PhotoStory

Xem khách Tây làm trâu cày, dân làng rước kiệu Bà Cầu

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Chương trình "Chợ quê ngày hội" tại khu di tích quốc gia cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) có nhiều hoạt động hấp dẫn và thu hút đông đảo người dân, du khách tham dự.

Xem khách Tây làm trâu cày, dân làng rước kiệu Bà Cầu - 1

Tối 27/6, thị xã Hương Thủy khai mạc chương trình Chợ quê ngày hội, hưởng ứng Festival Huế 2024 tại khu di tích quốc gia cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đây là chương trình văn hóa du lịch tổng hợp được tổ chức trong nhiều năm trở lại đây nhằm hưởng ứng Festival Huế, kết nối du khách với nét đẹp truyền thống của quê hương (Ảnh: Đình Hoàng).

Xem khách Tây làm trâu cày, dân làng rước kiệu Bà Cầu - 2

Bà Ngô Thị Ái Hương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế), cho biết chương trình nhằm tôn vinh, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa, khai thác thế mạnh về danh thắng, các loại hình lễ hội, qua đó thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

Chợ quê ngày hội năm nay diễn ra từ 27 đến 30/6, với nhiều hoạt động hấp dẫn, hứa hẹn mang đến trải nghiệm độc đáo, giúp du khách gần xa hiểu thêm về văn hóa, con người, tiềm năng du lịch của thị xã Hương Thủy.

Xem khách Tây làm trâu cày, dân làng rước kiệu Bà Cầu - 3

Một trong những điểm nhấn quan trọng của chương trình Chợ quê ngày hội, đó chính là lễ cung nghinh hương linh bà Trần Thị Đạo, người có công lớn trong việc xây dựng cầu ngói Thanh Toàn.

Xem khách Tây làm trâu cày, dân làng rước kiệu Bà Cầu - 4

Đoàn cung nghinh năm nay có quy mô khoảng hơn 100 người, với 18 lớp, gồm các tổ cờ xí, lễ nhạc, quân binh, gánh kiệu, vật tế, các bô lão trong làng và đại diện các đoàn thể của làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh.

Theo các vị già làng, so với dịp lễ kỵ chính thức của bà Trần Thị Đạo, hay còn gọi là "lễ kỵ Bà Cầu" (15/8 Âm lịch hàng năm), đoàn cung nghinh dịp này có quy mô nhỏ hơn và mang tính lễ hội là chính.

Xem khách Tây làm trâu cày, dân làng rước kiệu Bà Cầu - 5

Sau lễ cúng, cáo tại nhà thờ họ Trần và am thờ bà Trần Thị Đạo, buổi lễ tiếp tục bằng nghi thức cung nghinh hương linh người có công xây dựng cầu ngói Thanh Toàn đi quanh làng rồi đến đình làng Thanh Thủy Chánh.

Từ  đình làng Thanh Thủy Chánh, hương linh bà Trần Thị Đạo được rước  đến án thờ chính tại gian giữa của cầu ngói Thanh Toàn. 

Xem khách Tây làm trâu cày, dân làng rước kiệu Bà Cầu - 6

Đoàn cung nginh đi qua những con đường đã được chỉnh trang, mở rộng và trồng thêm nhiều cây xanh của làng Thanh Thủy Chánh.

Xem khách Tây làm trâu cày, dân làng rước kiệu Bà Cầu - 7

Các bậc cao niên của làng Thanh Thủy Chánh thực hiện nghi thức cúng bái hương linh bà Trần Thị Đạo tại hương án nằm ở gian giữa cầu ngói Thanh Toàn.

Đây là việc làm thể hiện nét đẹp truyền thống, ghi nhớ công ơn tiền nhân, đồng thời góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ mai sau.

Xem khách Tây làm trâu cày, dân làng rước kiệu Bà Cầu - 8

Về với chương trình Chợ quê ngày hội, người dân và du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, như: trình diễn áo dài cộng đồng, ẩm thực, trình diễn bài chòi, trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp, lễ hội hoa đăng, đi cầu khỉ trên sông Như Ý, bịt mắt bắt vịt, đu dây qua sông, đua ghe câu, mua bán nông sản, tham quan, check-in các điểm di tích lịch sử, điểm du lịch… 

Trong ảnh là đoàn du khách đến từ Mỹ vào tham quan nhà trưng bày nông cụ, khu di tích cầu ngói Thanh Toàn và tỏ ra thích thú khi trải nghiệm làm thử trâu cày.

Xem khách Tây làm trâu cày, dân làng rước kiệu Bà Cầu - 9

Một nam du khách Mỹ khác thử khả năng giã gạo bằng cối, rồi xay gạo thành bột tại nhà nông cụ.

Xem khách Tây làm trâu cày, dân làng rước kiệu Bà Cầu - 10
Xem khách Tây làm trâu cày, dân làng rước kiệu Bà Cầu - 11

Các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, đi cầu khỉ, nhảy bao bố, đu dây qua sông, bắt vịt trên sông, bịt mắt bắt gà kiến trên cạn, đua ghe câu,... nằm trong khuôn khổ Chợ quê ngày hội thu hút đông đảo học sinh, du khách tham gia.

Bên cạnh đó, khi về cầu ngói Thanh Toàn, du khách cũng không nên quên lễ hội Bài Chòi, một trong những di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận.

Cầu ngói Thanh Toàn ở làng Thanh Thủy Chánh (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km về phía đông.

Cầu do bà Trần Thị Đạo, vợ một vị quan cao cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông xây dựng vào năm 1776 theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu). Cầu dài 17,8m, rộng 5,3m chia làm 7 gian với cách bố trí giống như 7 gian trong một ngôi nhà lớn.

Đây là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Năm 1990, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận cầu ngói Thanh Toàn là di tích cấp quốc gia.

Tháng 4/2020, chính quyền địa phương cho hạ giải cầu ngói Thanh Toàn để tiến hành bảo tồn, tu bổ, tôn tạo lại, với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Đến ngày 25/4/2021, việc trùng tu hoàn thành, đưa vào khai thác cho đến nay.