13 tỉnh, thành dừng học trực tiếp, cần ổn định tâm lý cho trẻ khi F0 tăng

Võ Sông Hương

(Dân trí) - Thống kê mới nhất đến tối ngày 22/2 của Bộ GD-ĐT, cả nước có 50 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. 13 tỉnh, thành phố hiện dừng dạy học trực tiếp do dịch bệnh diễn biến phức tạp.

13 tỉnh, thành dừng học trực tiếp, cần ổn định tâm lý cho trẻ khi F0 tăng - 1

50 tỉnh, thành đã tổ chức cho học sinh học trực tiếp (Ảnh: DT).

Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, ở bậc Mầm non, 50 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. 13 tỉnh, thành phố hiện dừng dạy học trực tiếp do dịch bệnh diễn biến phức tạp tại địa phương, gồm: Thành phố Hà Nội; thành phố Đà Nẵng (tổ chức cho trẻ đi học tại 2 quận Thanh Khê và Sơn Trà); Tiền Giang (trẻ 5 tuổi tổ chức cho đi học từ 21/2, trẻ dưới 5 tuổi tổ chức từ ngày 24/2); Bạc Liêu (trẻ 5 tuổi tổ chức cho đi học từ 21/2, trẻ dưới 5 tuổi tổ chức từ ngày 28/2); An Giang, Phú Yên, Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên; Đắk Lắk (có thành phố Buôn Mê Thuột dừng dạy học trực tiếp).

Bậc Tiểu học có 52 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. 11 tỉnh, thành phố hiện dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp, gồm: An Giang (khối lớp 1, 2); Tiền Giang (khối lớp 3, 4), Hà Nội (12 quận nội thành); Đắk Lắk (thành phố Buôn Mê Thuột); Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh.

Bậc Trung học cơ sở có 59 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. 4 tỉnh, thành phố dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp, gồm: Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội (khối lớp 6 của 12 quận nội thành).

Bậc Trung học phổ thông có 62 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. 1 địa phương là Lào Cai dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp.

Ổn định tâm lý cho học sinh quay trở lại trường khi F0 tăng

Dù chỉ mới quay lại học trực tiếp được 2 tuần sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán nhưng việc trong trường học xuất hiện có ca F0 đã khiến cô giáo Phạm Thị Phương - Hiệu phó Trường THPT Hà Huy Tập (Hà Tĩnh) lo lắng đến mất ngủ. Cô Phương cho biết, trường có gần 2.000 học sinh, thuộc 9 xã khác nhau do đó việc xuất hiện ca F0 là điều có thể hoàn toàn xảy ra.

"Ngay từ đầu năm học, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện ngoài cộng đồng, học sinh lúc đó cũng chưa được tiêm chủng nên nhà trường đã cho học online 100% để đảm bảo an toàn. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết học sinh đã được tiêm 2 mũi, nhận thấy việc học online cũng không thật sự hiệu quả nên chúng tôi mới bắt đầu cho học sinh tới trường theo nguyên tắc 5K. Tuy nhiên, việc học sinh nhiễm bệnh từ ngoài cộng đồng là một điều nhà trường không thể tránh khỏi." - Cô Phương chia sẻ.

Cô Phương cho biết, dù có xuất hiện ca F0 nhưng nhà trường vẫn luôn chú trọng công tác ổn định tâm lý cho các em. Ngay khi có xuất hiện ca dương tính đầu tiên, nhà trường là lên danh sách các F1 để tiến hành cho các em học trực tuyến tại nhà. Bên cạnh đó nhà trường cũng luôn nhắc nhở các em theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu mắc phải thì phải báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm để được hỗ trợ kịp thời.

Không chỉ nỗi lo về dịch bệnh, nhiều em đã từng là F0 còn sợ phải quay lại trường học vì sợ bạn bè xung quanh xa lánh và kỳ thị. Nói về vấn đề này, cô Phương cho biết: "Nhà trường là ngôi nhà thứ 2 của các em nên sẽ không có chuyện các em bị xa lánh nơi trường học. Trong công tác phòng chống dịch, chúng tôi cũng luôn tuyên truyền một cách khoa học về mỗi chu kỳ diễn biến của Covid-19. Ngoài ra, nhà trường cũng nhắc nhở các em rằng, Covid-19 chỉ là một căn bệnh cúm thông thường và nó không đáng sợ như chúng ta nghĩ. Đặc biệt, những ai đã từng là F0 thì nhà trường cũng yêu cầu tất cả giáo viên chủ nhiệm và học sinh giúp đỡ để bạn có thể ổn định tâm lý khi tới trường."

PGS, TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Hiện nay, dù số ca dương tính ngày một tăng cao nhưng có thể nhận thấy rằng, xã hội đã hoàn toàn thích ứng được với dịch bệnh và coi đó như một bệnh cúm thông thường. Do không còn chiến lược "Zero-Covid" nên chúng ta cần phải học cách đối diện và thích nghi với nguy cơ trở thành F0. Dịch bệnh sẽ không có gì đáng ngại nếu chúng ta trang bị đủ kiến thức để có thể tự bảo vệ mình."

Theo chuyên gia tâm lý này, để có thể giúp con trẻ ổn định tâm lý quay trở lại trường trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, bản thân mỗi phụ huynh luôn phải nhắc nhở con những biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, quy tắc phòng chống dịch 5K… Công việc này các bậc phụ huynh nên lặp đi lặp lại hằng ngày để tạo cho con trẻ một thói quen, từ đó các con trẻ phải tự biết bảo vệ mình.

"Đối với các nhà trường thì nên có những phương pháp hiệu quả để nhắc nhở học sinh phòng chống dịch bệnh. Nhà trường phải xác định được rõ danh sách F0, F1 để thực hiện cách ly sao cho hiệu quả. Tránh trường hợp lớp học có 1 ca F0 thì các lớp xung quanh đều có lịch nghỉ, hoặc làm quá lên khiến tâm lý học sinh e ngại và sợ hãi đến trường." - PGS, TS Trần Thành Nam nhận định.