Tình cha con và câu chuyện sống sót tại địa ngục trần gian

Lê Phương Anh

(Dân trí) - “Cùng cha tới Auschwitz” là câu chuyện có thật về 2 cha con người Do Thái sống sót trong trại tập trung Auschwitz, thể hiện sâu sắc tình phụ tử và nghị lực phi thường giữa tăm tối lịch sử.

Cùng cha tới Auschwitz (The Boy Who Followed His Father into Auschwitz) là tác phẩm phi hư cấu giàu cảm xúc và ám ảnh, được viết bởi nhà sử học kiêm tiểu thuyết gia Jeremy Dronfield.

Cuốn sách tái hiện hành trình sinh tồn có thật của Gustav và Fritz Kleinmann, 2 cha con người Do Thái gốc Áo đã cùng nhau vượt qua những năm tháng đen tối trong các trại tập trung của Đức Quốc xã thời kỳ Holocaust.

Dựa trên những trang nhật ký được giấu kín của người cha và hồi ký của người con, tác phẩm là biểu tượng xúc động về tình cha con, lòng can đảm và ý chí sinh tồn mãnh liệt trong hoàn cảnh cùng cực nhất của loài người.

Câu chuyện bắt đầu ở Vienna, Áo, nơi gia đình Kleinmann từng sống một cuộc đời trung lưu bình yên trước khi phát xít Đức sáp nhập nước này vào năm 1938.

Gustav, một người cha tận tụy, và Fritz, con trai ông, lúc đó mới 14 tuổi, nhanh chóng trở thành mục tiêu của chiến dịch bắt bớ người Do Thái. Cả hai bị đưa tới trại tập trung Buchenwald - nơi những tội ác ban đầu mới chỉ là sự khởi đầu cho cơn ác mộng kéo dài suốt nhiều năm.

Tình cha con và câu chuyện sống sót tại địa ngục trần gian - 1

Bìa cuốn sách “Cùng cha tới Auschwitz” (Ảnh: Bách Việt).

Năm 1942, Gustav bị chuyển tới trại tử thần Auschwitz. Các cai ngục thông báo Fritz có thể ở lại Buchenwald, nơi điều kiện khắc nghiệt nhưng ít tàn khốc hơn. Tuy nhiên, chàng trai 16 tuổi đã đưa ra một quyết định phi thường: Đi cùng cha tới Auschwitz, nơi sự sống chỉ còn là điều xa xỉ.

“Cha con không thể rời xa nhau”, Fritz nói. Và quyết định ấy đã trở thành nền tảng cho toàn bộ hành trình sống còn và gắn bó giữa 2 người.

Với lối viết dung dị nhưng đầy ám ảnh, Jeremy Dronfield đã tái hiện chi tiết những gì 2 cha con phải chịu đựng: Từ đói khát, tra tấn thể xác, đến sự khủng hoảng tâm lý trong các trại Buchenwald, Auschwitz, Mauthausen và nhiều nơi khác. Ông không né tránh sự thật tàn nhẫn, từ buồng hơi ngạt, thí nghiệm y học đến các cuộc hành quyết thường nhật.

Điều khiến tác phẩm trở nên đặc biệt không chỉ là sự phơi bày sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít, mà còn là cách khắc họa sâu sắc sức mạnh của tình phụ tử. Dù bị đánh đập và suy kiệt, Gustav luôn cố gắng bảo vệ con.

Ngược lại, Fritz, còn rất trẻ lại trở thành chỗ dựa tinh thần cho cha. Hai cha con chăm sóc nhau, chia sẻ từng mẩu bánh mì, từng ngụm nước trong một thế giới mà nơi nhân tính bị bóp nghẹt.

Jeremy Dronfield không chỉ viết với tâm thế của một nhà văn, mà còn là nhà nghiên cứu nghiêm túc. Ông dựa vào hàng trăm trang nhật ký viết tay của Gustav được chôn giấu và bảo tồn qua chiến tranh cùng các hồ sơ trại tập trung và lời kể của nhân chứng sống. Lối kể chuyện giàu cảm xúc nhưng khách quan, không cường điệu, để chính các nhân vật tự nói lên câu chuyện của mình.

Cuốn sách không khép lại ở ngày giải phóng, mà mở rộng tới hành trình hậu chiến của Fritz, người con sống sót, di cư sang Mỹ, lập gia đình và sống một cuộc đời bình dị. Nhưng ông không quên - và không để thế giới quên. Nhờ những trang nhật ký được bảo tồn, câu chuyện của cha con nhà Kleinmann đã sống tiếp, như một lời nhắc nhở rằng: Điều đó đã từng xảy ra và hoàn toàn có thể xảy ra lần nữa.

Cùng cha tới Auschwitz không đơn thuần là một cuốn sách lịch sử, mà là bản anh hùng ca lặng thầm về tình phụ tử, lòng kiên cường và ý chí sống còn.

Tác phẩm khiến người đọc không khỏi xúc động, đồng thời buộc chúng ta phải suy ngẫm sâu sắc về giá trị của con người, của tình thân và tự do.

Giữa bức tranh đen tối của thời kỳ Holocaust, câu chuyện của Gustav và Fritz Kleinmann là một tia sáng, mong manh nhưng bền bỉ, thể hiện sức mạnh của tình cảm gia đình trong hoàn cảnh tuyệt vọng nhất.

Tình cha con và câu chuyện sống sót tại địa ngục trần gian - 2

Tác giả Jeremy Dronfield (Ảnh: Readbooks).

Jeremy Dronfield là một tác giả đa tài đến từ xứ Wales, khởi đầu sự nghiệp trong lĩnh vực khảo cổ học trước khi chuyển sang viết văn với những thành tựu đáng chú ý.

Ông tốt nghiệp Tiến sĩ khảo cổ tại Đại học Cambridge với chuyên đề nghiên cứu về nghệ thuật và tôn giáo thời tiền sử tại Ireland. Công trình này từng được đăng tải trên các tạp chí học thuật uy tín như Antiquity và Current Anthropology.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, The Locust Farm, được xuất bản năm 1997 và lọt vào danh sách đề cử Giải John Creasey Memorial cho hạng mục tác phẩm truyện trinh thám hay nhất.

Sau đó, ông tiếp tục cho ra mắt nhiều tiểu thuyết khác như Resurrecting Salvador, Burning Blue, The Alchemist's Apprentice - một tác phẩm với phong cách độc đáo, pha trộn giữa giả tưởng và hiện thực, nhận được đánh giá cao từ Sunday Telegraph và The Times.

Song song với dòng tiểu thuyết hư cấu, Jeremy còn theo đuổi sự nghiệp viết phi hư cấu, đặc biệt là tiểu sử lịch sử. Tác phẩm nổi bật nhất của ông phải kể đến Cùng cha tới Auschwitz, cuốn sách phản ánh chân thực chuyến hành trình sống còn của gia đình Kleinmann trong thời kỳ Holocaust.

Dựa vào nhật ký bí mật của Gustav Kleinmann và những cuộc phỏng vấn, cuốn sách nhanh chóng trở thành bestseller (cuốn sách bán chạy nhất), đứng đầu bảng Sunday Times và được dịch ra 19 thứ tiếng.

Năm 2022, ông tiếp tục chuyển thể bằng phiên bản cho thiếu nhi - Fritz and Kurt - nhằm diễn giải câu chuyện đầy cảm động này cho độc giả trẻ.