Triển lãm về những chiếc mặt nạ trong cuộc sống
(Dân trí) - Từ ngày 28/6 đến 27/7 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam sẽ diễn ra triển lãm Thay đổi hình dạnh của hoạ sĩ trẻ Lê Hoàng Bích Phượng có tên: <i>Thay đổi hình dạng</i>.
Từ ngày 28/6 đến 27/7 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm Thay đổi hình dạnh của hoạ sĩ trẻ Lê Hoàng Bích Phượng. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của hoạ sĩ trẻ này, tại triển lãm cô sẽ thay đổi không gian phòng triển lãm bằng cách chơi đùa với những ý tưởng của sự phản chiếu và tính trong suốt, khuyến khích người xem tự hỏi xem liệu chiếc mặt nạ nào họ sẽ chọn đeo mỗi ngày.
Lê Hoàng Bích Phượng (sinh năm 1984 tại TPHCM) là một trong những nghệ sĩ trẻ triển vọng nhất được đào tạo bài bản về truyền thống vẽ tranh lụa của Việt Nam và Nhật Bản. Chính quá trình đào tạo này đã trở thành những ảnh hưởng rất lớn đến kỹ thuật và phong cách độc đáo của riêng cô. Bị ảnh hưởng bởi truyền thống ukiyo-e (tranh khắc gỗ của Nhật Bản, được ra đời từ giữa thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Loại tranh này chủ yếu có các nội dung như phong cảnh, những câu chuyện từ lịch sử, các nhà hát hay khu vui chơi giải trí), trong khi vẫn dựa trên thế giới truyện tranh đại chúng, sự kiểm soát cao độ của cô về đường nét và màu sắc tạo nên những dáng hình thanh tao, gần như siêu thực.
Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cô được vinh dự tham gia chương trình nghệ sĩ lưu trú tại Sapporo, Nhật Bản theo chương trình "JENESYS: Chương trình lưu trú dành cho nghệ sỹ trẻ" của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản trong năm 2011 và trong cùng năm đó cô là một trong những nghệ sĩ vào vòng chung kết của Giải Chân dung tự họa DOGMA. Trong năm 2010 cô vào chung kết "Giải Tài năng" của Quỹ Giao lưu và Phát triển Văn hóa.
Trong triển lãm này, một loạt những bức tranh lụa miêu tả chính bản thân tác giả, gồm có cả rất nhiều người lạ cũng như bạn bè, cả thật lẫn trong tưởng tượng. Tất cả đều mang mặt nạ của những loài động vật khác nhau - như những con lừa với hàm răng lởm chởm và đôi tay khẳng khiu; một con gấu già cao như chiếc áo trùm đầu với bộ mặt trẻ thơ; một con lợn với chiếc mũi đỏ sung tấy và chảy dãi ngồi mệt mỏi; hay một người mang mặt nạ cáo của sân khấu Nhật Bản đang đứng và kéo môi mình ra như thể hắn không biết nói. Được vẽ khéo léo bằng những tông màu nước tinh tế, những điều mà những bức tranh này chuyển tải là những thói quen được nuông chiều và sự bất an của con người.
Bị cuốn hút bởi cái cách mà những câu chuyện kể hoang đường bằng tiếng mẹ đẻ đã được truyền từ xa xưa có thể mang lại những bài học về đạo đức, Lê Hoàng Bích Phượng khôi hài ám chỉ đến vô số các truyền thống văn hóa từ những câu chuyện thần tiên cùa Nhật Bản và Việt Nam và lần giở lại những câu chuyện ngụ ngôn sâu sắc của Ê-dốp cùng những bài đồng dao trẻ con. Trong thế giới của cô, việc gắn những chiếc mặt nạ vô hình lên là một hành động rất thường trong cuộc sống đương thời nơi mà vì lẽ sinh tồn hay bởi bất an tâm thần, những mặt nạ này hiện diện để mang đến một sự trấn an bảo vệ.
Kèm theo những tấm tranh này là một loạt các điêu khắc gốm nhỏ mang hình hài những con người đã bị gắn chặt với mặt nạ của họ; một vài cái mất xương sườn, trong khi một cái khác thì có não chứa trong bể cá. Câu hỏi mà Lê Hoàng Bích Phượng đặt ra trong triển lãm "Thay đổi hình dạng" này là “liệu một khi những chiếc mặt nạ đã được đeo vào, chúng có bao giờ thật sự rời ra được nữa hay không?”