1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Trao tặng học bổng cho trường THCS mang tên Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh

Hà Thanh

(Dân trí) - Nhân dịp 27/7, gia đình cháu nội Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh đã trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, cũng như trang thiết bị học tập cho trường THCS Đặng Công Bỉnh (tại huyện Hóc Môn, TPHCM).

Ông Đặng Công Bỉnh sinh năm 1907, quê làng Tân Phú, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHồ Chí Minh). Sinh thời, Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh sinh được 4 người con đều tham gia hoạt động cách mạng.

Trong đó, cô con gái đầu là liệt sĩ hy sinh năm 1962 và người con trai lớn là ông Đặng Công Minh. Sau khi miền Nam giải phóng, thỏa nguyện của người cha đã khuất là phải chiến đấu đến khi dân tộc giải phóng, ông Đặng Công Minh đã xin về hưu và cùng vợ kinh doanh, chăm lo cho đời sống gia đình nhỏ của mình. Ông Đặng Công Minh mất năm 2021, thọ 93 tuổi.

Trao tặng học bổng cho trường THCS mang tên Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh - 1

Ông Đặng Công Minh - con trai Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh (Ảnh: Nguyễn Vương Kiếm Thao).

Xuất thân trong một gia đình nông dân, người thanh niên Đặng Công Bỉnh đã có ý thức cách mạng từ rất sớm. Sống và chiến đấu với lý tưởng đánh đuổi thực dân, giải phóng đất nước, ông tham gia quân khởi nghĩa năm 1937 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939.

Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đêm ngày 22 rạng sáng ngày 23/11/1940, Đảng bộ Hóc Môn đã có kế hoạch khởi nghĩa và sự chỉ đạo chuẩn bị về tổ chức rất chặt chẽ.

Trước cuộc khởi nghĩa, Ủy ban khởi nghĩa Quận Hóc Môn được thành lập dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Văn Sáng - Bí thư Quận ủy, Đảng bộ Hóc Môn đã huy động được một lực lượng lớn quần chúng tham gia. Họ cùng với lực lượng nghĩa quân do đồng chí Đặng Công Bỉnh (Tổng chỉ huy các cánh quân, trực tiếp chỉ huy cánh quân mũi nhọn Tổng Long Tuy Hạ) bất ngờ tấn công vào Dinh Quận Hóc Môn và làm chủ tình hình đến gần 5 giờ sáng.

Trao tặng học bổng cho trường THCS mang tên Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh - 2

Gia đình cháu nội Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh trao quà 25 suất quà gồm tiền mặt và đồ dùng học tập cho các em học sinh (Ảnh: Nguyễn Vương Kiếm Thao).

Trong chiến đấu, những chiến sĩ cộng sản đã thể hiện được ý chí tiến công liên tục, lòng dũng cảm quên mình, không quản ngại sự nguy hiểm, hy sinh. Tuy nhiên, sau đó, quân khởi nghĩa phải rút lui vì thực dân Pháp đưa quân chi viện từ Thủ Dầu Một và Gia Định lên giải vây. Sau đó, địch mở nhiều cuộc càn quét khốc liệt, tàn sát cả ấp Bến Đò, Tân Phú Trung (huyện Củ Chi ngày nay).

Sau cuộc khởi nghĩa thất bại, trên đường từ Truông Mít về ấp Xóm Mới, làng Trung Lập (Củ Chi), đồng chí Đặng Công Bỉnh bị bọn chỉ điểm phát hiện, chúng bắn ông bị thương ở chân. Bắt được ông, địch đã dùng nhiều thủ đoạn để dụ dỗ, khai thác và tra tấn dã man. Trước mặt quân thù, bằng lời lẽ đanh thép, ông hiên ngang nói lên khí phách của người dân bị trị.

Để tưởng nhớ công ơn của người chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ấy, TPHCM đã đặt con đường mang tên Đặng Công Bỉnh tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM.

Năm 1996, Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn đã ra quyết định đặt tên một ngôi trường mang tên ông - Trường THCS Đặng Công Bỉnh. Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn do tăng dân số cơ học từ các địa phương khác chuyển đến, năm học 2016, Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn đã xây dựng Trường THCS Đặng Công Bỉnh mới tại địa chỉ số 78 đường Bùi Công Trừng, ấp 3, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM.

Với diện tích 10852m2 trường được thiết kế, xây dựng gồm 4 khu tổng cộng 50 phòng học, 14 phòng chức năng. Mỗi phòng học có diện tích 48m2 có khả năng phục vụ cho khoảng 2000 học sinh mỗi năm. Đến năm học 2022 - 2023, số học sinh cuối năm của trường là 1314 học sinh; tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường hiện có 69 người.

Ngôi trường mang tên Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh là nơi học tập và noi gương của hàng chục nghìn học sinh trong suốt gần 30 năm qua.

Đại diện gia đình, cháu nội Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh chia sẻ: "Tiếp nối truyền thống cha ông uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn của ông nội cũng như bố tôi và các cô chú đã hy sinh để bảo vệ đất nước. Thế hệ con cháu chúng tôi khi trưởng thành luôn hướng về cội nguồn. Chúng tôi sẽ cùng Ban giám hiệu trường Đặng Công Bỉnh duy trì và phát huy quỹ khuyến học mang tên ông nội tôi - Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh. Quỹ sẽ đồng hành với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng chăm ngoan học giỏi , cũng như hỗ trợ nhà trường nâng cao cơ sở vật chất".

Trao tặng học bổng cho trường THCS mang tên Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh - 3

Gia đình cháu nội Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh trao 10 tivi màn hình lớn cho nhà trường (Ảnh: Nguyễn Vương Kiếm Thao).

Nhân Ngày thương binh liệt sĩ, gia đình đã trao 25 suất học bổng gồm tiền mặt và đồ dùng học tập cho 25 em học sinh và 10 ti vi dùng làm máy chiếu tại các phòng học.

Được biết, Nhà trường hàng năm tiếp nhận toàn bộ số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học tại địa bàn xã Nhị Bình và toàn bộ số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đang lưu trú tại ấp 3, 4 thuộc xã Đông Thạnh theo công tác phân luồng thống nhất từ UBND huyện Hóc Môn thông qua cơ quan chuyên môn là Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hóc Môn.

Bên cạnh đó nhà trường còn tiếp nhận học sinh lưu trú từ các tỉnh vào thuộc diện theo bố mẹ di cư, làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp trên địa bàn. Số học sinh diện lưu trú tại trường hằng năm dao động từ 40% đến 60% trên tổng số học sinh. Nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh nhà trường tiến hành tổ chức hoạt động bán trú từ năm học 2017-2018 cho đến nay. Hiện nay số học sinh tham gia bán trú tại trường là 710 học sinh.