1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững

(Dân trí) - Ngày 17/3, Tỉnh ủy Ninh Bình phối hợp với ĐHQGHN tổ chức hội thảo khoa học “Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững”. Đây là hoạt động mở đầu chào mừng kỷ niệm 25 tái lập tỉnh Ninh Bình.

Phát biểu chào mừng hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc mở đầu cho hoạt động chào mừng 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình; chào mừng lễ hội Hoa Lư và hướng tới kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam.

Trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cho biết, hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở trung ương và địa phương. Trong đó, có hơn 30 báo cáo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và những người quản lý tại địa phương tỉnh Ninh Bình. Đây đều là những ý kiến đóng góp, xây dựng văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, Chủ tịch hội đồng KH&ĐT ĐHQGHN đã giới thiệu đến hội thảo một số tham luận nổi bật. Các báo cáo nghiên cứu xoay quanh 3 phần lớn gồm: Truyền thống lịch sử - văn hóa quê hương Ninh Bình; Nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người và Quy hoạch và phát triển bền vững.

GS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam mở đầu báo cáo bằng bài phát biểu về “Vị thế địa - văn hóa của cố đô Hoa Lư và tính cách người Ninh Bình”. GS.TS Bền nêu rõ: “Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Bình hay nhắc đến câu ca: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An, để nói về tính cách người dân Ninh Bình.

GS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam với bài phát biểu về “Vị thế địa – văn hóa của cố đô Hoa Lư và tính cách người Ninh Bình.
GS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam với bài phát biểu về “Vị thế địa – văn hóa của cố đô Hoa Lư và tính cách người Ninh Bình.

Thời gian luôn là yếu tố có thể thay đổi nhiều hiện tượng văn hóa, nhưng nét hằng xuyên của nhiều hiện tượng văn hóa vẫn là điều chúng ta cần suy ngẫm. Vết hằn trong tâm thức nhiều thế hệ chính là nét hằng xuyên ấy. Vị thế địa - văn hóa một thời của kinh đô/cố đô Hoa Lư không phải không tác động đến tính cách con người Ninh Bình…”.

Một số tham luận khác nêu nổi bật về văn hóa và con người Ninh Bình cũng được các nhà khoa học trình bày trong hội thảo như: Ninh Bình trong tiến trình lịch sử dân tộc của GS.TSKH Vũ Minh Giang; Vị trí của triều Đinh trong lịch sử dân tộc của PGS.TS Vũ Đức Nhuệ; Đóng góp của các bậc cao tăng vào sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, củng cố nhà nước quân chủ của PGS.TS Phạm Hùng; Về tầm nhìn chiến lược cho phát triển bền vững tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa của GS.TSKH Trương Quang Học…

Sau phần trình bày các báo cáo, nhiều nhà khoa học, các đại biểu đã đánh giá cao những thành tựu mà tỉnh Ninh Bình đạt được trong 25 năm qua. Đặc biệt là phát triển du lịch bền vững, trở thành điểm đến nổi tiếng trong và ngoài nước. Các nhà khoa học cũng đóng góp những ý kiến quan trọng nhằm xây dựng Ninh Bình phát triển bền vững trong tương lại. Nổi bật như các giải pháp về phát triển du lịch, kinh tế, văn hóa và con người Ninh Bình…

Kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cảm ơn những ý kiến quan trọng để giúp Ninh Bình ngày càng phát triển hơn. Bí thư tỉnh Ninh Bình cũng hứa, sau hội thảo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.

Thái Bá