1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

“Một hòn đảo là điều có thể":

Tiểu thuyết đang gây xôn xao văn đàn quốc tế

Cuốn tiểu thuyết đang bán chạy nhất ở Pháp là quyển La possibilité d’une ile (tạm dịch Một hòn đảo là điều có thể), cái tựa bí ẩn như chính tác giả của nó là Michel Houellebecq, nhà văn gây tranh cãi nhiều nhất ở Pháp hiện nay.

Theo nhà xuất bản Fayard - nơi in và phát hành cuốn sách vừa kể, trong năm ngày đầu đã bán được 210.000 quyển, một kỷ lục đáng nể cho một quyển tiểu thuyết Pháp. Không những thành công trong nước, cuốn tiểu thuyết đã được 15 nước khác mua bản quyền để dịch trước khi nó được xuất bản tại Pháp. Sách đã được phát hành tại Đức, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý và Mỹ vào ngày 31/8 vừa qua, tức cùng một ngày ở Paris.

 

Cốt truyện cuốn Một hòn đảo là điều có thể gồm có hai phần. Phần một nói về cuộc đời của Daniel, một tác giả chuyên viết hài kịch, truyện cười giàu có và thành đạt đương đại. Phần hai thuộc lĩnh vực viễn tưởng là lời bình của Daniel 24 và Daniel 25 - bản sao thứ 24 và 25 của Daniel theo phương pháp sinh sản vô tính mấy ngàn năm sau – về cuộc đời của ông tổ Daniel 1.

 

Trở lại phần một, Daniel là một người khát khao hạnh phúc và bị ám ảnh bởi tình dục. Cả hai thứ này đều nằm ngoài tầm tay mặc dù anh cố đi tìm chúng. Người vợ thứ nhất, Isabelle – tổng biên tập một tạp chí dành cho con gái tuổi mới lớn – là một người phụ nữ coi chuyện ái ân là một bản năng thấp hèn, một cản ngại cho trí tuệ. Daniel ly dị, lấy Esther, một diễn viên điện ảnh Tây Ban Nha cực kỳ gợi cảm. Nhưng Esther cũng không phải là người trong mộng của Daniel vì cô coi “chuyện ấy” như một trò giải trí chứ không phải là bằng chứng của tình yêu. Ngày sinh nhật của Esther – một cuộc truy hoan tập thể – ai cũng thỏa mãn nhục dục trừ Daniel, 50 tuổi, vì anh là người duy nhất trên 25 tuổi. Esther tuyên bố chia tay với Daniel ngay sau đó.

 

Chán đời, Daniel muốn tự tử nhưng ý chí đi tìm sự bất tử đã thắng. Daniel tìm đến giáo phái Elohim. Tất cả môn đồ của giáo phái này đều được bảo đảm tái sinh bất tận trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi chết nhờ công nghệ sinh sản vô tính. Daniel 24 và Daniel 25 chính là kiếp sau của Daniel 1 nhờ công nghệ này hai ngàn năm sau.

 

Trong thực tế, Elohim chính là giáo phái Raelian mà giáo chủ là Claude Vorilhon – người Pháp –bạn thân của tác giả. Giáo phái này từng là đề tài thời sự quốc tế vào cuối năm 2002 khi tuyên bố đã cho ra đời một đứa bé đầu tiên theo phương pháp sinh sản vô tính nhưng hư thực ra sao cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

 

Cách đây 10 năm Michel Houellebecq – tên thật là Michel Thomas, sinh năm 1958, tại đảo Réunion của Pháp - là một nhà văn vô danh. Ông chỉ được để ý năm 1994 với tác phẩm Extension du domaine de la lutte (tạm dịch Phát triển phạm vi đấu tranh) sau khi gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên văn đàn Pháp. Năm 1998, ông cho in cuốn Les particules élémentaires (Những hạt cơ bản). Quyển tiểu thuyết thứ ba có nhan đề Plateforme (từ này có rất nhiều nghĩa – mặt bằng, nền, sàn xe, cương lĩnh , một kiểu đặt tựa quen thuộc của tác giả) xuất bản năm 2001 nói về du lịch sex của Thái Lan và khủng bố Hồi giáo - thực sự gây cơn sốt ở Pháp với mức tiêu thụ 350.000 quyển.

 

Một hòn đảo là điều có thể là quyển tiểu thuyết thứ tư thu hút sự chú ý của các nhà phê bình và độc giả Pháp cách đây ba tháng bằng một phương thức tiếp thị độc đáo của nhà xuất bản Fayard: gửi truyện cho 15 nhà phê bình “phe ta” đọc trước để viết bài ca tụng, thống lĩnh trận địa phê bình văn học Pháp.

 

Tất cả những tác phẩm của Michel Houellebecq đều được xếp vào thể loại tiểu thuyết luận đề. Những chủ đề quen thuộc của nhà văn này là người nhập cư, đạo Hồi, quan hệ nam-nữ, vị trí của người cao tuổi trong xã hội, nỗi cô đơn, sinh sản vô tính... toàn những vấn đề nhạy cảm của xã hội phương Tây.

 

Houellebecq là một tài năng lớn cỡ Honoré de Balzac hay chỉ là một thợ viết tiểu thuyết có biệt tài tìm danh lợi bằng cách gây ra hết vụ xì-căng-đan này đến vụ xì-căng-đan khác? Các nhà phê bình văn học Pháp vẫn đang cãi nhau về hiện tượng Houellebecq.

 

 

Theo D.H.Anh

Người Lao Động/Der Spiegel/ Paris Match/ Le Nouvel Observateur