Bài 1: Vì sao cơ quan chủ quản và trường đại học chưa muốn "buông" nhau?

(Dân trí) - Các cơ sở giáo dục dám bứt phá thì thấy vướng đủ thứ, còn cơ quan chủ quản cũng chưa muốn "buông" các trường dù các các cơ sở này này đã tự chủ hay chưa tự chủ, có thể vì quyền, vì lợi hay cả hai?

Đó là nhận định của GS.TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong bài viết về: "Mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường đại học".

Bài 1: Vì sao cơ quan chủ quản và trường đại học chưa muốn buông nhau? - 1
Sinh viên trường ĐH sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long trong giờ thực hành

 Tự chủ đại học xuất phát từ sau khoán 10

GS.TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, "câu chuyện" tự chủ đại học (TCĐH) của nước ta xuất phát từ yêu cầu "mở cửa" nền kinh tế; để giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước, nên gần như ngay sau khi có chủ trương đổi mới về kinh tế (sau "Khoán 10" năm 1988), đảng và nhà nước ta đã có chủ trương đổi mới về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), như một trong những giải pháp "cởi trói" nhằm thúc đẩy giáo dục nói chung, giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng phát triển.

 Sự quản lý mang dáng dấp "tập quyền" thời chiến, thời kinh tế tập trung theo mô hình Xô viết đã "bó chân bó tay" các trường đại học, họ không thể 'lớn' lên được trong nền kinh tế thị trường.

Chính vì vậy, mục đích của tự chủ là để các trường đại học "trưởng thành", l để có chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội ngày một tốt hơn, hình thành nguồn nhân lực mới, đủ sức gánh vác sứ mệnh của thế hệ trong việc đưa đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng và đầy đủ hơn với cộng đồng quốc tế.

Trong những năm qua GDĐH đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào, 5-10 năm trước đây, các trường ĐH Việt Nam còn chưa có tên trên "bản đồ" GDĐH thế giới, thì nay đã xuất hiện trên tấm bản đồ ấy, và chắc chắn là còn tiếp tục tiến xa. Đó là kết quả không thể khác sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ các nhà giáo, các nhà khoa học trong hệ thống GDĐH, với những chăm lo và quan tâm sâu sắc của đảng, của nhà nước và của xã hội đối với sự nghiệp GDĐH.  

Tuy nhiên, cũng có một thực tế là, cho đến nay, dù TCĐH đã được thừa nhận và thúc đẩy gần 30 năm, nhưng dường như chưa thực sự tạo ra những chuyển biến đáng kể về chất lượng đào tạo, quản trị và NCKH so với tiềm năng của các CSGD và so với mong đợi của xã hội.

GS Trần Đức Viên cho rằng, việc chuyển sang cơ chế TCĐH là chuyển từ quan hệ cấp trên-cấp dưới, ra lệnh-phục tùng sang quan hệ đối tác khi CSGD trở thành pháp nhân độc lập, trong quan hệ giữa chính phủ và CSGD có yếu tố thị trường 'chen' vào và trở thành tác nhân quan trọng; việc chuyển đổi ấy là một chặng đường dài, đầy gập ghềnh, bất trắc, với các thử nghiệm và trải nghiệm; nhưng đã đi thì sẽ đến.

Nuôi dưỡng và mở rộng quyền tự chủ ĐH là điều kiện tiên quyết cho một nền GDĐH phát triển và hội nhập. Muốn ĐH tự chủ thực sự, HĐT phải có thực quyền theo Luật định, chỉ khi ấy mới nói đến việc xóa bỏ cơ chế chủ quản. Điều này đã được Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định rõ. Tuy nhiên trong thực tế triển khai, việc giải quyết mối quan hệ giữa các thiết chế đảng ủy - HĐT - hiệu trưởng cũng như điều kiện tiến đến 'xóa cơ chế chủ quản' như tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP, Nghị quyết số 19-NQ/TW đang đặt ra không ít những thách thức, khó khăn và vướng mắc.

"Cái áo" của cơ quan chủ quản có cũ và chật?

Trong khi các trường ĐH nói chung, các trường tự chủ nói riêng, trừ một vài trường nhờ có người đứng đầu dũng cảm, dám bứt phá, tạo nên các dấu ấn đáng trân trọng trong việc nâng cao chất lượng, còn nhìn chung vẫn còn đó các CSGD không chịu lớn và không muốn lớn.

Theo GS Trần Đức Viên, sự khác biệt về chất lượng giữa trường đã tự chủ và trường chưa tự chủ chưa rõ nét; vì thực ra, đa số các trường "thí điểm" tự chủ vốn đã là các trường mạnh, chưa hẳn những thành tựu của họ vừa qua là do TCĐH.

Thêm nữa, sự chuyển dịch của GDĐH Việt Nam trên "bản đồ" GDĐH thế giới chủ yếu là do sự đóng góp của một vài trường 'thí điểm tự chủ' dám bứt phá, và một vài CSGD công lập khác được nhận ngân sách đều đặn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, nên đã có các đóng góp nổi trội về KH&CN so với các trường không được nhà nước rót ngân sách chi thường xuyên.

Trong khi chưa có những đánh giá, đo lường cụ thể và khả tín về việc tự chủ theo mô hình hiện nay tốt hơn là không tự chủ như thế nào, thì lại có một thực tế là: Luật GDĐH số 34 đã có bước tiến lớn nhằm trao quyền tự chủ thực sự cho trường ĐH, các quy định về nhiệm vụ của Hội đồng trường (HĐT) được mở rộng và cụ thể hơn rất nhiều nhưng nếu như thiếu vắng 'biện pháp hành chính' thì tất cả các trường đều 'automatickly' 'được' tự chủ theo quy định của Luật số 34, thì cho đến nay, không biết đã có thêm bao nhiêu trường ĐH công lập đứng thêm vào đội ngũ của 23 trường đã tự chủ (23/175, tỷ lệ 13.1%) từ trước khi Luật số 34 và Nghị định 99 có hiệu lực pháp lý?

Thêm nữa, theo yêu cầu của Nghị định 99, chậm nhất là sau 6 tháng (nghĩa là hạn chót là ngày 15/8/2020), tất cả CSGD công lập, trừ khối trường công an, quân đội, phải có HĐT được thành lập theo quy định của Luật số 34 nhưng đến ngày 30/10/2020 theo báo cáo của cơ quan chức năng mới có 31/35 CSGD trực thuộc Bộ GD&ĐT (4 đơn vị đang tiến hành quy trình), 54 CSGD ngoài các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT thành lập HĐT theo Luật mới, trên tổng số 175 trường ĐH công lập (81/175, 46,3%).

Bộ GD&ĐT đang tiếp tục "đốc thúc" các cơ quan quản lý trực tiếp CSGD để đến hết năm nay (năm 2020) "về cơ bản" các trường ĐH công lập đều có HĐT. Nếu thiếu vắng sức ép về mặt hành chính, thì không ít trường gần như vẫn tìm cách để đứng ngoài cuộc; với các trường đã thành lập HĐT rồi, thì dường như thiết chế này hoặc là vẫn đang hoạt động như một bộ máy quản lý 'mở rộng' của Hiệu trưởng (HT) hoặc là một tổ chức tư vấn cho HT.

GS Trần Đức Viên cho rằng, trong quá trình vận hành TCĐH, người ta thấy phản ứng của các trường ĐH với "cơ chế chủ quản" có thể chia làm hai nhóm: Hoặc là chưa muốn từ bỏ CQCQ, chưa muốn thoát ra khỏi cơ chế cũ, phát triển tuy có chậm nhưng 'lành' và an toàn; Hoặc là đón nhận cơ chế TCĐH như đón một luồng sinh khí mới, làm được nhiều việc tốt nhưng cũng đòi hỏi CQCQ trả lại các quyền tự chủ đã được luật định để họ có thể phát huy cao nhất các lợi thế do TCĐH mang lại, đưa trường ĐH lên tầm cao mới về quản trị và chất lượng. Một số ít trường thuộc loại này thường có khúc mắc và đôi khi là xung đột về tự chủ ĐH với CQCQ.

Tình trạng số đông vẫn muốn duy trì lề thói tuân thủ quản lý từ trên xuống và hiện tượng một vài xung đột giữa CQCQ với trường trực thuộc thời gian qua đã gióng lên hồi chuông báo động về việc 'cái áo' của cơ chế chủ quản cũ đã chật hẹp, cần phải giải quyết mối quan hệ giữa CQCQ và trường trực thuộc một cách căn cơ, bài bản, khoa học, 'tâm phục khẩu phục' để từng bước xóa bỏ cơ chế chủ quản theo tinh thần của Nghị quyết 14/2005, để các trường 'gọi dạ bảo vâng' buộc phải 'trưởng thành', còn các trường muốn bứt phá thì có khung pháp lý đủ rộng cho họ tự tin bước trên con đường tự chủ vì đã được pháp luật bảo vệ.

Vậy, tại sao có sự chậm chạp đến như vậy? GS Trần Đức Viên phân tích: Còn có những điều gì đó chưa thực sự tạo ra động lực và nguồn lực cho TCĐH, có thể là do môi trường cho tiến trình TCĐH của chúng ta còn đang ở tình trạng "trong chưa ấm, ngoài chưa êm".

Với các trường có HĐT được thành lập do một thúc ép hành chính nào đó để 'đối phó', nên HĐT chưa đủ mạnh, chưa có thực quyền, chỉ là một thiết chế hữu danh vô thực, mang tính hình thức. Với các CSGD này CQCQ không chỉ là nơi cấp phát kinh phí, mà quan trọng hơn, đó còn là 'tấm khiên' giúp họ tránh được các rủi ro trách nhiệm và 'cạm bẫy' về mặt pháp lý mà họ có thể bị vướng vào.

"Hiệu trưởng một trường ĐH phải thực hành một lúc rất nhiều 'vai', mà đa số họ lại không được đào tạo kỹ càng về pháp lý, trong khi hệ thống pháp luật của chúng ta còn chưa đồng bộ, một số điều luật, hướng dẫn còn chưa đủ rõ ràng, dẫn đến cách hiểu còn chưa thống nhất. Các trường loại này chưa muốn thoát khỏi cơ chế chủ quản, trong khi, các CSGD dám bứt phá thì thấy vướng đủ thứ, và họ muốn được giao thêm thực quyền. Còn CQCQ cũng chưa muốn 'buông' các trường trực thuộc, dù các CSGD này đã tự chủ hay chưa tự chủ, có thể vì quyền, vì lợi hay cả hai" - GS Trần Đức Viên nhấn mạnh.

Bài 2:  8 nguyên nhân chưa thể dỡ bỏ "cái áo" cơ chế chủ quản