diện với hiện tượng bạo lực ở trường không thể làm gì hơn chăng ?

Có chứ, ngoài “trường kỳ kháng chiến” để tạo cho một môi trường an bình, có thể áp dụng vài “chiến lược” nhỏ :

1. Đề cập đến bạo lực ở trường trước khi hiện tượng xảy ra, để cho hiện tượng ...đừng xảy ra. Phòng “bệnh”, phân tích nguyên nhân, hậu quả, thậm chí cho học sinh làm kịch, đóng vai bạo lực ... Đây là một loại tiêm chủng, “dĩ độc trị độc”, nhưng cái “độc” mà ta dùng rất là vô hại.

2. Vẫn chưa đủ, cần nghe ngóng và thông cảm với học trò, nhất là với các trò có khả năng dùng bạo lực, để các trò này có nơi bày tỏ những “khó khăn”, để lấy cái “chốt” cho quả bom bạo lực không phải nổ. Lớp có đoàn kết, giáo viên có liên hệ thường xuyên với phụ huynh,... thì phương cách này thực hiện tốt đẹp và ngừa được nhiều bạo lực.

3. Tạo hứng thú trong việc học là một cách gián tiếp nhưng rất hữu hiệu. Đi học vui, học cùng với bè bạn. Ai cũng biết là một người đang vui, đang được hạnh phúc thì không bao giờ đập phá môi trường hay gây hấn với người chung quanh.

4. Trao trách nhiệm và đặt tin tưởng nơi trẻ. Ngay lúc ghi danh học, ngay từ tuần đầu tiên, đối thoại và ký giao kèo với trẻ về một số điều tối thiểu để có thể sống chung hòa bình trong trường và học hành ra nền ra nếp. Mỗi em có một phần công việc trong cuộc hành trình tiến tới hiểu biết. Đó là những cam kết và dù học sinh còn trẻ, chúng có khả năng trọng chữ tín và cố gắng xứng đáng với niềm tin mà người lớn trao cho chúng.

5. “Dạy” luật sống chung ở trường và trong xã hội

Gần đây, bên nhà ta đưa vào chương trình những môn dạy kỹ năng sống, như một phong trào, có khi làm nặng thêm chương trình vốn đã quá tải cho các em học sinh. Rất nhiều kỹ năng sống được hấp thụ một cách dễ dàng và hấp thụ bền vững mà không cần dạy. Theo cái kiểu “gần đèn thì sáng” : nhờ kỷ luật học đường, nhờ nội dung các bài văn, các bài sử và cả các bài về sinh học hay về môi trường, bài hát, nhờ gương mẫu của học trò lớn đối với trò nhỏ, nhờ đạo đức của bậc thầy và hiệu trưởng trường, ...

Nếu cần thì thêm vào ít bài về giáo dục công dân – bài thực hành chứ không phải bài để học thuộc lòng

-Ở trời Âu ?

Nếu xem thống kê thì sẽ thấy gần 20% học sinh ở trời Âu, trong suốt học trình ( khoảng 15 năm giáo dục cưỡng bách) ít nhất là có một lần là nạn nhân của bạo lực học đường. Bạo lực này có nhiều hình thức khác nhau: bị trêu ghẹo, bêu xấu, chửi mắng, loại trừ, cách ly không cho sinh hoạt cùng với nhóm, cướp đoạt tiền túi hay trong những trường hợp nặng hơn, bị đánh đập, gây thương tích, ...Tính ra cho mỗi năm thì trung bình 1,20% - 1,30% trò là nạn nhân của bạo lực.

Ngừa và chống bạo lực học đường cũng là mối quan tâm hàng đầu ở mọi nơi.

Nguyễn Huỳnh Mai