Truyện tranh Việt Nam và giấc mơ… xa vời
(Dân trí) - Truyện tranh không chỉ mang tính chất giải trí mà còn chứa đựng nhiều bài học cuộc sống và triết lý nhân sinh quan. Truyện tranh không chỉ dành cho trẻ con, mà còn dành cho cả người lớn. Thế nhưng, truyện tranh Việt Nam vẫn chỉ là giấc mơ xa...
Nói đến truyện tranh, không thể không kể đến truyện tranh Nhật Bản (thường được gọi là manga) vốn rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Ở vương quốc truyện tranh đó, những thần dân được gọi là otaku, không phân biệt lứa tuổi, màu da, sắc tộc hay tiếng nói, họ đều có một tên gọi chung như vậy. Truyện tranh Nhật Bản từ lâu đã thâm nhập và len lỏi tận trong ngóc ngách tâm hồn của những otaku Việt Nam nói riêng, otaku thế giới nói chung.
Kể từ sau Thế chiến thứ hai, manga Nhật Bản phát triển nhanh chóng, và cho đến năm 2007 nó đã chiếm lĩnh thị trường toàn cầu nhiều tỷ đô la. Suốt khoảng dài thời gian đó, nền công nghiệp truyện tranh Nhật Bản dần dần phát triển và tạo lập được một vị trí vững chắc trong vương quốc truyện tranh. Tại Việt Nam, từ những năm 80 độc giả đã bắt đầu được tiếp cận với một vài bộ truyện tranh của Nhật. Từ đó đến nay, những người yêu thích truyện tranh Nhật Bản ngày càng đông đảo và có thể nói áp đảo thị trường văn hóa văn học tại Việt Nam.
Cộng cho Manga Nhật Bản
Có nhiều lý do lý giải cho việc vì sao manga Nhật Bản “thống lĩnh” thị trường truyện tranh thế giới. Nhưng tựu trung lại, là bởi manga Nhật Bản có trên dưới 20 thể loại, với nhiều phong cách vẽ truyện khác nhau cùng với nội dung hấp dẫn và phong phú. Trong mỗi một câu chuyện đều chứa đựng những triết lý nhân sinh khác nhau.
Điều đáng nói ở đây là các tác giả Nhật Bản bằng văn phong và bút pháp của mình, đã đưa những điều tưởng chừng như khô cứng và giáo điều này vào trong tác phẩm một cách hết sức linh hoạt, mềm mỏng. Những câu thoại mang tính đời sống được lồng ghép khéo léo vô hình chung lại tạo được hiệu ứng trong lòng người đọc.
Chẳng hạn: “Tại sao lúc sinh con ra lại đau đớn đến thế, đứa con có đau đớn không? Tại sao không ai nhớ được lúc mình sinh ra? Nếu con người ta nhớ được nỗi đau lúc mình sinh ra thì chắc chắn sẽ không có chiến tranh" - được trích từ bộ truyện Tanpopo-Imadoki. Chỉ là một lời đối đáp nhưng không thể không làm độc giả suy nghĩ, về số phận, về con người, và mối tương quan giữa người với người…
Hà My - du học sinh tại Úc chia sẻ: “Trước tôi là một đứa trẻ khá ngỗ ngược, nhưng kể từ sau khi đọc truyện tranh, tôi dần dần trưởng thành hơn, hành động có kiểm soát hơn. Tôi học được rất nhiều bài học qua những cuốn truyện tranh đó”.
Không chỉ riêng Hà My mà còn rất nhiều người mê truyện tranh khác thừa nhận rằng họ được “giáo dục” một cách gián tiếp qua những cuốn truyện tranh tưởng chừng như chỉ dành để giải trí này. Điều này càng khẳng định chắc chắn hơn nữa về cơ sở lòng tin và niềm đam mê truyện tranh của họ là đúng đắn.
Thế nhưng, truyện tranh có khi được ví như một thứ thuốc gây nghiện mà khi đã “dính” vào rồi thì khó lòng mà dứt bỏ. Chẳng vậy mà có những bậc phụ huynh lúc đầu ngăn cản việc con họ đọc truyện tranh vì sợ chúng mải mê đọc mà không tập trung học hành, nhưng sau khi đọc “kiểm duyệt” thì đều quyết định “dỡ bỏ lệnh cấm”.
Trừ truyện tranh Việt Nam
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, tất nhiên không thể đem nền công nghiệp truyện tranh Nhật Bản đặt lên bàn cân với truyện tranh Việt Nam. Bởi lẽ, Nhật Bản là quốc gia đã có lịch sử sáng tác truyện tranh lâu đời, cùng với nền kinh tế phát triển trước Việt Nam rất lâu. Chẳng riêng truyện tranh, phim hoạt hình Việt Nam qua bao nhiêu năm cũng vẫn chưa tìm được chỗ đứng của mình ngay cả trong nước chứ chưa bàn đến thị trường quốc tế.
Nói truyện tranh Việt Nam chưa từng gây được cảm tình với độc giả Việt Nam là hoàn toàn sai. Thần đồng đất Việt (tác giả Lê Linh, công ty Phan Thị, xuất bản năm 2002) và Tí quậy (tác giả Đào Hải, NXB Kim Đồng phát hành, xuất bản năm 2003) là những bộ truyện chứng minh cho lập luận này.
Tuy nhiên, chỉ có 2 bộ truyện kể trên là thật sự nổi bật của Việt Nam đối với độc giả nhỏ tuổi cấp 1 và một bộ phận độc giả học sinh cấp 2 và 3 Việt Nam mà thôi. Thực tế thì, 2 là một con số không nhỏ so với không nhiều bộ truyện tranh của tác giả Việt Nam nhưng hai bộ truyện đó cũng không hẳn là quá xuất sắc.
Điểm yếu của truyện tranh Việt Nam thứ nhất là chủ đề bị bó buộc xoay quanh chuyện kể về nhân vật lịch sử và truyện cổ tích dân gian, thứ nữa là nội dung cốt truyện lỏng lẻo, chưa hấp dẫn, tiếp đến là hình vẽ chưa thật sự bắt mắt, phong cách vẽ chưa đa dạng. Không ít người bày tỏ thành kiến và thờ ơ với truyện tranh Việt Nam, thừa nhận không bao giờ “động đến” vì “không đọc cũng biết là chán”. Tất cả chỉ vì gắn mác Việt Nam.
Ước vọng vươn xa
“Truyện tranh Việt Nam chưa thu hút được độc giả không phải vì các tác giả Việt Nam không có tính sáng tạo hay trình độ chưa đủ. Tôi thấy truyện tranh Việt Nam chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức. Tôi cho rằng nếu có thể nghiên cứu thị hiếu của giới trẻ, chuyên tâm sáng tạo những câu chuyện độc và lạ, mở rộng phạm vi đối tượng đọc truyện tranh, đề tài thì có thể giúp truyện tranh Việt phát triển”, độc giả Hoàng Hằng bày tỏ suy nghĩ.
Là một Otaku “chính hiệu”, Minh Đạt chia sẻ: “Em sẵn sàng ủng hộ truyện tranh Việt Nam nếu như bộ truyện đó làm em thật sự thấy hứng thú. Những câu chuyện hàng ngày bình thường, nếu khéo léo cũng sẽ trở thành đề tài hấp dẫn. Manga Nhật Bản cũng chỉ bắt đầu từ những điều bình thường đó thôi".
Kết:
Truyện tranh Việt Nam không thể nói trước bất cứ điều gì, phát triển hay dậm chân tại chỗ, hay hoàn toàn bị lãng quên phụ thuộc vào những tác giả, sự đầu tư của các cơ quan phát hành, và cả độc giả nữa. Nhưng những ước vọng thì chẳng bao giờ bị đánh thuế, bởi vốn dĩ, thế giới truyện tranh là thế giới mà trong đó, con người ta được thỏa sức tưởng tượng, và người, càng “người” hơn.
Bình Yên