1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

"Tôi chọn người nổi tiếng vì họ dễ thu hút khán giả"

“Tôi phỏng vấn toàn nhân vật thật 100% và hoàn toàn không có lời bình. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện một cách ngẫu nhiên và không hề theo kịch bản sẵn. Tiết tấu của phim nhanh, gấp”, đạo diễn Phạm Hoàng Nam nói về bộ phim tài liệu “Ngày mai của bạn và tôi".

Anh vừa ra Hà Nội thực hiện một cảnh quay trong bộ phim tài liệu đầu tay (đặt rất nhiều hy vọng) Ngày mai của bạn và tôi do Liên Hiệp Quốc (UN) sản xuất. Phim dài 8 tập, xoay quanh các vấn đề xã hội như: phòng, chống HIV-AIDS, ô nhiễm môi trường, y tế, giáo dục...

 

Tại sao họ (tức UN) lại chọn anh – một nhà quay phim “tay ngang làm đạo diễn, chứ không phải các đạo diễn "sừng sỏ” của Việt Nam?

 

Cái này phải hỏi UN ấy... Đó là họ chọn tôi chứ tôi đâu được phép chọn họ...

 

Làm phim tài liệu đầu tay, lại là “đem chuông đi đấm xứ người” (trình chiếu ở UN - PV), anh có thấy mình đang mạo hiểm quá không?

 

Phải tự tin. Điều đầu tiên là phải tự tin và phải thích cái đã! Thực ra hồi học ở bên Nga, tôi đã “tập tọng" làm một số phim tài liệu. Nhưng khi về Hãng phim Giải Phóng thì theo sự phân công của cơ quan, tôi không được làm một phim nào. Vì thế, Ngày mai của bạn và tôi chưa hẳn là phim đầu tay. Mà tôi cũng không quan trọng “đầu tay" hay “đầu chân” gì cả. Chỉ đơn giản là mình đang lao động và cần lao động hết mình.

 

Vậy sự lao động hết mình ấy có đưa lại một cách tiếp cận gì mới cho bản thân anh và cho điện ảnh – tài liệu?

 

Tôi phỏng vấn toàn nhân vật thật 100% và hoàn toàn không có lời bình. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện một cách ngẫu nhiên và không hề theo kịch bản sẵn. Tiết tấu của phim nhanh, gấp, kiểu như MTV ấy... Tuy nhiên, thể loại tài liệu thường rất khô khan. Vì thế, tôi đã "mềm hóa" bằng cách sử dụng các ca sĩ và diễn viên ngôi sao như Thành Long, Thanh Lam, Mỹ Linh, Phương Thảo, Ngọc Lễ...

 

Sở dĩ tôi chọn người nổi tiếng vì họ dễ thu hút khán giả. Mà đối tượng của tôi chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Phần ca nhạc “thêm nếm" không làm theo kiểu video clip mà “cắt" thành từng “lát" và sử dụng như nhạc nền.

 

Nhưng thực ra trên thế giới, nhất là ở Pháp, phương pháp này đã được thực hiện rất nhiều rồi...

 

Thì “cũ người, mới ta”.

 

Thế còn sự khác biệt giữa sao “nội" và sao “ngoại” trong phim?

 

Khác về đẳng cấp và tính chuyên nghiệp. Thành Long (Jackie Chan) đã diễn xuất rất hoàn hảo. Không nghệ sĩ nào sống hồn nhiên và thoải mái giữa những người nhiễm HIV như anh! Phải rất chuyên nghiệp, hiểu biết và đồng cảm sâu sắc mới có thể hồn nhiên như thế, ít nhất là qua thái độ thể hiện ra ngoài.

 

Sao “nội" thi chưa đạt, vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Sao mình có khi chỉ nghĩ đơn giản là đi thực hiện mật "phi vụ"... Tuy nhiên, trong phim này, tôi đã thực sự hài lòng về "sao"...

 

Thế thì vì sao người dẫn chương trình lại là một cô nhà báo tập sự?

 

Trong 2 người dẫn chương trình vào vòng chung kết thì một cô học rất giỏi, rất chỉn chu, rất nhẹ nhàng, từng là học sinh trường Amsterdam, cô kia thì cũng thông minh, có cá tính nhưng thức ăn diện và có gì đó chưa hoàn thiện. Tôi lại rất thích sự chưa hoàn thiện đó. Đơn giản vì chưa hoàn thiện rồi sẽ hoàn thiện (cười).

 

Hơn nữa, LHQ chọn một cô nhà báo tập sự chứ không chọn một phóng viên chính thức. Vì theo quan niệm của họ, những nhà báo chính thức thường không ngây thơ và không dễ mắc sai sót. Tôi thích sự tập tọng vì nó chưa bị “chai", nó có một cái gì đó rất hồn nhiên, rất trong sáng, tràn đầy nhiệt tình và hăm hở...

 

Và, trong suốt thời gian đi quay, lặn lội khắp đất nước, mà chỉ đặt chân đến những nơi đèo heo hút gió cô nhà báo tập sự đó đã tự hoàn thiện. Tôi biết cô ấy hoàn toàn không hề “diễn” và đã nhập vai thực sự. Qua đây mới thấy những giá trị mà trước đây mình coi là to tát bây giơ trở nên... nhỏ bé. Cái quan trọng nhất trong cuộc sống - chính là sự chân thật.

 

"Đánh thuê" cho nước ngoài cát - sê của anh hẳn rất cao?

 

Thù lao phim này không đáng kể so với các show tôi từng làm. Tôi làm đơn giản chỉ vì thích. Đằng đẵng đeo đuổi "nó" gần một năm trời, sục sạo đến những nơi khỉ ho cò gáy giúp tôi nghiệm ra nhiều điều... Lần đầu tiên trong đời tôi có dịp đi khắp mọi miền đất nước, đến với những thân phận người. Bắt đầu thấm thía nghệ thuật phải thật sự “vị nhân sinh".

 

Cũng lần đầu tiên trong đời, tôi tiếp xúc, ăn cùng, ở cùng những người đồng tính và đã hiểu được tâm tư của họ. Tôi cũng thấy đất nước mình quá đẹp và quá nghèo. Nhiều nơi đẹp đến nỗi chính người dân ở đó cũng không biết. Thực lòng, khi ấy, tôi chỉ cầu mong là người ta đừng có biết. Vì biết thì họ sẽ làm du lịch, sẽ... tàn phá mất thôi. Tuy nhiên, tôi không cực đoan và bi quan đâu. Vì đan xen giữa những cái xấu vẫn có cái tốt – dù cái tốt không nhiều, có khi chỉ là mầm mống.

 

Còn ở góc độ nhà nghề, tôi tự nghiệm ra là chỉ làm phim tài liệu thì không nên ôm khư khư kịch bản trên giấy. Trước khi bấm máy, chị Phan Huyền Thư đã phác ra một kịch bản rất hay. Nhưng khi đi vào thực tế, chúng tôi cũng có một số điều chỉnh. Vì cuộc sống là kịch bản vĩ đại nhất. Cũng “bõ” khi mình bỏ các dự án khác để chỉ thực hiện phim này!

 

Nhưng anh có ngại nếu hội đồng duyệt không hiểu đạo diễn?

 

Tôi là người Việt Nam và tôi yêu đất nước của mình. Vì thế cần phải nhìn thẳng vào thực tế. Mà không phải chỉ riêng Việt Nam mới đối mặt với đại dịch HIV, AIDS, với ma túy, với đói nghèo. Đây là vấn đề chung của toàn cầu cơ mà? Bất kỳ một quốc gia nào cũng phải tự đối mặt với những câu chuyện của chính mình! Vì thế, không chỉ ở VN, LHQ sẽ còn tiến hành khởi quay ở nhiều quốc gia khác để cùng tìm ra bản chất vấn đề...

 

 Theo Thể Thao &Văn Hóa