Bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội có gì đặc biệt?

Lệ Thu

(Dân trí) - Vì là trường chuyên sâu khoa học, kỹ thuật nên bài thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội có đặc thù riêng.

Do trường ĐH Bách khoa Hà Nội có  đặc thù là trường chuyên sâu về khoa học kỹ thuật, công nghệ nên cách tiếp cận, cấu trúc bài thi đánh giá tư duy cũng hướng tới những mục tiêu riêng, phù hợp với học sinh có ý định tham gia học tại trường kỹ thuật.

PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, bài thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, mục tiêu bài thi hướng tới nâng cao chất lượng tuyển sinh đại học bằng hình thức đánh giá năng lực tư duy tổng thể của học sinh theo hướng tiếp cận với phương pháp của các nước phát triển trên thế giới; đồng thời từng bước hoàn thiện để tiến tới hoàn toàn tự chủ trong công tác tuyển sinh.

Nhà trường tập trung vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức Toán THPT để giải quyết các vấn đề thực tế; đánh giá hiểu biết về Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh); đánh giá năng lực đọc nhanh, hiểu đúng vấn đề về khoa học kỹ thuật và đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh.

Bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội có gì đặc biệt? - 1
Bốn mục tiêu cụ thể của bài thi đánh giá tư duy.

Cấu trúc bài thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa gồm 3 phần, trong 180 phút. Phần một là đánh giá năng lực Toán gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, thi trong 90 phút.

Phần này đánh giá bốn kỹ năng là mô hình hóa Toán học, giải quyết vấn đề, tư duy và lập luận Toán học, kỹ năng giao tiếp Toán học.

Bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội có gì đặc biệt? - 2
Cấu trúc bài thi.

Phần hai là phần Đọc hiểu, thời gian làm bài trong 30 phút với khoảng 3-4 bài đọc, mỗi bài dài 800 - 1.000 từ về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ. Số câu hỏi sau mỗi bài đọc là 6 - 9 câu.

Phần ba là bài tự chọn. Thí sinh sẽ 1 trong 3 nội dung là bài Lý - Hóa, Hóa - Sinh hoặc Tiếng Anh. Nội dung kiểm tra nằm trong chương trình THPT, ở mức thông hiểu và vận dụng. Thí sinh làm bài trong 60 phút.

Bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội có gì đặc biệt? - 3
Nhiều ví dụ minh họa được đưa ra cho học sinh tham khảo…
Bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội có gì đặc biệt? - 4
Bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội có gì đặc biệt? - 5

Theo ông Kiên, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xác định và chuẩn bị khá kỹ cho việc tổ chức kỳ thi này. Dự kiến năm 2021, trường vẫn tổ chức thi viết và hướng tới tổ chức thi trên máy trong những năm tới.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Bách khoa sẽ áp dụng điều kiện sơ tuyển theo học bạ, trong đó thí sinh phải có điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn trong tổ hợp sơ tuyển phải đạt từ 7.0 trở lên.

Bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội có gì đặc biệt? - 6

Tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh bằng xét tuyển kết quả bài thi đánh giá tư duy dự kiến tăng gấp đôi năm ngoái.

Bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội có gì đặc biệt? - 7

Năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức thi ở ba tỉnh, thành phía Bắc với khoảng 8.000-10.000 thí sinh.Trường dự kiến sẽ dành 30-40% (năm ngoái là 15%) tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng việc xét tuyển từ kết quả của bài thi đánh giá tư duy.

Trường ĐH Bách khoa với đặc thù tuyển sinh viên cho ngành kỹ thuật sẽ yêu cầu thí sinh phải sơ tuyển.

Đơn cử trường sẽ xét theo điểm trung bình 6 học kỳ THPT của điểm 3 môn theo tổ hợp lựa chọn: Toán - Lý - Hóa; Toán - Hóa - Sinh; Toán - Văn - Anh và điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT trong tổ hợp môn sơ tuyển đạt từ 7.0 trở lên.

Nhà trường sử dụng kết quả bài kiểm tra đánh giá năng lực này là kết quả để tuyển sinh ĐH. Ngoài ra, trường vẫn duy trì xét tuyển thẳng cũng như sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.