1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Trịnh Thanh Sơn: Đã rót mình vào vô biên

(Dân trí) - Thú thật, sau ngày vào thăm Trịnh Thanh Sơn lúc bắt đầu ngã bệnh ở Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) hồi năm ngoái, tôi không dám đến thăm anh nữa. Càng nghe tin bệnh anh ngày càng nặng, càng không dám đến.

Không phải chỉ vì sợ. Nhưng từ lâu, tôi đã tin như tin một tín điều, rằng những người sống ngang tàng như Sơn thì không bao giờ quỵ xuống. Vậy mà điều ấy đã xảy ra. Một linh cảm sau buổi toạ đàm về thơ Sơn ập tới.

 

Vài hôm trước, chiều 12/9/2007 - sinh nhật tuổi lục tuần của Sơn, tôi và Nguyễn Đình Toán xuất hiện tại nhà Sơn ở phố Vĩnh Phúc cùng lẵng phong lan tím ngát. Hoa thì tươi mà nhìn bạn mình thì héo úa. Thương đến thắt lòng! Không ngờ một tráng - sĩ - thơ vập vạp ngỡ có thể húc vỡ đá tảng lại bị chứng bệnh ung thư bẻ gãy, nằm im, mặt vàng ệch, thở khó khăn. Chỉ còn lại cặp mắt sáng mờ ướt át nước mắt. Vậy là hết hy vọng. Đức tin trong tôi hoàn toàn sụp đổ.

 

Sơn ơi! Sao đời chúng mình cứ phải dần dà chia tay nhau xót xa đến thế này. Từ đầu thiên kỷ mới là nhà văn, dịch giả Nguyễn Trung Đức, mới đó là nhà văn Hoà Vang. Giờ thì tới Sơn. Đấy là lúc 2 giờ sáng ngày 17/9/2007. Trong khoảnh khắc ấy, không phải "thần chết chiến thắng bà lão hấp hối" như thơ Sơn, mà đã chiến thắng chính Sơn - người ngỡ không biết thua, người sống với tột cùng hy vọng và hoài bão.

 

Trịnh Thanh Sơn: Đã rót mình vào vô biên - 1
 

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (phải) đến thăm nhà thơ Trịnh Thanh Sơn hôm 12/9 vừa rồi. 

 

Hồi đó, những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, lũ chúng tôi đều đói nghèo và rách rưới. Một hoàng hôn cuối đông buốt giá, Sơn xuất hiện nơi đỉnh gác nhà tôi phờ phạc say. Say vì uống nhiều. Còn say hơn vì uống không ăn. Tôi nói với Sơn, cơm thì có, nhưng chẳng còn chút thức ăn nào. Nhìn Sơn như Thị Nở nhìn Chí Phèo thèm bát cháo hành, tôi bật ra sáng kiến, kéo Sơn lên nóc nhà.

 

Trên đấy xưa kia có một ụ đất của pháo phòng không. Chẳng hiểu con chim nào vô tình rắc hạt rau tàu bay xuống đây mà lá rau mọc um tùm. Mắt Sơn sáng lên khi nhìn thấy cụm rau. Sơn lao vào hái thuần thục, hái lia lịa. Và bát canh rau hôi hổi đã sưởi ấm lòng chúng tôi trong bữa chiều lạnh lẽo.

 

No rồi là tỉnh ra. Sơn lại bắt đầu đọc thơ. Những câu thơ rất buồn về một cuộc tình vừa tan vỡ: "Dẫu cát bụi sẽ trở về cát bụi/Cũng một lần tôi được là tôi/Có ai tính được thua còn mất/Một tình yêu một trái tim người"...

 

Hoá ra cuộc đời Sơn cũng "ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh". Dân Nga Sơn - Thanh Hoá, tốt nghiệp Sư phạm Vinh, đi làm thầy giáo cho yên chuyện, lại cựa quậy tìm lên Thái Nguyên làm công nhân hoá nghiệm, rồi lại lặn lội về Hà Nội học đạo diễn điện ảnh và viết văn đoạt giải thưởng. Vậy mà cứ đắm chìm vào thơ như đồng ốp.

 

Cả một thập kỷ 90 thế kỷ trước, tôi và Sơn hầu như ngày nào cũng ngồi với nhau vừa cữ trưa, vừa cữ chiều. Chúng tôi làm chung sân với nhau ở cùng một sân 51 Trần Hưng Đạo. Nhóm uống rượu chúng tôi thu hút không biết bao thi hữu qua lại. Đến thi sĩ Hoàng Cầm "sông Đuống nghiêng" già lão mà hầu như trưa nào cũng có mặt. Chính trong những ngày thăng hoa ấy, Sơn đã có một tuyệt chiêu trong "dòng thơ vô chiêu" của anh. Đấy là Biển vắng. Yêu đến lẩn thẩn như kẻ tâm thần ở Trâu Quỳ "anh ngồi rót biển vào chai" thì hữu chiêu mấy cũng chẳng bằng.

 

Không chỉ làm thơ như lên đồng, Sơn còn ngẫm câu thơ của nhà thơ Hồng Nguyên đồng hương: "Thức cho trắng một đêm trường/Ngàn năm chỉ chúng mình thương chúng mình" và viết giới thiệu thơ cho bè bạn trên các tờ báo. Những bài ấy góp lại đã in ra đến 3 tập Đi dọc cánh đồng thơ (tập 4 đang viết dở) thì đủ thấy nội lực của tráng - sĩ - thơ này khá thâm hậu. Vậy mà con tạo thật éo le...

 

Ở sân 51 Trần Hưng Đạo nhiều năm, hễ uống say tới độ là Sơn lại hát vang "Trường ca sông Lô" của Văn Cao. Giọng vang, ấm, khoẻ và truyền cảm. Có lúc Hoà Vang tới hát thi bằng "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi. Phải nói rằng, cả hai hát đều tuyệt hay. Cái hay của người "ngộ" bài hát chứ không phải cái hay của ca sĩ. Đang vui thế mà sao ông giời nỡ... Vậy là theo gót Hoà Vang, Trịnh Thanh Sơn đã "rót mình vào vô biên". Phải không Sơn?

 

Nguyễn Thụy Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm