1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Tiếng vĩ cầm làng Then

(Dân trí) - Đối với người dân làng Then, tiếng đàn chính là tiếng lòng, nó giúp cho con người ta quên đi những cám dỗ đời thường, sống nghĩa tình, lạc quan và trách nhiệm hơn. Nó chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa.

Làng Then ngày mùa, bà con đổ ra đồng làm việc, sau vụ lúa mùa, lại tất bật trồng hoa màu xen canh. Anh Thuật cũng như bao người nông dân khác, việc đồng áng là công việc mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình anh.

Bện cạnh thửa ruộng đồng quê chân chất lúa bùn, câu chuyện của những người quê tại mảnh đất này, không chỉ là việc đồng áng, việc mùa vụ mà đó còn là những câu chuyện về tiếng đàn. Đối với những người nông dân ở đây, âm nhạc là cái gì đó rất thân quen, gần gũi như mảnh ruộng, vườn rau.

Ngoài những giây phút lao động vất vả, anh Thuật đều tìm đến tiếng đàn như một cách thư giãn và tự thưởng cho mình. Mỗi khi dạo vài bản nhạc, mọi mệt mỏi trong anh dường như tan biến, và lúc ấy, người đàn ông này đã trở thành một nghệ sĩ đích thực.

Đối với chị Hoa – vợ anh Thuật, và có lẽ là với cả nhiều người nông dân khác nữa, được lắng nghe tiếng đàn du dương trong buổi chiều muộn là giây phút thảnh thơi và hạnh phúc nhất sau một ngày làm việc. Thứ hạnh phúc bình dị mà không phải ai cũng có được

Làng Then  thuộc xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một ngôi làng nằm bên dòng sông Thương thơ mộng. Đây là nơi cư trú của hơn 200 hộ dân. Nơi đây cũng bình dị và giống như tất cả những miền quê nào mà tôi đã từng đi quay. Duy nhất chỉ có một điều đặc biệt, đó chính là anh Thuật không phải là người duy nhất biết chơi vĩ cầm. Ngôi làng này có đến hàng trăm người biết chơi thứ nhạc cụ sang trọng này.

Ban ngày, họ ra đồng và làm những công việc đồng áng. Lúc đó, họ là những người nông dân cần mẫn trên nương ngô, ruộng lúa. Vậy nhưng khi trở về nhà, họ nói với nhau những câu chuyện về nhạc cụ, nhạc lý và cùng nhau chơi những bản nhạc vĩ cầm. Cái tên “làng vĩ cầm” cũng bắt đầu từ đó mà có.

Tiếng vĩ cầm làng Then
Dàn nhạc vĩ cầm làng Then
Trò chuyện với anh Khoa – nhạc trưởng dàn nhạc vĩ cầm của làng Then, tôi được biết rằng chiếc đàn vĩ cầm theo ba lô cũng những người lính sau chiến tranh trở về quê hương. Họ truyền dạy cho nhau cách chơi thứ nhạc cụ này và phong trào học violon cũng nổi lên từ đó.

Phong trào chơi vĩ cầm ở làng Then bắt đầu từ những khoảng năm 1952, khi thực dân Pháp còn chiếm đóng miền Bắc. Từ cây đàn của một nhạc công tập cho con cháu trong nhà, việc chơi đàn cứ thế lan ra khắp thôn xóm và được duy trì đến nay.

Anh Khoa cho biết, đội vĩ cầm làng Then thời điểm đó có khoảng 30 cây vĩ cầm và được chia ra làm ba thế hệ. Thế hệ thứ nhất là những bậc cao niên đã cầm đàn từ ngày đầu phong trào vĩ cầm nảy nở. Thế hệ thứ hai là thế hệ “trai tráng” mà anh là một người đại diện. Thế hệ thứ ba là thế hệ của những em thiếu niên, nhi đồng còn đang cắp sách tới trường. 

Ngoài công việc chính là việc đồng áng, hầu như gia đình nào ở làng Then cũng đều làm thêm một nghề phụ. Nhà anh Khoa thì làm thêm nghề hàng mã. Dù nguồn thu nhập không cao, tuy nhiên, vì đam mê nghệ thuật, mỗi thành viên vẫn cố gắng vượt qua khó nhọc mưu sinh để luyện ngón đàn bất cứ lúc nào có thể. Vĩ cầm vốn là một loại nhạc cụ khó tính, nếu người chơi không rèn luyện thường xuyên sẽ rất dễ bị xuống tay.

Bước qua cánh cổng làng Then, vẳng nghe tiếng nhạc vĩ cầm réo rắt từ đằng xa. Trong khung cảnh bình yên, hình ảnh một người nông dân quần xắn ống thấp ống cao, đôi chân vẫn còn lấm bùn và trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi ẩn chứa niềm say mê theo từng nốt nhạc  khiến tôi không khỏi bồi hồi. Người đàn ông đó đang chơi vĩ cầm vào những giây phút rảnh rang sau khi đã làm xong công việc đồng áng.

Tiếng vĩ cầm làng Then

Đối với người dân làng Then, tiếng đàn chính là tiếng lòng, nó giúp cho con người ta quên đi những cám dỗ đời thường, sống nghĩa tình hơn, lạc quan hơn và trách nhiệm hơn. Nó chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa.

Anh em làng Then ước mơ có một buổi biểu diễn riêng trong một khán phòng. Điều đó thật đáng trân trọng. nhưng còn đáng quý hơn khi tiếng đàn vĩ cầm của những người nông dân này luôn vang mãi trong những đêm hội, réo rắt trong từng ngõ ngách thôn quê. Bởi vì hạnh phúc giản dị của người dân làng Then là được sống và đắm mình trong những đam mê nghệ thuật, tạm bỏ lại những toan tính đời thường.

Mai Tân