1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nghệ An:

Ví phường vải Nam Đàn - đậm đà bản sắc quê hương

(Dân trí) - Nam Đàn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, được xem là cái nôi sinh ra của hát nói ví phường vải. Trải qua những biến cố thăng trầm cùng với sự phát triển của lịch sử, đến nay, ví phường vải vẫn được bảo tồn và duy trì, có sức hút đặc biệt đối với những người con xa xứ.

Ví phường vải - âm hưởng dân ca xứ Nghệ

Từ xa xưa, bên bờ sông Lam, khi nghề trồng bông dệt vải đang thịnh hành trên mảnh đất Nam Đàn. Vào những đêm trăng thanh gió mát, nam thanh nữ tú trong làng vừa quay sợi vừa góp vui bằng những câu hát ví.

Cụ Trần Văn Tư (90 tuổi) - nghệ nhân phường vải có tiếng tại Kim Liên (Nam Đàn) cho hay: “Phường vải thường tổ chức vào ban đêm vì ban ngày hầu hết mọi người đi lao động sản xuất. Trong một phường như thế không phải là đông lắm, khoảng 10 - 15 người chi đó”.

Theo ông Tư, đối đáp trong ví phường vải thể hiện rõ nét dấu ấn của từng vùng miền. Làn điệu trong hát phường vải không phải nơi nào cũng giống nơi nào, tuy nhiên, chúng đều có những quy chuẩn riêng.

Cụ Trần Văn Tư - nghệ nhân hát phường vải có tiếng của Kim Liên (Nam Đàn).
Cụ Trần Văn Tư - nghệ nhân hát phường vải có tiếng của Kim Liên (Nam Đàn).

Hát phường vải có mặt ở nhiều nơi trên đất Nghệ - Tĩnh, nhưng không ở đâu có nhiều nghệ nhân hát hay và nổi tiếng như ở mảnh đất Nam Đàn.

Cụ Tư tự hào kể: “Sự nổi tiếng của phường vải Nam Đàn nhờ công lớn của bà Hoàng Thị An. Bà An nổi tiếng là một người thâm nho, đối đáp nhanh, phường hát của bà lúc nào cũng đông nhà nho đến góp vui…”.

Cái độc đáo của ví phường vải Nam Đàn chính là sự kết hợp giữa hai xu hướng dân gian hóa và bác học hóa. Theo cụ Tư, hát phường vải hay ở chỗ nó đòi hỏi người hỏi và người đối đáp phải “xuất khẩu thành thơ” trong thời gian ngắn mà không có kịch bản cho trước. Nhưng không phải nghệ nhân muốn hát gì thì hát, bởi hát ví phường vải phải đi theo một tuần tự nhất định.

“Hát ví phường vải cũng giống như cách giao tiếp hàng ngày của con người ta vậy. Đầu tiên là khâu chào hỏi. Chào xong đến khâu hát hỏi (hỏi quê quán ở mô, sau khi biết quê quán sẽ mời vô (vào) nhà). Tiếp đó là tự tình, giao duyên, cuối cùng là hát ra về”, cụ Tư chia sẻ thêm.

Cụ Tư bảo tiếp: “Trước khi chào hỏi phải có màn dạo cảnh, ví dụ như ở đây phong cảnh hữu tình, quang cảnh quê hương đẹp lắm thay… Trong một đêm không thể hoàn thành hết các giai đoạn từ chào hỏi đến hát ra về được, có khi giao duyên phải kéo dài đến hàng tháng, các giai đoạn đều có khoảng cách”.

Thời ấy, phường vải ở Nam Đàn phổ biến đến mức, trong một làng có tới 4 - 5 phường. Họ say mê hát về những câu chuyện tự tình, giao duyên đến những bài ca về tình yêu quê hương đất nước, chẳng hạn:

“Hỏi anh chìa khóa ai cầm

Giang sơn ai giữ, tảo tần ai lo

Chìa khóa có mẹ anh cầm

Giang sơn anh giữ, việc tảo tần em lo”.

Cụ Trần Văn Tư chia sẻ: Cái hay của hát ví phường vải nằm ở chỗ người hỏi và người trả lời phải đối đáp với nhau bằng thể thơ lục bát - một trong những thể thơ truyền thống của dân tộc có khả năng biểu đạt cảm xúc mượt mà, uyển chuyển và giàu sắc thái. Do đó, để hát ví phường vải thật hay và xuất sắc, các nam thanh nữ tú trong làng đều cần có một người thầy. Với cụ Trần Văn Tư, bà Hoàng Thị An là bậc thầy nổi tiếng về hát ví phường vải của mảnh đất Nam Đàn.

Từ nhỏ, cụ Tư cùng nhiều anh chị em trong làng đã mến mộ tài năng của bà Hoàng Thị An. Vì say mê và thích thú trước lối đối đáp tự nhiên và hóm hỉnh ngày ấy, cụ đã học theo và quyết định gắn bó với loại hình nghệ thuật này.

Những năm tháng thăng trầm

Trong những năm tháng chiến tranh, các phường vải trong làng nghỉ không hát nữa. Đến những năm 90, ví phường vải được phục hồi trở lại, và gìn giữ cho đến ngày hôm nay.

Một cảnh biểu diễn hát ví phường vải.
Một cảnh biểu diễn hát ví phường vải.

Điều mà cụ Tư cũng như nghệ nhân ở Câu lạc bộ ví phường vải Nam Đàn trăn trở là nhiều người trẻ ngày nay không còn mặn mà với loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống.

“Người trẻ giờ đây thích nghe nhạc thị trường, nhạc trẻ, âm hưởng của làn điệu dân ca dường như không đủ sức níu kéo họ ở lại”, cụ Tư cho hay

Hơn nữa, số lượng các nghệ nhân am hiểu sâu sắc về hát phường vải cũng đang ngày thưa dần. Năm 2008, toàn tỉnh Nghệ An có 8 nghệ nhân được vinh danh, riêng Kim Liên (Nam Đàn ) có tới 7 nghệ nhân. Song những người nghệ sỹ này đã già, ở tuổi 90. Ánh mắt cụ Tư vẫn đầy lo lắng khi nghĩ về tầng lớp sau này ai sẽ là người nối tiếp cha ông gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của mảnh đất Nam Đàn.

Nghệ nhân dân gian trải lòng: “Nhiều người học hát phường vải vài ba hôm lại bỏ về, làm cái gì cũng vậy nếu không có đam mê sẽ không theo đuổi được đến cùng. Trước kia, ở sân nhà tôi họ đến học đông lắm, nhưng cuối cùng chỉ còn lại 4 - 5 người quyết đi theo nghề”.

Cũng theo cụ Tư, thì ở Việt Nam hiện nay nói chung và Nghệ An nói riêng, không có trường đại học nào có ngành hát ví phường vải; nhiều người muốn học cũng không có thầy để giảng dạy.

Chia tay, cụ nhắn nhủ rằng: “Ví phường vải có thể bị mai một nếu nhà nước không có cơ chế chính sách nào để gìn giữ và bảo tồn.

Ngày 27.11.2014, tại Thủ đô Paris ( Pháp ), dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 9 của Việt Nam được tôn vinh trên trường quốc tế.

Mai Hương