Ăn trái cây và rau củ tốt cho sức khỏe tinh thần của trẻ

Minh Hiếu

(Dân trí) - Một nghiên cứu đã cho thấy việc quan tâm hơn đến chế độ ăn, bổ sung hoa quả và trái cây sẽ giúp cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần của trẻ.

Về cơ bản, các tiêu chí đánh giá sức khỏe của người lớn và trẻ em là tương đương nhau, nhưng không hoàn toàn giống nhau ở cả hai nhóm. Trẻ em vẫn đang phát triển và cần phải tính đến nhiều yếu tố hơn khi đánh giá sức khỏe.

Ăn trái cây và rau củ tốt cho sức khỏe tinh thần của trẻ - 1

Một nghiên cứu gần đây cho biết ăn nhiều trái cây và rau củ có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần ở trẻ em (Ảnh: Smart Parenting).

Mối liên hệ giữa dinh dưỡng và sức khỏe tinh thần của trẻ em là chủ đề luôn được quan tâm. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ Nutrition, Prevention & Health tiết lộ rằng ăn nhiều trái cây và rau củ có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của trẻ.

Sức khỏe tinh thần của trẻ em

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra định nghĩa về trẻ em có tinh thần khỏe mạnh như sau:

"Khỏe mạnh về mặt tinh thần trong giai đoạn thời thơ ấu là đạt được các mốc phát triển và cảm xúc nhất định, đồng thời có các kỹ năng xã hội lành mạnh và cách xử lý tình huống. Trẻ em khỏe mạnh về mặt tinh thần có chất lượng cuộc sống tích cực và có thể hoạt động tốt ở nhà, ở trường và trong cộng đồng".

Nhà tâm lý học và nhà tư vấn sức khỏe Lee Chambers đã giải thích thêm về vai trò của sức khỏe tinh thần đối với trẻ em: "Sức khỏe tinh thần của trẻ đóng vai trò quan trọng hơn cả kết quả sức khỏe thể chất của chúng. Sức khỏe tinh thần tốt ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và cũng tác động đến một loạt các lĩnh vực khác, từ giáo dục, sức khỏe thể chất, tình bạn đến việc ra quyết định".

Đồng thời, trẻ có sức khỏe tinh thần tốt là nền tảng để phát triển khả năng phục hồi, đối phó với căng thẳng và trưởng thành một cách toàn diện. 

Trong một thế giới ngày càng năng động và liên tục thay đổi, sức khỏe tinh thần là nền tảng để con trẻ khám phá, học hỏi và vui chơi, đồng thời vượt qua những thách thức đi kèm với quá trình trưởng thành.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ em. Trong đó, mối quan hệ giữa dinh dưỡng và sức khỏe tâm thần là một đề tài rất được quan tâm, đặc biệt là dinh dưỡng có liên quan như thế nào đến sức khỏe tinh thần của trẻ em.

Các tác giả của nghiên cứu lưu ý rằng: "Dinh dưỡng, một yếu tố có thể điều chỉnh được ở cả cấp độ cá nhân và xã hội, có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe trong suốt cuộc đời, liên quan mật thiết đến sự phát triển và hoạt động bình thường của cơ thể. Do đó, dinh dưỡng có khả năng ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần khỏe mạnh".

Nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện để xác định mối liên hệ giữa việc ăn trái cây, rau củ với sức khỏe tinh thần của những trẻ đang trong độ tuổi đến trường. Bên cạnh đó, loại đồ ăn trong bữa sáng và bữa trưa cũng ảnh hưởng đến chỉ số sức khỏe tinh thần của các em.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ hơn 50 trường học ở Vương quốc Anh, bao gồm các trường tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học. Tổng cộng có 10.853 học sinh đã tham gia vào cuộc khảo sát này.

Đối với học sinh trung học, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp đánh giá sức khỏe tâm thần được gọi là Thang đo sức khỏe tâm thần Warwick-Edinburgh. Đối với học sinh tiểu học, họ sử dụng một đánh giá có tên Thang điểm Sức khỏe của trẻ em Stirling.

Cụ thể, đối tượng khảo sát sẽ trả lời các câu hỏi về lượng trái cây và rau củ tiêu thụ hàng ngày cũng như loại bữa sáng và bữa trưa của các em. Các nhà khoa học cũng thu thập dữ liệu về các yếu tố khác, chẳng hạn như dinh dưỡng, tuổi, dân tộc, tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh sống…

Dinh dưỡng và sức khỏe tinh thần

Kết quả nghiên cứu cho thấy lượng trái cây và rau củ trong bữa ăn tỷ lệ thuận với điểm số sức khỏe tinh thần ở học sinh trung học.

Thêm vào đó, ở lứa tuổi trung học, những em chỉ dùng một loại đồ uống thay cho bữa sáng có điểm số sức khỏe tâm thần thấp hơn so với những em hoàn toàn không ăn sáng.

Đối với cả học sinh tiểu học và trung học, điểm số hạnh phúc về tinh thần ở những trẻ ăn sáng hoặc ăn trưa cao hơn so với những trẻ không ăn những bữa này.

Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Ailsa Welch đã nhấn mạnh những phát hiện sau:

"Trong một lớp học gồm 30 học sinh trung học, có 4 học sinh không ăn sáng trước khi bắt đầu lớp học và 3 học sinh không ăn gì vào bữa trưa. Chỉ 25% học sinh ăn đủ 5 suất trái cây và rau củ trở lên mỗi ngày và 10% các em không ăn trái cây và rau củ".

Theo giáo sư, những số liệu thống kê này đáng lo ngại, vì chế độ dinh dưỡng kém có khả năng ảnh hưởng đến kết quả học tập ở trường cũng như sự tăng trưởng và phát triển của thế hệ trẻ.

Hạn chế và hàm ý của nghiên cứu

Các tác giả lưu ý một số hạn chế trong nghiên cứu của họ. Thứ nhất, vì trẻ chỉ lấy phiếu điều tra một lần nên các nhà khoa học không thể theo dõi những thay đổi về sức khỏe và chế độ ăn uống theo thời gian.

Thứ hai, việc thu thập dữ liệu dựa trên báo cáo do chính học sinh thực hiện, nên có khả năng không chính xác. 

Dựa trên nghiên cứu trước đây và kết quả của nghiên cứu mới, các chuyên gia ủng hộ các trường học cung cấp đủ thực phẩm dinh dưỡng cho học sinh.

Giáo sư Welch nhấn mạnh: "Tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học cần được cung cấp một chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tối ưu hóa sức khỏe tinh thần và giúp trẻ phát huy hết tiềm năng của mình. Mối liên hệ giữa dinh dưỡng và sức khỏe tinh thần trong nghiên cứu của chúng tôi nhằm mục đích đẩy mạnh các chiến lược cải thiện dinh dưỡng học đường".

Giáo sư cũng lưu ý rằng chúng ta cần hiểu lý do mà một số học sinh không ăn đủ bữa. "Cần phải có những cuộc điều tra sâu hơn để tìm ra lý do tại sao một số trẻ em không ăn sáng và/hoặc ăn trưa, hoặc chỉ dùng đồ uống thay cho bữa ăn".

Nhìn chung, mối liên hệ giữa dinh dưỡng và sức khỏe tinh thần này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em để nâng cao sức khỏe tinh thần của thế hệ trẻ.

Theo www.medicalnewstoday.com