1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Trần Mạnh Tuấn: Tôi là người chung thủy

Gặp Trần Mạnh Tuấn khi anh ra Hà Nội biểu diễn, nhìn anh, không ai nghĩ rằng mới đây thôi, anh vừa trải qua một cơn bạo bệnh. Nhưng ngay cả những tháng ngày nguy kịch nhất, anh cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ rời xa cuộc đời.

Vừa bình phục, anh đã định xuất xưởng liền lúc 2 CD. Liệu có đủ sức không?

Cũng đã lâu rồi tôi không ra CD. Bạn bè cứ gặp lại bảo sao 2 năm rồi mà không làm album nào thế. Tôi trả lời "I don't care", tôi không vội để ra đĩa theo kiểu đến hẹn lại lên. Nếu không có cảm xúc thì làm sao mà sáng tạo được. Bây giờ, tôi làm liền lúc hai cái, mọi người lại thấy nhiều. Song đây là hai album hoàn toàn khác nhau nên cùng lúc phát hành cũng không có gì đáng ngại.

Một CD có tựa đề Ru Rừng gồm những sáng tác của tôi, xuyên suốt là âm hưởng dân ca Bắc Bộ, rồi Êđê, H'mông... và đương nhiên là có cả Trần Mạnh Tuấn nữa. Thứ hai là CD hoà tấu những bài hát tiền chiến có tên Bóng thời gian với Em đến thăm anh một chiều mưa, Đêm Đông, Tình Nghệ sĩ, Gửi gió cho mây ngàn bay... Kết quả thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào khán giả nhưng chắc chắn người yêu nhạc sẽ thấy nhạc tiền chiến được làm rất khác và đầy ngẫu hứng.

Lúc đầu, anh đặt tên cho CD hoà tấu nhạc tiền chiến là "Làng tôi". Vậy sao anh lại đổi thành "Bóng thời gian"?

Tôi suy nghĩ nhiều và cuối cùng đã quyết định đổi tên album thành Bóng thời gian. Những bản nhạc tiền chiến cho đến bây giờ vẫn sống cho dù đã đi được hơn nửa thế kỷ. Có điều những ca khúc đó cứ sống vật vờ, bảng lảng như những cái bóng, không mất đi nhưng cũng không đủ sức để lại toả sáng, nóng lên một lần nữa. Thời gian vẫn trôi không ngừng nhưng tôi thấy mừng vì những ca khúc đó vẫn có một vị trí trong lòng người yêu nhạc.

Những sản phẩm của anh đều được thu âm ở nước ngoài. Anh sẽ nói sao nếu có ý kiến cho rằng, anh sính ngoại và không tin tưởng vào tay nghề của những nghệ sĩ trong nước?

Đúng là tôi sống và tiếp xúc với người nước ngoài nhiều hơn nhưng không phải vì thế mà tôi không tin tưởng vào nghệ sĩ trong nước. Chỉ đơn giản là cái gì tốt hơn thì mình làm thôi. Tôi cũng chọn lọc những điểm mạnh của âm nhạc Việt Nam để đưa vào tác phẩm của mình. Còn về công nghệ, tiêu chuẩn âm thanh của mình không đủ chất lượng nên tôi phải thu âm ở nước ngoài. Đó cũng là một cách để nâng dần tiêu chuẩn chất lượng đó lên.

Anh từng nói rằng, trong những tháng ngày nguy kịch nhất khi phải nằm viện, anh chỉ nghĩ đến âm nhạc và sợ không còn được đắm say với niềm đam mê của mình nữa. Nhưng sao không thấy anh nhắc gì đến gia đình, vợ con - những người thân yêu nhất?

Tôi có thể vượt qua được và "tái sinh" như hôm nay là nhờ âm nhạc. Chính âm nhạc đã cho tôi tất cả. Còn gia đình, vợ con, tôi nghĩ nhiều đến họ chứ. Đó là những người gần gũi nhất, yêu thương nhất, những người luôn bên mình để chia sẻ tất cả. Tôi sợ tôi sẽ mất họ. Song tôi nghĩ mình đâu thể chết đơn giản thế. Tôi luôn tâm niệm một điều là mình phải sống để chăm sóc và lo cho gia đình. Vợ tôi đã hy sinh nhiều cho tôi. Khi đứa con đầu lòng của chúng tôi mới 27 ngày, cô ấy đã phải một mình lo lắng mọi thứ để tôi ra nước ngoài học tập.

Lúc bệnh tình còn chưa biết ra sao, tôi nghĩ nếu mình chết đi thì kết cục thật là buồn quá. Hai con tôi còn nhỏ, một đứa 10 tuổi và một đứa mới 20 tháng. Tôi thấy mình cần phải sống để lo lắng cho chúng nó. Đó là trách nhiệm của tôi. Vợ tôi đã gửi hai con lại cho ông bà ngoại, cùng sang Mỹ để chăm sóc tôi những ngày phải nằm viện. Và tôi có thêm niềm tin để tiếp tục sống trên cuộc đời này.

Anh cũng từng nói anh không có tuổi thơ. Vì sao vậy?

Khi tôi sinh ra, cha mẹ tôi đã mỗi người một ngả. Tôi không có tuổi thơ được chơi đùa với bạn bè như những đứa trẻ khác. Từ bé xíu, tôi đã theo đoàn cải lương cùng với mẹ và anh chị. Ngày làm còn tối lại học thổi kèn. Đừng ai hỏi tôi điều gì về các trò chơi vì tôi chẳng biết chơi một cái gì ngoài chơi nhạc.

Đó là một nỗi buồn, một sự thiệt thòi nhưng có lẽ cũng vì thế mà tôi dốc hết đam mê và cả cuộc sống của mình cho cây kèn và nhạc jazz. Nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh giống tôi, tâm hồn bị tổn thương và đôi khi không làm được gì cả. Nhưng tôi đã làm được điều ngược lại. Trước giờ, tôi tự nuôi được mình bằng âm nhạc, sống đàng hoàng nhờ âm nhạc và thấy mình may mắn vì cũng nhờ có âm nhạc mà đóng góp được điều gì đó cho xã hội, cho mọi người.

9 tuổi, anh đã bắt đầu chơi jazz. Ngày đó ý niệm của cậu bé Trần Mạnh Tuấn về jazz như thế nào?

Chị gái và anh rể tôi (chơi keyboard) đã hướng cho tôi chơi kèn. Nhưng ngày đó tôi chỉ thổi theo những gì mình thích, mình nghĩ, chơi theo cảm hứng của mình chứ đâu hề biết jazz là gì. Nói chính xác là không có khái niệm gì về jazz, hoàn toàn chơi theo ngẫu hứng. Sau này được đi học và tìm hiểu nhiều nên mới định hình được jazz là thế nào, hiểu cặn kẽ và căn bản về dòng nhạc này.

Cả nhà theo cải lương, và từ nhỏ anh cũng làm trong đoàn cải lương cùng mọi người. Anh biết hát cải lương chứ?

Tôi hát được và biết chơi guitar cải lương.

Có thể nói, anh là đại diện duy nhất của nhạc jazz Việt Nam có được nhiều thành công. Đó là một niềm vui nhưng cũng là một nỗi lo lắng cho sự phát triển của dòng nhạc này ở môi trường trong nước. Anh nghĩ sao?

Tôi rất muốn phát triển nhạc jazz ở Việt Nam và cũng đang giảng dạy jazz ở Nhạc viện TP HCM. Tôi nhận thấy một điều, nghệ sĩ trong Nam rất thức thời, nhanh nhạy với thị trường, còn nghệ sĩ miền Bắc lại có đam mê đôi khi đến bảo thủ, cực đoan. Nếu như có thể hoà hợp được hai yếu tố này thì thật tuyệt vời và có thể đưa jazz đến gần hơn với khán giả. Thực ra mọi người vẫn có định kiến rằng jazz thế này, thế kia, jazz khó chơi, khó nghe. Nhưng nếu như đã thích thì chơi gì ngẫu hứng cũng thành jazz.

Anh nói anh không biết kinh doanh nhưng tất cả những CD phát hành anh đều tự làm hết từ A đến Z. Thế có nghĩa là cũng phải tính toán và tất yếu liên quan đến đầu óc kinh doanh. Anh sẽ nói gì đây?

Các anh chị của tôi kinh doanh rất giỏi và có lẽ là tôi cũng được "lây" một chút. Có điều khi bắt tay vào làm bất kỳ một tác phẩm nào điều đầu tiên với tôi vẫn là niềm đam mê. Trong bụng tôi không bao giờ nghĩ mình phải kinh doanh nhưng có thể người ta lại liên tưởng đến điều đó khi tôi tự mình làm tất cả. Tôi từng thất bại đau đớn với album đầu tiên làm toàn những bản hoà tấu nhạc nước ngoài theo phong cách jazz. Gần 2 năm trời mà tôi không bán nổi 1.000 bản đĩa. Từ đó tôi hiểu rằng mình không thể áp đặt, bảo thủ, bắt mọi người phải thích mà mình phải làm sao để từ từ xích lại gần với họ. Và thế là một loạt Hạ Trắng, Về Quê... ra đời.

Anh đánh giá thế nào về thị hiếu nhạc jazz ở Việt Nam?

Thị hiếu được mang lại bởi rất nhiều yếu tố trong đó có media. Nếu như mọi người luôn nhắc đến jazz là một thứ nhạc khó "nhằn" thì chẳng ai muốn động vào nó. Nhưng thực tế có rất nhiều bản jazz giai điệu cực đẹp và không hề khó nghe chút nào. Jazz có sức hút khủng khiếp và ai đã đam mê thì rất chung thuỷ. Tôi cũng vậy.

Chung thuỷ với jazz, thế còn với tình yêu thì sao?

Trong tình yêu, tôi cũng là người chung thuỷ. Nhưng thế không có nghĩa là tôi không được phép rung động trước cái đẹp.

Không thuốc lá, không uống rượu, vậy thì anh "nghiện" gì?

Tôi nghiện Saxo và jazz. Ngày lâu rồi tôi cũng có uống rượu còn bây giờ thì không. Tôi không uống rượu vì hai điều: một là để chơi nhạc và hai là để cho người phụ nữ của mình được hạnh phúc.

Anh rất vui vẻ, cởi mở và khéo léo nữa. Lúc nào cũng thấy anh ôn tồn và điềm đạm. Thế những khi cáu giận, anh sẽ thế nào?

Tôi không cáu với ai bao giờ cả. Tôi vẫn luôn nhớ và tâm niệm một câu của anh Trịnh Công Sơn "Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ". Cuộc đời không dài, vậy thì ta hãy cứ sống hết mình và đừng hờn dỗi với nó.

 Theo Mỹ Dung
Ngôi Sao

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm