Tìm giải pháp trùng tu, tôn tạo Chùa Cầu - Hội An
(Dân trí) - Chùa Cầu là biểu tượng của đô thị cổ Hội An được xây dựng đến nay đã hơn 400 năm. Dưới tác động của thời gian, con người cùng thiên tai, bão lũ… đã làm cho di sản này xuống cấp.
Ngày 16/8, các nhà quản lý, khoa học trong và ngoài nước cùng ngồi lại để tìm một giải pháp để trung tu, tôn tạo nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch TP Hội An thông tin: Chùa Cầu còn có các tên gọi khác như: Cầu Nhật Bản, Lai Viễn Kiều được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990, là biểu tượng của đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa Thế giới.
“Trải qua mấy trăm năm tồn tại, tính đến nay Chùa Cầu đã được các thế hệ kế tiếp nhau ở Hội An quan tâm tu bổ lớn 7 đợt (vào các năm 1763, 1815, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996) từ nhiều nguồn vốn khác nhau và nhiều lần tu bổ nhỏ ở hệ mái, hệ vì kèo, trụ, đà, sàn…. của di tích.
Qua đó góp phần giúp Chùa Cầu chống xuống cấp ở từng thời điểm sau trùng tu cũng như là cho di tích này ngày càng đẹp như ngày nay. Tuy nhiên, hiện nay Chùa Cầu đang đứng trước nguy cơ xuống cấp với áp lực ngày càng nặng nề hơn”.
Các tư liệu lịch sử khẳng định, Chùa Cầu ở Hội An là do người Nhật xây dựng và quản lý cho đến năm 1637. Khi chuyến tàu Nhật Bản cuối cùng rời Cảng Hội An đưa những người Nhật đang làm ăn, sinh sống tại Hội An phải về nước theo mệnh lệnh của Mạc Phủ Nhật Bản ban bố vào năm 1633, yêu cầu đóng cửa quan hệ giao thương với nước ngoài và tất cả Nhật kiều đang sống ở nước ngoài phải hồi hương.
Sau khi người Nhật rời Hội An thì khu phố Nhật Bản, trong đó có Cầu Nhật Bản (tức Chùa Cầu ngày nay) được Chúa Nguyễn giao cho cộng đồng người Hoa làng Minh Hương quản lý.
Trong quá trình tiếp nhận sử dụng, người Hoa làng Minh Hương đã dựng thêm một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ - thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt theo tín ngưỡng của người Hoa. Đồng thời đưa các yếu tố trang trí kiến trúc nghệ thuật Trung Hoa vào công trình này trong những lần trùng tu, sửa chữa vào các năm 1763 dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, năm 1817 dưới thời vua Gia Long, năm 1875 dưới thời vua Tự Đức và năm 1917 dưới thời vua Khải Định.
Chùa Cầu trong lịch sử hình thành và phát triển của mình đã có nhiều lần được sửa chữa, tu bổ. Chùa Cầu ngày nay đang có những dấu hiệu xuống cấp bởi tác động của thời gian, thiên tai, bão lũ và cả con người; yêu cầu trùng tu, sửa chữa đối với Chùa Cầu đang đặt ra một cách cấp thiết, nhằm góp phần bảo tồn và tiếp tục phát huy giá trị của di sản độc đáo này.
Theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), muốn thực hiện tốt công tác trùng tu Chùa Cầu, điều đầu tiên đặt ra là phải khảo sát thật kỹ lưỡng hiện trạng của Cầu, từ đó có chuẩn đoán đúng “bệnh” mới có thể đề ra phương án tu bổ phù hợp.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng đề xuất 3 phương án trùng tu: Tu bổ cục bộ (hỏng chổ nào sửa chổ đó); tu bổ theo cách hạ giải từng phần công trình, kết cấu của Cầu; tu bổ theo phương pháp hạ giải toàn bộ.
KTS Lê Thành Vinh và KTS Đặng Khánh Ngọc (Viện bảo tồn Di tích) thì yêu cầu tiếp tục nghiên cứu thận trọng: Việc trùng tu di tích Chùa Cầu là dịp hiếm có (sau hơn 40 năm) để tiếp cận di tích một cách thấu đáo, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện những đặc điểm vốn có của di tích, tình trạng kỹ thuật, tình trạng bảo tồn, xác định các nguy cơ gây hại có thể xẩy ra với di tích.
Đồng thời, việc trùng tu di tích Chùa Cầu lần này còn là cơ hội thích hợp sau nhiều lần nghiên cứu, can thiệp trong điều kiện có những tiến bộ khoa học - công nghệ, các hiểu biết kỹ thuật tiên tiến hiện đại đảm bảo khả năng xử lý triệt để hơn các vấn đề về bảo tồn di tích này.
Đối với các nhà khoa học Nhật Bản, đa số các ý kiến đều thống nhất với các ý kiến của các nhà khoa học Việt Nam là nên cẩn trọng trong khảo sát, đánh giá để tìm đúng nguyên nhân khiến Chùa Cầu xuống cấp, từ đó mới có giải pháp hữu hiệu và phù hợp nhất.
Theo GS. Tomoda Hiromichi (ĐH Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản), đã 20 năm từ khi Nhật Bản tiến hành khảo sát Chùa Cầu. Sau đó, do khả năng kỹ thuật phía Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể nên dường như phía Nhật ít tham gia xây dựng kế hoạch tu bổ di tích này.
GS. Tomoda Hiromichi phát biểu: “Tôi mong chúng ta sẽ có phương án tu bổ Chùa Cầu mà không làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa của di tích này. Sau khi đề xuất được phương án tu bổ Chùa Cầu, phía Nhật mong muốn tham gia ý kiến dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản”.
Còn nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm bu tổ di tích Chùa Cầu, ai cũng mong sao di tích này tồn tại và đứng vững với thời gian như chứng tích của tình hữu nghị Việt - Nhật trong 400 năm qua.
Công Bính